Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Chống đòn hạt nhân tàu ngầm

Lê Hùng – Nguyễn Hoàng |

Các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa thế hệ đầu của Mỹ không thể đối phó với các mục tiêu bay thấp.

Các radar quan sát công suất lớn không phải lúc nào cũng phát hiện được các máy bay hoặc tên lửa có cánh bay sau các dãy núi. Từ thực tế trên, các máy bay không quân chiến thuật và các máy bay ném bom bắt đầu luyện tập các phương án ném bom từ độ cao thấp.

Để đối phó với mối đe dọa mới này, năm 1960 Mỹ đưa vào trang bị tổ hợp tên lửa phòng không MIM-23 Hawk. Khác với các tổ hợp họ "Nike", các phiên bản của MIM-23 Hawk đều là các tổ hợp cơ động.

Biến thể đầu tiên của Hawk sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn với đầu tự dẫn bán chủ động có khả năng tấn công các mục tiêu trên không ở cự ly 2-25 km và ở độ cao 50- 11.000m.

Xác xuất tiêu diệt mục tiêu nếu không có nhiễu là 50-55%. Đầu tự dẫn có thể khóa mục tiêu trước khi phóng hoặc sau khi đang tiếp cận mục tiêu.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Chống đòn hạt nhân tàu ngầm - Ảnh 1.

Tổ hợp tên lửa phòng không MIM-23 Hawk

Trong biên chế của một đại đội phòng không (gồm 3 trung đội hỏa lực) có: 9 tổ hợp phóng xe kéo với 3 tên lửa mỗi tổ hợp, một đài radar quan sát, 3 radar chỉ mục tiêu, sở điều khiển trung tâm của đại đội, giao diện điều khiển hỏa lực từ xa, trạm chỉ huy trung đội, các xe vận tải – nạp đạn và các máy phát điện diesel.

Không lâu sau khi được đưa vào trang bị, tổ hợp MIM-23 Hawk được bổ sung thêm radar AN/MPQ-55 chuyên phát hiện các mục tiêu bay thấp.

Các radar AN/MPQ-50 và AN/MPQ-55 được trang bị thiết bị đồng bộ với tốc độ quay của các ăng ten. Nhờ vậy mà loại bỏ được khoảng không gian không thể quan sát quanh trận địa tên lửa phòng không.

Để chỉ huy hoạt động của một số đại đội tên lửa phòng không, Mỹ sử dụng radar ba tọa độ cơ động AN/TPS-43. Radar AN/TPS-43 được triển khai tại các đơn vị năm 1968. Các bộ phận của radar được vận chuyển bằng 2 xe vận tải M35.

Trong điều kiện thuận lợi, radar này có thể phát hiện các mục tiêu bay cao ở cự ly hơn 400 km.

Theo tính toán, tổ hợp tên lửa phòng không "Hawk" sẽ lấp các khoảng trống giữa các tổ hợp "Nike – Hercules" và loại trừ hoàn toàn khả năng các máy bay ném bom đột phá vào khu vực các mục tiêu cần bảo vệ.

Nhưng trước khi các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp đạt được mức sẵn sàng chiến đấu cần thiết thì mối đe dọa chủ yếu đối với các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ không còn là các máy bay ném bom, mà là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Mặc dù vậy, một số đại đội "Hawk" vẫn được triển khai ven bờ biển vì vào thời điểm này, tình báo Mỹ nhận được thông tin là Liên Xô trang bị cho Hải quân nước này các tàu ngầm mang tên lửa có cánh.

Trong những năm 60, xác xuất các tàu ngầm Liên Xô tiến hành các đòn tấn công hạt nhân vào các khu vực ven biển trên lãnh thổ Mỹ là rất lớn .

Nhưng chủ yếu, "Hawk" được triển khai chủ yếu ở các căn cứ tiền tiêu Mỹ ở Tây Âu và Châu Á, ở những khu vực nằm trong tầm hoạt động của máy bay ném bom chiến trường Xô Viết.

Nhằm nâng cao khả năng cơ động, một phần trong số các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp này được hiện đại hóa và lắp trên các khung gầm xe tự hành.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Chống đòn hạt nhân tàu ngầm - Ảnh 5.

Gần như ngay sau khi chế tạo tổ hợp tên lửa "Hawk", các kỹ sư Mỹ bắt tay ngay vào việc nghiên cứu nâng cao độ tin cậy và các tính năng tác chiến của tổ hợp này.

Ngay năm 1964, Mỹ triển khai dự án Improved Hawk hay I- Hawk ( Hawk cải tiến).

Sau khi biến thể MIM -23B với tên lửa mới và hệ thống số xử lý thông tin radar được đưa vào trang bị, cự ly tiêu diệt các mục tiêu trên không lên đến 40 km, dải độ cao tiêu diệt mục tiêu từ 0,03 – 18km.

Các tổ hợp Improved Hawk đầu tiên được đưa vào trực chiến vào đầu những năm 1970.

Phần lớn các tổ hợp MIM-23А được đưa vào trang bị trước đó đều được nâng cấp thành MIM-23B. Tiếp theo đó, các tổ hợp " Hawk" nhiều lần được hiện đại hóa để tăng độ tin cậy, khả năng chống nhiễu và xác xuất tiêu diệt mục tiêu.

Nhìn chung, "tuổi thọ" của tổ hợp họ "Hawk" lâu hơn nhiều các tổ hợp họ "Nike – Hercules". Tổ hợp MIM-14 Nike-Hercules cuối cùng được thanh lý vào cuối những năm 1980, còn MIM-23 Improved Hawk được khai thác đến năm 2002.

Để đối phó với các máy không quân chiến thuật (chiến trường ) của đối phương , các lực lượng vũ trang Mỹ chủ yếu sử dụng các máy bay tiêm kích.

Tuy nhiên, Mỹ cũng tiến hành các nghiên cứu thiết kế các hệ thống phòng không để bảo vệ trực tiếp các đơn vị (phân đội) tác chiến trên tuyến tiền duyên trước các đợt tấn công từ trên không.

Từ năm 1943 đến giữa những năm 1960, lực lượng phòng không chủ yếu của các phân đội lục quân Mỹ từ cấp tiểu đoàn trở lên là súng máy 4 nòng dẫn động bằng điện 12,7 ly Maxson Mount và súng máy phòng không 40 ly Bofors L60.

Trong những năm sau chiến tranh, các phân đội phòng không của các sư đoàn tăng bắt đầu được trang bị tổ hợp phòng không tự hành 2 nòng cỡ 40 ly М19 và M42 .

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Chống đòn hạt nhân tàu ngầm - Ảnh 6.

Tổ hợp phòng không tự hành М42

Còn để bảo vệ các mục tiêu ở hậu phương và các địa điểm tập kết quân, năm 1953, Mỹ đưa vào trang bị cho các tiểu đoàn phòng không pháo phòng không 75 ly để thay thế pháo 40 ly xe kéo Bofors L60.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Chống đòn hạt nhân tàu ngầm - Ảnh 7.

Tổ hợp phòng không 75 ly М51

Vào thời điểm được đưa vào trang bị , tổ hợp M51 chiếm ưu thế tuyệt đối giữa các tổ hợp cùng chức năng về cự ly tiêu diệt mục tiêu, tốc độ bắn và độ chính xác. Tuy nhiên, nó cũng rất đắt và đòi hỏi các xạ thủ phải có trình độ cao.

Đến cuối nhưng năm 1950, pháo cao xạ được thay thế bằng các tổ hợp tên lửa phòng không và pháo phòng không 75 ly của Mỹ trực chiến không lâu. Ngay trong năm 1959, tất cả tiểu đoàn trang bị pháo phòng không 75 ly này đều giải thể hoặc được trang bị tên lửa phòng không. Những pháo Mỹ không còn cần đến được chuyển giao cho các nước đồng minh.

Trong các năm 60 -80, Lục quân Mỹ nhiều lần tổ chức các cuộc thi thiết kế các tổ hợp pháo phòng không và tổ hợp tên lửa phòng không để bảo vệ các phân đội khi hành tiến và trên trận địa.

Có nhiều phương án được đề xuất, tuy nhiên, chỉ có tổ hợp pháo phòng không 20 ly xe kéo M167, tổ hợp phòng không tự hành M163 và tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần MIM-72 Chaparral là được sản xuất hàng loạt.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Chống đòn hạt nhân tàu ngầm - Ảnh 8.

Tổ hợp phòng không tự hành М163

Cả hai tổ hợp M167 xe kéo và tổ hợp M163 tự hành đều sử dụng pháo 20 ly dẫn động bằng điện , được chế tạo theo mẫu pháo trên máy bay M61 Vulcan. Khung gầm cho tổ hợp tự hành là xe vận tải bọc thép M113.

Tổ hợp tên lửa phòng không cơ động "Chaparral" sử dụng tên lửa MIM-72, chế tạo theo mẫu tên lửa hàng không có điều khiển đánh gần (cận chiến ) AIM-9 Sidewinder.

Có 4 tên lửa phòng không lắp trên bệ phóng xoay trên khung gầm xe xích. Một cơ số tác chiến là 8 quả tên lửa.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Chống đòn hạt nhân tàu ngầm - Ảnh 9.

Tổ hợp tên lửa phòng không MIM-72 Chaparral

Tổ hợp Chaparral không có các phương tiện radar riêng và tiếp nhận các tham số về mục tiêu qua mạng vô tuyến từ các rada AN/MPQ- 32 hoặc AN/MPQ-49 với cự ly phát hiện mục tiêu gần 20 km, hoặc từ các đài quan sát.

