Tên lửa "lai" ngư lôi của TQ có thể khiến tàu ngầm Mỹ đi tong

Hải Vy |

Bài viết trên tạp chí Shipborne Weapons đã tiết lộ những thông tin ít biết về hệ thống "tên lửa" chống ngầm Yu-8 của Trung Quốc.

Trung Quốc đẩy mạnh năng lực chống ngầm

Tiết lộ gần đây về việc Trung Quốc xây dựng nhiều nhà chứa máy bay lớn trên các đảo nhân tạo trái phép của nước này ở Biển Đông dự kiến sẽ một lần nữa làm gia tăng tình hình căng thẳng tại đây.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Lyle J. Goldstein tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI), những cơ sở này sẽ không gây ra tác động đáng kể đối với cán cân quân sự trong khu vực, bởi chúng rất dễ bị hư hại trước các đợt tấn công bằng vũ khí dẫn đường chính xác.

Trong hình thái tác chiến hiện đại, nếu mục tiêu bị phát hiện, nó kiểu gì cũng bị tiêu diệt. Trong khi đó, đường băng và các cơ sở hạ tầng liên quan đều là những mục tiêu hữu hình.

Các nhà chiến lược sẽ khôn ngoan hơn nếu tập trung vào mặt trận dưới lòng biển, nơi Mỹ và đồng minh đang chiếm ưu thế.

Theo một báo cáo gần đây phản ánh, giới lãnh đạo Bắc Kinh còn rất xa mới có thể hài lòng với năng lực của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc hiện nay, cũng như các nỗ lực của quân đội nước này nhằm đối phó với tàu ngầm của Mỹ và đồng minh trong bất cứ cuộc xung đột tiềm tàng nào.

Song, có thể cường quốc quân sự đứng đầu phương Tây đang đánh giá quá thấp năng lực tác chiến chống ngầm (ASW) tiến bộ của Trung Quốc.

Tên lửa lai ngư lôi của TQ có thể khiến tàu ngầm Mỹ đi tong - Ảnh 1.

Phiên bản chống ngầm của Type 056.

Trong vài năm gần đây, các bước phát triển quan trọng của Bắc Kinh trong lĩnh vực đó bao gồm: đẩy mạnh sản xuất khinh hạm hạng nhẹ Type 056A với khả năng chống ngầm được tối ưu hóa, hoàn tất thiết kế máy bay tuần tra tầm xa GX-6, cũng như triển khai các thiết bị cảm biến dưới đáy biển (ở một số khu vực nhất định).

Đặc biệt, một bài báo trên tạp chí Shipborne Weapons (ấn phẩm của tập đoàn đóng tàu chiến CSIC) hồi tháng 7 năm nay còn tiết lộ rằng Trung Quốc đã hoàn thiện "tên lửa" chống ngầm Yu-8 và công bố bức ảnh ghi lại cuộc thử nghiệm phóng từ khinh hạm Type 054A của Hải quân Trung Quốc (PLAN) ở Biển Đông.

Tên lửa lai ngư lôi của TQ có thể khiến tàu ngầm Mỹ đi tong - Ảnh 2.

Hình ảnh được cho là Yu-8 phóng thử nghiệm.

"Tên lửa" chống ngầm Yu-8

Theo lẽ thường, một số nhà chiến lược sẽ đặt câu hỏi: "Tại sao lại gọi là 'tên lửa' chống ngầm"?

Và một số chuyên gia về các chương trình phát triển quân sự của Trung Quốc thậm chí sẽ thắc mắc: Tại sao gọi là "tên lửa" khi Trung Quốc dùng ký tự định danh "ngư lôi" cho vũ khí này, thay vì ký tự định danh "tên lửa"?

Sở dĩ gọi như vậy vì đây là một loại vũ khí "lai" giữa tên lửa và ngư lôi. Về lý thuyết, có thể hiểu là kết hợp 2 khả năng tấn công (của tên lửa và ngư lôi) trên 1 vũ khí.

Ưu điểm chính của sự kết hợp này tất nhiên là để mở rộng tầm bắn và tốc độ của hệ thống ngư lôi.

Một lợi thế khác là hệ thống ngư lôi tấn công sẽ không bị chiếc tàu ngầm đang lặn phát hiện, cho tới khi nó lao xuống vùng nước khá gần với mục tiêu. Điều đó làm giới hạn thời gian phản ứng của kíp thủy thủ trên tàu ngầm, khiến họ không kịp tránh hoặc triển khai các biện pháp đối phó.

Hơn nữa, đây không hẳn là hệ thống vũ khí mới, bởi nó từng được các siêu cường tích cực phát triển từ thời kỳ giữa Chiến tranh Lạnh trên biển. Bằng chứng là một phần đáng kể trong bài báo của Trung Quốc cũng được dành để phân tích những thành công và thất bại của các hệ thống thời ấy.

Theo đó, Mỹ là nước đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển loại vũ khí này vào đầu những năm 1960, với mẫu RUR-5A có tầm bắn ban đầu tới 10km - một bước tiến (ít nhất là về tầm bắn) hơn hẳn cả những loại bom chìm, rocket chống ngầm hay ngư lôi chống ngầm phóng từ tàu chiến.

Tên lửa lai ngư lôi của TQ có thể khiến tàu ngầm Mỹ đi tong - Ảnh 3.

SS-N-14, mẫu thiết kế ra đời sớm nhất của Moscow trong lĩnh vực này, cũng được đưa ra thảo luận nhưng bài báo cho biết, các nhà hoạch định kế hoạch Liên Xô đã nhanh chóng nhận ra rằng, loại vũ khí đó "thực ra chẳng ích gì".

Theo tiết lộ của bài báo, vấn đề là "các yêu cầu về nội địa hóa quá cao nên việc đưa vào triển khai thực tế loại vũ khí tầm xa này không hề dễ dàng..."

Chương trình tên lửa chống ngầm UUM-125 "Sea Lance" của Mỹ, với tầm bắn hiệu quả 100km, đã bị gián đoạn trong những năm 1990 do chi phí cao, và Hải quân Mỹ chuyển trọng tâm sang tác chiến cận bờ.

RU-139 - tên lửa chống ngầm chủ lực của Hải quân Mỹ hiện nay - không được bài báo của Trung Quốc đánh giá cao. Trong khi mẫu SS-N-29 của Hải quân Nga nhận được nhiều bình luận tích cực hơn.

Quay trở lại với vũ khí mới của Trung Quốc và nguồn gốc của nó. Bài báo cho biết, phần lớn chương trình phát triển ngư lôi chống ngầm của Trung Quốc "có nguồn gốc châu Âu".

Tuy nhiên, ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mark 46 của Mỹ cũng được đề cập tới, khiến người đọc vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng Washington từng xuất khẩu vũ khí này sang Trung Quốc trong những năm 1980.

Theo bài báo, Trung Quốc đã tự chế tạo một số mẫu ngư lôi tương đối tiên tiến trong những năm 1990 nhưng hệ thống sonar thời đó vẫn chưa hiệu quả ở tầm xa.

Cần lưu ý rằng Yu-8 không phải là tên lửa chống ngầm đầu tiên của Trung Quốc, mà thực ra là CY-1. Tuy nhiên, nó "không đáp ứng được yêu cầu của Hải quân Trung Quốc".

Hiện chưa có thông tin chính xác về tính năng của Yu-8 nhưng bài báo có đưa ra một số dự đoán. Cụ thể, tên lửa có chiều dài 5m, nặng dưới 700kg, tầm bắn rơi vào khoảng 30km.

Cự ly bắn kịch tầm có thể được nâng lên đến 50-70km. Đáng chú ý, có vẻ tên lửa được thiết kế để cập nhật tham số mục tiêu 2 lần giữa hành trình.

Phần ngư lôi của nó ước tính có đường kính 324mm và có khả năng phát hiện mục tiêu (cả ở chế độ chủ động và thụ động) trong phạm vi 1.1-2.5km.

Yu-8 có vẻ là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm khắc phục điểm yếu đã tồn tại từ lâu trong hệ thống chống ngầm, đó là các trực thăng ASW của nước này không đủ khả năng mang ngư lôi đa nhiệm.

Trong trường hợp của Yu-8, các trực thăng sẽ đóng vai trò truyền dữ liệu mục tiêu về chiếc tàu mẹ đang đảm nhận nhiệm vụ phóng tên lửa chống ngầm.

Theo nhà phân tích Goldstein, Mỹ và các nước liên quan không nên phóng đại tầm quan trọng của mình hệ thống vũ khí này, song cũng không nên xem nhẹ những bước phát triển trong năng lực ASW của Trung Quốc.

Cùng với các bước tiến khác trong lĩnh vực này, dù là việc triển khai mạng sonar dưới đáy biển vài năm trước, hay kế hoạch triển khai 2 loại trực thăng chống ngầm mới trong những năm tới, thì nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế ưu thế dưới lòng biển của Washington cũng cần được nghiên cứu với tinh thần cảnh giác tối đa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại