LTS: Chuyên mục Khen - Chê bóng đá Việt Nam xuất hiện vào sáng thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần, với ý kiến bình luận của các chuyên gia hàng đầu.
Mục đích của chúng tôi nhằm mang đến cái nhìn khác biệt, đa chiều về các sự kiện diễn ra trên sân cỏ trong nước.
Quý độc giả cũng có thể tham gia đóng góp ý kiến trong phần bình luận để chung tay xây dựng nền bóng đá Việt Nam.
Công Phượng còn phải học Công Vinh nhiều
Là người từng dìu dắt Công Vinh từ những ngày đầu tiên trong màu áo SLNA, HLV Nguyễn Thành Vinh nhận xét về cậu học trò cũ:
“Không có nhiều điều để nói về những tố chất bẩm sinh của Công Vinh vì thực tế là cậu ta không có gì nổi bật. Duy chỉ một điểm mà Vinh hơn người là ý chí phấn đấu sắt đá để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp”.
Nhờ ý chí đó mà tiền đạo sinh năm 1985 trưởng thành từ rất sớm. Năm 2004, khi mới 19 tuổi, Công Vinh lần đầu nhận danh hiệu QBV Việt Nam.
HLV Nguyễn Thành Vinh đưa ra so sánh về 2 hậu bối đồng hương, Công Vinh và Công Phượng:
“Nếu xét về thành tích ở độ tuổi 19-20 thì Công Vinh nổi trội hơn Công Phượng rất nhiều. Cậu ta không chỉ thi đấu tốt tại V-League mà còn nhanh chóng khẳng định được chỗ đứng vững chắc cả ở ĐTVN lẫn U23 Việt Nam”.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng Công Phượng cùng đồng đội ở HAGL đến lúc này vẫn non nớt ở V-League.
Năm ngoái, tiền đạo kém Công Vinh 10 tuổi đã để vuột danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất về tay Tuấn Anh. Năm nay, anh cũng không có tên trong danh sách bầu chọn QBV Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên FIFA dành cho Công Vinh vinh dự hiếm có là được tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh gửi lời chúc mừng sinh nhật đúng vào ngày anh tròn 30 tuổi.
Theo HLV Nguyễn Thành Vinh, hơn 10 năm qua, chân sút xứ Nghệ là gương mặt có nhiều đóng góp nhất cho ĐTVN.
Ai ghi nhiều bàn thắng nhất tại V-League? Ai là cầu thủ khoác áo ĐTVN nhiều nhất và ghi được nhiều bàn thắng nhất?
Ai góp công trực tiếp mang về chức vô địch AFF Cup 2008? Ai nằm trong số các cầu thủ giành QBV nhiều nhất?... Câu trả lời chỉ có một, đó là Lê Công Vinh.
Ý chí, sự bền bỉ và tác phong chuyên nghiệp của Công Vinh là những bài học rất quý giá dành cho sự nghiệp của Công Phượng trên hành trình phía trước.
Bầu Đức không hề “nổ”
Trái với những quan điểm phản đối bầu Đức thời gian qua, HLV Nguyễn Thành Vinh tin tưởng tuyệt đối về cái tâm của vị đại gia phố núi dành cho bóng đá Việt Nam.
“Những ngày còn làm bóng đá, bầu Long, bầu Tuấn của Hòa Phát luôn dành cho bầu Đức tình cảm quý mến và sự tôn trọng hết sức đặc biệt.
Tôi còn nhớ ngày Hòa Phát chuẩn bị xây dựng khu huấn luyện, các anh đã vào tận Gia Lai để tham khảo ý kiến của anh Đức và học tập theo mô hình Học viện HAGL Arsenal JMG”, ông Vinh chia sẻ.
Nhà cầm quân lão làng cho rằng, nếu nói về tâm huyết dành cho bóng đá Việt Nam, hiếm có ai vượt qua được bầu Đức.
HLV Nguyễn Thành Vinh đánh giá: “Sự hy sinh, kiên nhẫn đầu tư không biết bao nhiêu tiền của và công sức để cho ra đời lứa cầu thủ Công Phượng là minh chứng thuyết phục nhất cho thấy bầu Đức là người dám nói, dám làm”.
Thế nên, khi bầu Đức trực diện “tấn công” HLV Miura thời gian qua thì điều đó có thể được hiểu là bởi ông quá sốt ruột và lo lắng khi chứng kiến ĐTVN cũng như U23 Việt Nam thi đấu thiếu thuyết phục.
Trong khi đó, sản phẩm của bầu Đức là lứa cầu thủ U19 Việt Nam rõ ràng đã mang đến một luồng sinh khí mới trong đời sống bóng đá nước nhà xuyên suốt 2 năm 2013-2014. Đó là cơ sở để bầu Đức tin tưởng và quyết tâm hành động.
Nhưng HLV Miura cần được thông cảm hơn
Không phủ nhận tâm huyết của bầu Đức nhưng HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng, HLV Miura cần được tôn trọng trong phạm vi công việc của mình.
Chuyên gia bóng đá xứ Nghệ phân tích về công việc của người đồng nghiệp Nhật Bản:
“Đồng ý là ai cũng thích xem lối chơi đẹp mắt của các cầu thủ U19 Việt Nam. Nhưng cần phải thực tế rằng lối chơi đó chỉ phù hợp ở các giải trẻ, nặng về tính giao hữu. Khi bước vào thi đấu chính thức thì tính hiệu quả, thực dụng phải được đặt lên hàng đầu.
Mặt khác, lối chơi còn phải tùy thuộc theo con người. Nếu nhìn lại tất cả các ĐT bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Miura, có thể thấy lực lượng như vậy sẽ rất khó để đá kiểu "đập nhả ban bật" như ĐT U19.
Một khía cạnh nữa mà tôi muốn nhấn mạnh là bóng đá Việt Nam đã liên tiếp tuột dốc khoảng 3-4 năm trước khi ông Miura tới. Trong hầu hết giải đấu, chúng ta rõ ràng là nằm ở cửa dưới nên HLV Miura cũng buộc phải chọn lối đá phòng ngự - phản công”.
Có một điều HLV Nguyễn Thành Vinh chia sẻ rằng ông cảm thấy đồng cảm sâu sắc với HLV Miura là triết lý “con nhà nghèo vượt khó”.
“Phương pháp huấn luyện của ông Miura khiến tôi nhớ đến thời kỳ SLNA mới lên chuyên nghiệp. Vì là đội bóng yếu, nằm cửa dưới, nên phải dùng cả sức mạnh thể chất lẫn tinh thần, ý chí vượt khó để bù đắp cho khiếm khuyết của mình.
Theo tôi, đó là lý do HLV Miura rất chú trọng đến khâu nhồi thể lực cho các cầu thủ và rất yêu thích những mẫu “chiến binh” trên sân cỏ.
Tại VCK U23 châu Á, U23 Việt Nam bị đánh giá yếu nhất trong số 16 đội tham dự. Nếu không đá bằng tinh thần đó và đấu pháp phòng ngự - phản công, thậm chí lăn xả, chúng ta sẽ rất khó đạt được mục tiêu”, nhà cầm quân xứ Nghệ tâm sự.