Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Đầu đạn hạt nhân đánh chặn

Lê Hùng – Nguyễn Hoàng |

Trong nửa đầu những năm 1950, thành phần chủ yếu trong lực lượng phòng không lục địa Bắc Mỹ là các máy bay phản lực đánh chặn.

Kỳ 1: Cách Mỹ chống dội bom lên đầu từ Bắc Cực

Để phòng thủ chống tấn công từ trên không cho một khu vực lãnh thổ rộng lớn của Bắc Mỹ, đến năm 1951, Mỹ đã có gần 900 máy bay tiêm kích có chức năng đánh chặn các máy bay ném bom chiến lược Xô Viết trực chiến.

Ngoài các máy bay chuyên nhiệm vụ đánh chặn, còn có thể huy động một lực lượng rất lớn các máy bay tiêm kích của Không quân và Hải quân. Nhưng các máy bay không quân chiến thuật và không quân Hải quân lúc đó không được trang bị hệ thống tự động dẫn tới mục tiêu.

Vì vậy, để tăng cường sức mạnh cho Không quân tiêm kích, Mỹ quyết định thiết kế và triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không.

Những chiếc máy bay tiêm kích – đánh chặn Mỹ đầu tiên chuyên thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các máy bay ném bom chiến lược (Liên Xô) là F-86D Sabre, F-89D Scorpion и F-94 Starfire.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Đầu đạn hạt nhân đánh chặn - Ảnh 1.

Phóng tên lửa hàng không không điều khiển từ máy bay F-94.

Để có thể tự phát hiện các máy bay ném bom, các máy bay đánh chặn Mỹ được trang bị radar. Để tiêu diệt mục tiêu đối phương, thời gian đầu các máy bay này sử dụng tên lửa không điều khiển lớp "không đối không" 70 mm Mk 4 FFAR.

Đến cuối những năm 40, các chuyên gia quân sự Mỹ tính toán rằng một giàn phóng tên lửa không điều khiển có thể tiêu diệt máy bay ném bom trong khi máy bay đánh chặn không cần phải tiếp cận máy bay mục tiêu ở cự ly sát thương của pháo trên máy bay ném bom.

Kết luận này rút ra từ trên thực tế là Không quân Đức quốc xã đã rất thành công trong sử dụng các máy bay tiêm kích phản lực Ме-262 mang tên lửa không điều khiển 55-mm НАР R4M trong Thế chiến Hai. Tên lửa không điều khiển Mk 4 FFAR nói trên cũng được trang bị cho máy bay đánh chặn siêu âm F-102 và CF-100 của Không quân Canada.

Tuy nhiên, nhưng để đối phó với các máy bay ném bom động cơ turbin phản lực và turbin cánh quạt có tốc độ bay lớn hơn nhiều so với "các pháo đài bay" động cơ pitông, tên lửa không điều khiển không phải là loại vũ khí hiệu quả nhất.

Mặc dù nếu máy bay ném bom bị tên lửa không điều khiển 70 mm bắn trúng sẽ bị tiêu diệt, nhưng độ tản mát (sai số) của một dàn 24 quả tên lửa bắn từ ngoài cự ly bắn hiệu quả tối đa của pháo 23 ly AM-23 trên máy bay Liên Xô bằng diện tích của một sân bóng đá – vì thế xác xuất tiêu diệt mục tiêu không cao.

Để giải quyết vấn đề, Không quân Mỹ tích cực tìm các loại vũ khí hàng không thay thế.

Đến cuối những năm 1950, tên lửa không điều khiển AIR-2A Genie lớp "không đối không" mang đầu tác chiến hạt nhân công suất 1,25 Kt và cự ly bắn đến 10 km được thiết kế và thử nghiệm thành công. Mặc dù "Genie" có cự ly bắn không lớn, nhưng ưu thế của nó là có độ tin cậy cao và không bị nhiễu tác động.

Năm 1956, tên lửa AIR-2A được phóng thành công lần đầu tiên từ máy bay đánh chặn Northrop F-89 Scorpion và đầu năm 1957 được đưa vào trang bị.

Đầu tác chiến tên lửa được kích nổ bằng ngòi nổ điều khiển từ xa ngay sau khi động cơ tên lửa ngừng hoạt động.

Khi đầu đạn nổ, nó đảm bảo chắc chắn tiêu diệt mục tiêu trong một bán kính 500m. Nhưng nếu sử dụng AIR -2A để tiêu diệt máy bay ném bom bay cao và với tốc độ lớn, phi công tiêm kích cần phải tính toán rất chính xác vị trí phóng.

Ngoài các tên lửa không điều khiển, các máy bay tiêm kích phòng không còn được trang bị tên lửa "không đối không" AIM-4 Falcon cự ly phóng 9-11 km (đưa vào trực chiến năm 1956). Tùy vào các biến thể, tên lửa có thể được trang bị hệ thống dẫn đường radar bán chủ động hoặc hồng ngoại.

Tất cả đã có tới 40.000 quả tên lửa kiểu Falcon được xuất xưởng. Mãi đến năm 1988, các tên lửa này được đưa ra khỏi trang bị của Không quân Mỹ cùng với các máy bay đánh chặn F-106.

Phiên bản tên lửa mang đầu tác chiến hạt nhân có ký hiệu AIM -26 Falcon. Lý do để Mỹ thiết kế và đưa vào trang bị kiểu tên lửa có điều khiển này là Không quân Mỹ muốn có tên lửa dẫn đường radar bán chủ động có khả năng tiêu diệt các máy bay ném bom siêu âm khi tấn công chính diện.

Kết cấu AIM -26 về cơ bản giống AIM-4. Tên lửa mang đầu tác chiến hạt nhân chỉ dài hơn một chút nhưng nặng hơn đáng kể và có đường kính thân gần gấp đôi tên lửa đầu tác chiến thường. Nó có động cơ công suất lớn hơn và cự ly bắn tới 16 km. Đầu tác chiến hạt nhân W-54 sức công phá 0,25Kt , trọng lượng chỉ 23 kg.

Cuối những năm 40, đầu những năm 50, Canada cũng tự chế tạo nhiều kiểu máy bay tiêm kích – đánh chặn. Nhưng chỉ có máy bay đánh chặn CF-100 Canuck là được sản xuất hàng loạt và đưa vào trang bị năm 1953.

Tổng cộng, Không quân Canada đã nhận hơn 600 chiếc CF-100 Canuck. Cũng như các máy bay đánh chặn Mỹ được thiết kế trong thời gian này, CF-100 Canada được trang bị radar phát hiện mục tiêu và ngắm bắn APG-40.

Để tiêu diệt các máy bay ném bom, CF-100 Canuck sử dụng 58 quả tên lửa không điều khiển cỡ 70 ly lắp trên 2 cánh máy bay.

Trong những năm 1960, các đơn vị trên tuyến phòng thủ thứ nhất Không quân Canada thay CF-100 bằng máy bay siêu âm F-101B Voodoo do Mỹ sản xuất, nhưng một số CF-100 vẫn được sử dụng làm máy bay đánh chặn tuần tiễu đến giữa những năm 1970.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Đầu đạn hạt nhân đánh chặn - Ảnh 5.

Phóng tập tên lửa không điều khiển AIR-2A Genie từ máy bay tiêm kích- đánh chặn Canada F-101B

Vũ khí của các F-101B Canada là các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân AIR-2A (trong khi Canada là nước có quy chế phi hạt nhân).

Theo thỏa thuận liên chính phủ giữa Mỹ và Canada thì tên lửa hạt nhân được đặt dưới sự kiểm soát của các quân nhân Mỹ.

Tuy nhiên, không hiểu là các quân nhân Mỹ sẽ kiểm soát các phi công Canada khi họ đang bay với vũ khí hạt nhân trên máy bay như thế nào. Ngoài các máy bay tiêm kích- đánh chặn, Mỹ chi một nguồn kinh phí rất lớn để thiết kế các tên lửa phòng không.

Năm 1953, tổ hợp tên lửa phòng không đầu tiên MIM-3 Nike-Ajax được triển khai quanh các trung tâm hành chính – công nghiệp quan trọng và các mục tiêu quân sự của Mỹ. Đôi khi các tổ hợp này được bố trí trên các trận địa pháo phòng không 90 và 120 ly.

Tổ hợp MIM-3 Nike-Ajax sử dụng tên lửa phòng không có điều khiển nhiên liệu lỏng và các động cơ tăng tốc nhiên liệu rắn. Điểm đặc biệt của tên lửa phòng không tổ hợp MIM-3 Nike-Ajax là nó có 3 đầu tác chiến bộc phá – mảnh.

Đầu thứ nhất nặng 5,44 kg trên mũi tên lửa, đầu thứ hai, nặng 81,2 kg nằm trong thân và đầu thứ 3 – nặng 55,3 kg - ở phần đuôi tên lửa.

Theo tính toán, xác suất tiêu diệt mục tiêu của nó sẽ cao hơn (vì các "đám mây" mảnh có thể tích hình chóp nón lớn hơn).

Cự ly tiêu diệt mục tiêu của tên lửa khi phóng nghiêng là gần 48 km. Tên lửa có thể diệt mục tiêu ở độ cao trên 21.000 m và tốc độ tên lửa là 2,3 M.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Đầu đạn hạt nhân đánh chặn - Ảnh 6.

