Tập luyện cùng video trên mạng nên chú ý vừa sức mình.
Bên cạnh những điểm tích cực, có một số lưu ý mà người tập thể dục theo video mạng nên trang bị cho bản thân nhằm tránh những sai lầm trong việc luyện tập, dẫn đến các chấn thương đáng tiếc.
Khoa Y học thể thao - Viện Chấn thương chỉnh hình 175 đã ghi nhận nhiều trường hợp bị bong gân, chấn thương khớp do sai tư thế khi tập thể dục tại nhà.
Điều đáng quan ngại rằng đa số bệnh nhân đều đến điều trị muộn vì mang tâm lý "khi nào thực sự đau đớn mới cần đến can thiệp y tế", dẫn đến quá trình điều trị có thể kéo dài và khó đạt được kết quả như ban đầu.
Người hướng dẫn khác người tập
Thể lực và hình thể người hướng dẫn trong clip không giống như người tập luyện. Hình thức phổ biến nhất trên các clip thể dục là một chương trình luyện tập kéo dài khoảng 15 phút, trong đó có thời gian nghỉ ngơi giữa các hiệp.
Phương án này giúp cho người xem chỉ cần luyện tập song song với clip cho tới khi nội dung kết thúc thì hoàn thành buổi tập. Tuy nhiên, một lưu ý mà người tập thường bỏ sót chính là hình thể và thể lực của người trong video hoàn toàn khác với chúng ta.
Ở các phòng tập chuyên nghiệp, trước khi tham gia, người tập sẽ trải qua một bước đánh giá sức khỏe thể chất, dựa vào đó, huấn luyện viên cá nhân mới đưa ra một chương trình rèn luyện phù hợp.
Trường hợp tập luyện theo clip trên mạng xã hội, bước đánh giá sức khỏe ban đầu bị lược bỏ hoàn toàn. Điều này dẫn đến tình trạng người tập "không hiểu được" cơ thể của mình và không biết liệu rằng chương trình tập của clip mình đang xem có quá sức hay không. Hệ quả là nhiều người không thể theo nổi hết bài tập trong clip, gây chán nản trong việc tập luyện.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, thời điểm dễ xảy ra chấn thương nhất là vào cuối buổi tập, khi chúng ta bắt đầu đuối sức, cơ thể không còn linh hoạt để chống lại các tác nhân gây tổn thương.
Khi tập luyện theo clip, do có sự khác biệt về thể lực giữa người trong clip và người xem clip nên ở cuối hiệp, bạn đọc sẽ có xu hướng gắng sức để hoàn thành bài tập trong khi cơ bắp đã mỏi.
Ngoài ra, việc không có người hướng dẫn trực tiếp điều chỉnh tư thế sẽ làm tư thế luyện tập không chuẩn, từ đó làm gia tăng khả năng gặp chấn thương.
Việc bổ sung nước điện giải thường bị bỏ qua
Có ý kiến cho rằng chạy bộ ngoài trời hoặc chơi thể thao sức bền mới cần chú trọng đến vấn đề bổ sung nước điện giải. Những suy nghĩ trên không hẳn là sai, bởi vì khi rèn luyện thể thao ngoài trời, bạn đọc sẽ chịu thêm tác động từ thời tiết như nắng gắt, không khí lạnh...
Trong khi tập luyện tại nhà, nhiệt độ phòng lý tưởng thì nhu cầu bổ sung nước điện giải sẽ không gắt gao như vậy.
Mặc dù đây là điểm mạnh đối với việc rèn luyện tại nhà, nhưng cũng là điểm yếu vì dễ nảy sinh tâm lý chủ quan. Bên cạnh đó, một số clip bài tập cường độ cao như HIIT, đốt cháy mỡ thừa, bài tập cardio... vẫn có thể làm người tập mất một lượng mồ hôi đáng kể.
Nhiều bạn nhỏ tuổi 13-15 tự tập luyện bài cardio không biết cơ thể bị mất nước, bị mệt.
Ngoài ra, một video thể thao thường kéo dài không lâu khiến chúng ta có xu hướng đợi đến khi hết clip mới bổ sung nước và khi bổ sung thì cũng chỉ uống nước lọc thay vì nước điện giải.
Việc không bù đủ lượng điện giải mất đi theo mồ hôi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người chơi thể thao. Đặc biệt là khi rèn luyện ở nhà, với tâm lý chủ quan của người tập và không có sự giúp đỡ từ bạn tập cùng thì rủi ro càng gia tăng.
Chuẩn bị gì khi luyện tập với clip?
Nên tìm hiểu các phương pháp khi tập thể dục tại nhà cùng clip - Ảnh: T.T.D.
Trước khi tham gia rèn luyện thể thao theo hướng dẫn của mạng xã hội, người chơi thể thao nên tìm hiểu về các phương pháp phòng tránh chấn thương.
Hiện nay trên các diễn đàn, câu lạc bộ, nhiều người cùng đam mê thường chia sẻ các kinh nghiệm để làm giảm đi các rủi ro không đáng có.
Tuy nhiên, lựa chọn tối ưu nhất vẫn là tham khảo ý kiến của một huấn luyện viên cá nhân hoặc bác sĩ thể thao, vì ngoài việc hướng dẫn tự bảo vệ bản thân, bạn đọc còn được cung cấp các thông tin hữu ích khác như lượng kcal mà mình cần tiêu thụ, lượng nước cần bù...