Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong số 548.000 ca tử vong/năm ở Việt Nam có khoảng 40.000 ca (trên 7%) có nguyên nhân liên quan đến rượu bia.
Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam: 44,2% nam giới vào năm 2015; tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (25,1%).
Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Tỷ lệ người mắc sa sút trí tuệ đang tăng theo cấp số nhân trên khắp thế giới do dân số già đi. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề tuổi tác, còn có một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ, trong đó có thói quen sử dụng rượu bia quá mức.
Ảnh minh họa: Rượu bia là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Rượu bia có hại cho não như thế nào?
Các chuyên gia cho biết uống rượu bia với lượng vừa phải không gây ra suy giảm nhận thức hoặc mất trí nhớ. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều và lạm dụng rượu bia, đặc biệt là ở người cao tuổi, có thể gây ra những thay đổi trong cấu trúc não, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các hội chứng sa sút trí tuệ khác.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ mất trí nhớ lên khoảng ba lần.
Theo Bác sĩ Sara Imarisio, Trưởng phòng Nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Bệnh Alzheimer Vương quốc Anh, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa việc uống quá nhiều rượu bia và tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Bác sĩ giải thích: "Việc uống quá nhiều rượu trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến chức năng của não bộ cũng như ảnh hưởng tới hình dạng và cấu trúc vật lý của não. Bởi rượu được ví như ‘chất độc’ đối với các tế bào não và có thể ngăn cơ thể hấp thụ vitamin."
Theo bác sĩ, một báo cáo toàn diện về nguy cơ sa sút trí tuệ cho biết uống quá nhiều rượu bia là một trong 12 yếu tố góp phần gây ra sa sút trí tuệ. Việc hạn chế các yếu tố nguy cơ có thể ngăn ngừa khoảng 40% ca mắc sa sút trí tuệ.
Một nghiên cứu phân tích hồ sơ nhập viện của 1,3 triệu người được chẩn đoán sa sút trí tuệ tại Pháp chỉ ra rằng hơn 57% những người phát triển chứng sa sút trí tuệ trước 65 tuổi đã từng phải nhập viện vì sử dụng rượu bia quá mức.
Ảnh minh họa: Nghiên cứu chỉ ra rằng uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ mất trí nhớ lên khoảng ba lần.
Tiến sĩ Sara Imarisio cho biết thêm: “Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên tiết lộ mối liên hệ giữa lạm dụng rượu bia và chứng sa sút trí tuệ. Những phát hiện này thậm chí còn có sức nặng đối với việc cảnh báo người dân chỉ nên uống rượu bia ở mức được khuyến nghị”.
Theo Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Lạm Dụng Rượu và Nghiện Rượu, Hoa Kỳ, nam giới không nên uống nhiều hơn 4 đơn vị cồn/ngày và 14 đơn vị cồn/tuần; phụ nữ không nên uống nhiều hơn 3 đơn vị cồn/ ngày và 7 đơn vị cồn/tuần. (1 đơn vị cồn tương đương với 355ml bia thông thường hoặc 150ml rượu thông thường hoặc 45ml rượu mạnh).
Tóm lại, các nghiên cứu kết luận rằng điều chỉnh các yếu tố nguy cơ, trong đó bao gồm hạn chế uống quá nhiều rượu bia, có thể giảm 1/3 nguy cơ mắc sa sút trí tuệ hoặc mất trí nhớ. Bên cạnh việc hạn chế sử dụng rượu bia quá mức, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc duy trì lối sống lành mạnh, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cũng có thể giúp mọi người duy trì sức khỏe não bộ, ngăn ngừa sa sút trí tuệ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sa sút trí tuệ (Dementia) là một hội chứng gây suy giảm chức năng nhận thức (khả năng tư duy) và gây ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, năng lực học tập, khả năng ngôn ngữ và khả năng phán đoán. Sự giảm chức năng nhận thức thường đi kèm, hoặc đôi khi xảy ra trước đó, với sự suy giảm khả năng kiểm soát cảm xúc, hành vi xã hội hoặc động lực.
Các dấu hiệu nhận biết sa sút trí tuệ bao gồm:
- Thay đổi nhận thức.
- Mất trí nhớ.
- Gặp khó khăn trong giao tiếp hoặc tìm từ.
- Gặp khó khăn khi xác định không gian, thời gian; thường nhầm lẫn hoặc mất phương hướng (thường xuyên bị lạc đường hoặc quên mất ngày tháng).
- Gặp khó khăn trong việc suy luận hoặc giải quyết vấn đề.
- Thay đổi tâm lý hoặc tính cách.
- Phiền muộn, lo âu.
- Xuất hiện chứng hoang tưởng, hay kích động và xuất hiện ảo giác.
Nguồn: Express, WebMD, Medical News Today