Radar của tổ hợp tên lửa phòng không MIM-3 Nike-Ajax

Mỗi một đại đội "Nike-Ajax" có 2 bộ phận: 1/ trung tâm điều khiển gồm có các boongke cho sỹ quan điều khiển, đài radar phát hiện mục tiêu và dẫn đường, thiết bị tính toán và 2/ trận địa phóng gồm các tổ hợp phóng, các kho chứa tên lửa, các xi téc chứa nhiên liệu và chất ô xy hóa.

Trên mỗi trận địa thường có 2-3 kho chứa tên lửa và 4-6 tổ hợp phóng. Tuy nhiên, các trận địa tên lửa quanh các thành phố lớn, các căn cứ hải quân và sân bay của Không quân chiến lược đôi khi có tới 16 đến 24 tổ hợp phóng.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Đầu đạn hạt nhân đánh chặn - Ảnh 7.

Trận địa phóng MIM-3 Nike-Ajax

Trong giai đoạn mới triển khai, các trận địa Nike-Ajax thường không có các công sự kiên cố. Tuy nhiên, về sau, khi tính tới khả năng bị tấn công hạt nhân, Mỹ đã xây dựng các kho chứa tên lửa ngầm. Mỗi boongke chứa 12 quả tên lửa. Tên lửa được đưa lên mặt đất bằng các xe đẩy.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Đầu đạn hạt nhân đánh chặn - Ảnh 8.

Tuy được triển khai quy mô lớn (trên lãnh thổ Mỹ từ năm 1953 đến 1958 đã có 100 đại đội Nike-Ajax trực chiến), tổ hợp tên lửa phòng không này cũng có một loạt các nhược điểm.

Nó là tổ hợp cố định và không thể chuyển trận địa trong một khoảng thời gian ngắn. Thời gian đầu giữa các đại đội không có sự trao đổi dữ liệu với nhau nên trong nhiều trường hợp các đại đội có thể cùng bắn một mục tiêu trong khi bỏ qua các mục tiêu khác.

Nhưng nhược điểm trên đã được khắc phục sau khi đưa vào trang bị hệ thống AN/FSG-1 Missile Master của Công ty Martin cho phép các đại đội trao đổi thông tin và phân công tiêu diệt mục tiêu giữa các đại đội tên lửa phòng không.

Một vấn đề lớn nữa là công tác khai thác và bảo dưỡng các tên lửa nhiên liệu lỏng vì các thành phần dễ nổ và độc hại trong nhiên liệu va chất o xy hóa. Chính vì thế, Mỹ đẩy mạnh công tác thiết kế tên lửa nhiên liệu rắn và đây cũng là một lý do để đưa Nike –Ajax ra khỏi trang bị cuối thập kỷ 60.

Tuy thời gian "phục vụ" rất ngắn nhưng tổng cộng đã có tới hơn 13.000 quả tên lửa kiểu này của Hãng Bell Telephone Laboratories và Douglas Aircraft được đưa vào trang bị (từ năm 1952 đến 1958).

Thay thế cho MIM-3 Nike-Ajaх vào năm 1958 là tổ hợp MIM-14 Nike-Hercules. Trong nửa sau những năm 50, các nhà hóa học Mỹ đã tổng hợp được nhiên liệu rắn sử dụng cho các tên lửa phòng không tầm xa. (Đây là một thành tựu lớn của khoa học Mỹ, Liên Xô mãi đến những năm 70 mới sản xuất được nhiên liệu rắn cho hệ thống tên lửa phòng không S-300P).

So với "Nike – Ajax" , tổ hợp phòng không mới này có cự ly tiêu diệt mục tiêu gần gấp ba (130km so với 48km) và ở độ cao lớn hơn nhiều (30km so với 21km) do sử dụng tên lửa có điều khiển mới lớn hơn, nặng hơn và các đài radar công suất lớn hơn.

Tuy nhiên, sơ đồ nguyên tắc vẫn như cũ. Khác với tổ hợp tên lửa phòng không S-25 bảo vệ Matxcova, các tổ hợp "Nike-Ajaх" và "Nike-Hercules Nike" của Mỹ là tổ hợp một kênh, vì thế khả năng đánh trả các đợt tấn công đường không ồ ạt tương đối hạn chế.

Trong khi đó, tuy tổ hợp tên lửa S-75 Xô Viết cũng là tổ hợp một kênh, nhưng có khả năng thay đổi trận địa trong một thời gian ngắn nên khả năng sống sót cao hơn. Về cực ly tiêu diệt mục tiêu, chỉ có tổ hợp S-200 cố định tên lửa nhiên liệu lỏng mới vượt MIM-14 Nike-Hercules.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Đầu đạn hạt nhân đánh chặn - Ảnh 9.

Trận địa phóng tổ hợp MIM-14 Nike-Hercules

Thời kỳ đầu, hệ thống phát hiện và chỉ mục tiêu của tổ hợp MIM-14 Nike-Hercules làm việc ở chế độ phát sóng liên tục, tương tự như của Nike Ajax.

Hệ thống cố định có thiết bị nhấn biết " địch –ta" và các phương tiện chỉ mục tiêu.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Đầu đạn hạt nhân đánh chặn - Ảnh 10.

Phiên bản cố định đài radar phát hiện và dẫn đường của tổ hợp MIM-14 Nike-Hercules

Ở phương án bố trí trận địa cố định, các tổ hợp phòng không được phiên chế thành các đại đội và các tiểu đoàn. Trong biên chế của mỗi đại đội có tất cả các phương tiện radar và 2 trận địa phóng, mỗi trận địa có 4 tổ hợp phóng. Mỗi tiểu đoàn có 6 đại đội. Các đại đội phòng không được bố trí xung quanh các mục tiêu cần bảo vệ và cách nhau 50 – 60 km.

Tuy nhiên, giới chức quân sự Mỹ không thỏa mãn với phiên bản bố trí cố định tổ hợp của Nike – Hercules.

Năm 1960, xuất hiện biến thể Improved Hercules . Tuy còn một số hạn chế, nhưng phiên bản này đã có thể triển khai bố trí ở trận địa mới trong một khoảng thời gian chấp nhận được.

Ngoài khả năng cơ động, phiên bản cải tiến này có đài radar phát hiện mục tiêu mới và các đài radar bám mục tiêu đã được cải tiến, có khả năng chống nhiễu cao và có khả năng bám các mục tiêu tốc độ cao.

Thêm nữa, tổ hợp được tăng cường thiết bị đo xa vô tuyến liên tục xác định cự ly đến mục tiêu.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Đầu đạn hạt nhân đánh chặn - Ảnh 11.

Tổ hợp radar cơ động hiện đại hóa của MIM-14 Nike-Hercules. Những tiến bộ trong việc thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân cho phép trang bị đầu tác chiến hạt nhân cho tên lửa. Tên lửa có điều khiển của tổ hợp MIM-14 Nike-Hercules được lắp đầu tác chiến hạt nhân công suất từ 2 đến 40 Kt.

Vụ nổ trên không của đầu tác chiến hạt nhân có thể phá hủy các phương tiện bay ở bán kính mấy trăm mét tính từ tâm nổ nên có thể tiêu diệt các mục tiêu phức tạp, kích thước nhỏ như tên lửa có cánh siêu âm. Phần lớn các tổ hợp tên lửa phòng không MIM-14 Nike-Hercules triển khai trên lãnh thổ Mỹ được lắp đầu tác chiến hạt nhân.

MIM-14 Nike-Hercules là tổ hợp tên lửa phòng không đầu tiên có khả năng phòng chống tên lửa và có thể đánh chặn các đầu tác chiến riêng rẽ của các tên lửa đạn đạo. Năm 1960, tên lửa của MIM-14 Nike-Hercules đã đánh chặn thành công lần đầu tiên tên lửa đạn đạo - MGM-5 Corporal.

Tuy vậy, khả năng đánh chặn tên lửa của MIM-14 Nike-Hercules không được các chuyên gia đánh giá cao. Theo tính toán, để tiêu diệt một khối tác chiến của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cần sử dụng không ít hơn 10 tên lửa mang đầu tác chiến hạt nhân.

Ngay sau khi tổ hợp Nike-Hercules chống máy bay được đưa vào trang bị, Mỹ triển khai thiết kế phiên bản tên lửa chống tên lửa " Nike – Zevs".

Tổ hợp MIM-14 Nike-Hercules cũng có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất được xác định tọa độ từ trước.

Sức mạnh phòng không Bắc Mỹ: Đầu đạn hạt nhân đánh chặn - Ảnh 12.

Bản đồ triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không dòng " Nike" trên lãnh thổ Mỹ

Tổng cộng đến giữa những năm 1960, Mỹ đã triển khai 145 đại đội MIM-14 Nike-Hercules trên lãnh thổ nước mình. Như vậy chúng có thể bảo vệ rất hiệu quả các khu vực công nghiệp chủ yếu.

Tuy nhiên, từ thời điểm này, mối đe dọa chủ yếu đối với các mục tiêu trên đất Mỹ lại là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Xô Viết, vì thế số lượng các tổ hợp MIM-14 Nike-Hercules triển khai trên lãnh thổ Mỹ bắt đầu bị cắt giảm.

Đến năm 1974, tất cả các tổ hợp tên lửa này, trừ những tổ hợp bố trí tại Florida và Alaska đã dừng trực chiến.

Đại bộ phận các tổ hợp cố định được thanh lý, còn các phiên bản cơ động sau khi được bảo dưỡng, sửa chữa đã được chuyển sang các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài hoặc chuyển giao cho các đồng minh của Mỹ.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại