Thời điểm đi ngủ và nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch châu Âu được thực hiện với sự tham gia của 88.026 người trong độ tuổi từ 43-79, 58% là phụ nữ. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thu thập số liệu về giấc ngủ của những người tham gia và liên hệ giấc ngủ với các vấn đề tim mạch.
Sau đó, những người tham gia sẽ phải hoàn thành một bảng câu hỏi về lối sống, sức khỏe và thể chất. Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành theo dõi nguy cơ mắc bệnh tim mạch bao gồm: đau tim, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính, đột quỵ.
Trong khoảng gần 6 năm theo dõi, 3.172 người tham gia đã mắc bệnh tim mạch. Theo đó, những người có thói quen đi ngủ vào lúc nửa đêm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Ngược lại, những người đi ngủ trong khoảng thời gian từ 22h - 22h59 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp nhất.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích mối liên quan giữa thời gian bắt đầu đi ngủ và các biến cố tim mạch sau khi loại trừ các yếu tố như độ tuổi, giới tính, tổng thời gian ngủ, lịch trình giấc ngủ hàng ngày không đều (có nghĩa là thời gian đi ngủ và thời gian thức dậy khác nhau giữa các ngày), thói quen hút thuốc, chỉ số khối cơ thể, bệnh tiểu đường, huyết áp, mỡ máu.
So với những người đi ngủ từ 22h - 22h59, những người thức khuya hoặc đi ngủ muộn vào lúc nửa đêm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 25%. Những người đi ngủ vào lúc 23h - 23h59 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 12%.
Ảnh minh họa.
Tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ David Plans của Đại học Exeter, Vương quốc Anh cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng thời điểm để đi ngủ là một mốc thời gian cụ thể trong ngày và ngủ muộn hơn có thể gây bất lợi cho sức khỏe. Thức khuya, ngủ muộn có thể gây ảnh hưởng tới đồng hồ sinh học của cơ thể”.
Ngoài việc đi ngủ đúng giờ, việc ngủ đủ giấc cũng đóng vai trò quan trọng với sức khỏe. Các chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành nên ngủ từ 6-9 tiếng mỗi đêm; cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm giống nhau mỗi ngày.
Chuyên gia Regina Giblin, y tá cao cấp của Quỹ Tim mạch Anh cho biết: “Ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với sức khỏe nói chung cũng như sức khỏe tim mạch nói riêng”.
Có nhiều bằng chứng chứng minh rằng các vấn đề về giấc ngủ, bao gồm thiếu ngủ và giấc ngủ bị gián đoạn có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.
Giấc ngủ là thời gian cần thiết để cơ thể phục hồi. Trong giai đoạn ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM), nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm và nhịp thở ổn định. Những thay đổi này làm giảm căng thẳng cho tim, cho phép nó phục hồi sau các căng thẳng xảy ra trong ngày.
Nếu ngủ không đủ giấc, mọi người sẽ không dành đủ thời gian cho các giấc ngủ sâu NREM có lợi cho tim. Vấn đề tương tự có thể ảnh hưởng đến những người có giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn.
Do đó, thiếu ngủ mãn tính có liên quan đến nhiều vấn đề về tim bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, đau tim, béo phì, tiểu đường và đột quỵ.
Trong khi ngủ, cơ thể sẽ tiến vào trạng thái nghỉ ngơi. Lúc này cơ thể sẽ sửa chữa các tế bào trong não, cơ bắp và các cơ quan khác trong cơ thể, đồng thời thiết lập lại nồng độ hormone để duy trì sức khỏe.