Các sỹ quan điều khiển dẫn đường bằng tay, trực tiếp quan sát bám mục tiêu. Cự ly phóng trong điều kiện thời tiết tốt vào mục tiêu bay với tốc độ dưới âm ổn định có thể lên tới 8.000m , độ cao tiêu diệt mục tiêu 50-3.000 m.

Điểm yếu của "Chaparral" là nó chủ yếu chỉ có thể bắn đuổi các máy bay phản lực.

Tổ hợp tên lửa phòng không Chaparral của Lục quân Mỹ được bố trí trực chiến cùng với tổ hợp phòng không tự hành "Vulcan" – tức biên chế trong cùng một đơn vị cấp tiểu đoàn với các tổ hợp "Vulcan" - tiểu đoàn phòng không hỗn hợp "Chaparral-Vulcan".

Mỗi tiểu đoàn như vậy có 4 đại đội, 2 đại đội "Chaparral" (mỗi đại đội 12 xe), 2 đại đội "Vulcan" – với tổ hợp phòng không tự hành M163 (12 xe).

Phiên bản M167 xe kéo chủ yếu được biên chế cho các sư đoàn kỵ binh (sư đoàn đổ bộ bằng máy bay lên thẳng), các sư đoàn đổ bộ đường không và Quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ.

Trong mỗi đại đội phòng không M167 có tới 3 radar phát hiện các mục tiêu bay thấp. Thường thì các bộ phận của radar được vận chuyển bằng các xe Jeep. Nhưng trong trường hợp cần thiết, có thể vác vai (cần 7 người vận chuyển). Thời gian triển khai radar – 30 phút.

Đầu những năm 1970, Lục quân Mỹ đưa vào trực chiến phiên bản radar cải tiến AN/TPS-54 trên khung gầm xe ô tô vận tải địa hình. Radar AN/TPS-54 có cự ly phát hiện mục tiêu 180 km và được trang bị thiết bị nhận biết "địch – ta".

Để đảm bảo phòng không cho các đơn vị từ cấp tiểu đoàn, năm 1968, Mỹ đưa vào trang bị tổ hợp tên lửa phòng không vác vai FIM-43 Redeye. Tên lửa của tổ hợp này có đầu tự dẫn tìm nhiệt và cũng như tên lửa phòng không có điều khiển MIM-72, nó chủ yếu được sử dụng để bắn đuổi các mục tiêu trên không.

Cự ly hạ mục tiêu tối đa của "Redeye" là 4.500 m. Xác xuất tiêu diệt mục tiêu là 0,1 …. 0,2 ( qua thống kê việc sử dụng "Redeye" trong tác chiến).

Còn một tổ hợp tên lửa phòng không vác vai khác – "Stinger" , được đưa vào trang bị năm 1981. Tổ hợp này ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu nặng 15,7 kg, trọng lượng phóng tên lửa -10,1 kg.

Theo các số liệu của Mỹ, tầm bắn nghiêng của phiên bản "Stinger" hiện đại nhất là 5.500 m, độ cao – 3.800 m. Khác với các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai thế hệ đầu, "Stinger" có thể tiêu diệt mục tiêu cả khi bắn đón lẫn bắn đuổi.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Chống đòn hạt nhân tàu ngầm - Ảnh 10.

Tổ hợp tên lửa phòng không M1097 Avenger

Tên lửa "Stinger" cũng được sử dụng trong các tổ hợp tên lửa phòng không M1097 Avenger. Khung gầm của M1097 Avenger là khung gầm xe bộ binh đa năng HMMWV.

Trên xe Hummer có 2 tổ hợp vận chuyển – phóng tên lửa, mỗi tổ hợp 4 tên lửa FIM-92 , thiết bị ngắm bắn quang – điện tử , thiết bị tìm nhiệt, thiết bị laser đo cự ly, thiết bị nhận biết "địch – ta" . .. và súng máy phòng không 12,7 ly.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Chống đòn hạt nhân tàu ngầm - Ảnh 11.

Việc bố trí 8 tên lửa FIM-92 trên xe địa hình và trang bị các hệ thống ngắm bắn quang – điện tử đã làm tăng đáng kể khả năng tác chiến của lớp tên lửa này nếu so với các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai.

Tuy nhiên, cự ly và độ cao tiêu diệt mục tiêu vẫn như cũ. Trong điều kiện hiện nay, cự ly tiêu diệt mục tiêu 5.500 m không đủ để đối phó một cách có hiệu quả với cả các máy bay lên thẳng hiện đại mang các tổ hợp tên lửa chống tăng tầm xa.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại