Cách Mỹ chống dội bom lên đầu từ Bắc Cực

Lê Hùng – Nguyễn Hoàng |

Trong loạt bài sau đây, xin được cung cấp một số thông tin về lịch sử hình thành, phát triển và sức mạnh hiện tại của hệ thống phòng không Bắc Mỹ.

Bắc Mỹ tức là cả Canada, nhưng chủ yếu là Mỹ. Các số liệu và hình ảnh từ "Bình luận quân sự" (Nga) tháng 12/2016.

Phần một: Lịch sử phát triển

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, trong trang bị của Các lực lượng vũ trang Mỹ còn một khối lượng rất lớn pháo phòng không cỡ vừa và cỡ lớn, súng máy phòng không cỡ nhỏ và súng máy phòng không 12,7 ly.

Đến năm 1947, gần một nửa trận địa phòng không pháo 90 và 120 ly trên lãnh thổ Mỹ đã chấm dứt hoạt động. Các pháo phòng không xe kéo (cơ động) được đưa về các cơ sở bảo quản, còn các tổ hợp phòng không cố định được niêm cất tại chỗ.

Các pháo phòng không cỡ lớn được bảo quản ở các cơ sở ven bờ biển, tại các khu vực gần cảng biển và căn cứ hải quân. Sự cắt giảm cũng liên quan đến Không quân phòng không, phần lớn các máy bay tiêm kích động cơ pitông sản xuất trong những năm chiến tranh được thanh lý hoặc được chuyển giao cho các đồng minh.

Lý do là do đến giữa những năm 1950, Liên Xô không có các máy bay ném bom có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên lục địa Bắc Mỹ và lại bay về Liên Xô.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ mất độc quyền bom hạt nhân vào năm 1949, giới lãnh đạo Mỹ không thể loại trừ kịch bản là trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Liên Xô, các máy bay ném bom động cơ pitông Tu-4 Xô Viết có thể thực hiện các chuyến bay ném bom liều chết đến Mỹ.

Cuộc chạy đua vũ trang sau chiến tranh bắt đầu tăng tốc. Ngày 1/11/1952, Mỹ đã cho thử nghiệm thiết bị nổ nhiệt hạch đầu tiên. 8 tháng sau đó Liên Xô cũng thử nghiệm bom nhiệt hạch ký hiệu RDS-6s.

Khác với thiết bị thử nghiệm của Mỹ có chiều cao bằng ngôi nhà hai tầng, bom nhiệt hạch RDS -6s Liên Xô gọn nhẹ có thể sử dụng trong tác chiến.

Trong giữa những năm 50, mặc dù Mỹ có ưu thế nhiều lần về số lượng các phương tiện mang và bom hạt nhân, xác xuất các máy bay tầm xa Xô Viết có thể bay tới phần lãnh thổ lục địa của Mỹ ngày càng tăng.

Vào đầu năm 1955, các đơn vị của Không quân tầm xa Liên Xô bắt đầu tiếp nhận các máy bay ném bom M-4 (tổng công trình sư V.M. Miasishev) và sau đó là máy bay hiện đại hóa 3M và Tu-95 (Phòng thiết kế A.N. Tupolev) .

Những chiếc máy bay này đã có thể chắc chắn bay đến Lục địa Bắc Mỹ và sau khi thực hiện đòn tấn công hạt nhân còn đủ nhiên liệu để bay về Liên Xô.

Tất nhiên, Mỹ không thể coi thường mối đe dọa này. Như đã biết, đường bay ngắn nhất từ lục đía Á- Âu đến Bắc Mỹ là tuyến qua Bắc Cực, và Mỹ đã xây dựng ở hướng này một số tuyến phòng không.

Cách Mỹ chống dội bom lên đầu từ Bắc Cực - Ảnh 1.

Đài radar của tuyến DEW-trên đảo Shemya thuộc Quần đảo Aleut

Tại Alaska, Grinland và Đông Bắc Canada, tại những hướng mà các máy bay ném bom Xô Viết có nhiều khả năng xâm nhập nhất, Mỹ đã cho xây dựng tuyến DEW - mạng lưới các trạm radar cố định được kết nối với nhau và với các sở chỉ huy phòng không bằng các cáp liên lạc và các đài vô tuyến chuyển tiếp.

Tại một số các trạm, ngoài đài radar phát hiện các mục tiêu trên không, sau này còn lắp đặt các đài radar cảnh báo đòn tấn công tên lửa.

Để đối phó với hoạt động của các máy bay ném bom Xô Viết, vào giữa những năm 1950, Mỹ đã thành lập "Lực lượng ngăn chặn" để kiểm soát không phận dọc bờ biển phía Tây và phía Đông nước Mỹ.

Đó là một mạng cảnh báo thống nhất tập trung bao gồm các đài ra dar ven bờ, các tàu giám sát radar và các khinh khí cầu ZPG-2W и ZPG-3W .

Chức năng chủ yếu của "Lực lượng ngăn chặn" bố trí trên bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Mỹ là kiểm soát không phận nhằm cảnh báo sớm trong trường hợp các máy bay Xô Viết tiếp cận không phận Mỹ. "Lực lượng ngăn chặn" như vừa nói là thành tố bổ sung cho các đài radar trên tuyến DEW bố trí tại Alaska, Canada và Grinland .

Các tàu tuần tiễu radar đã xuất hiện từ những năm Chiến tranh thế giới thứ hai và được Hải quân Mỹ sử dụng chủ yếu trên Thái Bình Dương trong đội hình các cụm tàu lớn để phát hiện kịp thời các máy bay Nhật Bản.

Những tàu này được trang bị các radar: AN/SPS-17, AN/SPS-26, AN/SPS-39, AN/SPS-42 với cự ly phát hiện mục tiêu 170-350km.

Thường các tàu này trực chiến đơn lẻ cách xa bờ vài trăm km và theo quan điểm của các đô đốc Mỹ, chúng rất dễ bị tổn thương trước các đòn tấn công bất ngờ của các máy bay chiến đấu và tàu ngầm đối phương. Nhằm giảm xác xuất bị tổn thương của các phương tiện radar trên biển, vào những năm 1950, Mỹ triển khai "Chương trình Migraine".

Theo chương trình này, các radar được lắp trên các tàu ngầm. Còn tàu ngầm - sau khi phát hiện kẻ thù trên màn hình radar, truyền dữ liệu cảnh báo và lặn ngay xuống biển để tránh bị đối phương tấn công.

Ngoài việc cải hoán các tàu ngầm đóng trong Chiến tranh thành tàu ngầm radar, Hải quân Mỹ nhận 2 tàu ngầm điện –diezel chuyên dụng: USS Sailfish (SSR-572) và USS Salmon (SSR-573).

Tuy nhiên, tàu ngầm điện –diesel không có khả năng trực chiến trong một thời gian dài trên biển và vì tốc độ không lớn nên không thể tham gia vào đội hình các cụm tàu tác chiến tốc độ cao, hơn nữa chi phí khai thác quá tốn kém so với các tàu nổi.

Chính vì thế mà Mỹ tính đến chế tạo các tàu ngầm hạt nhân chuyên dụng. Chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên mang radar quan sát tình huống không gian là tàu USS Triton (SSRN-586).

Cách Mỹ chống dội bom lên đầu từ Bắc Cực - Ảnh 4.

Màn hình hiển thị tình huống trên không và giao diện radar tại Trung tâm thông tin chỉ huy của tàu ngầm nguyên tử " Triton"

Radar AN/SPS-26 lắp trên "Triton" có thể phát hiện mục tiêu kích thước cỡ máy bay ném bom ở cự ly 170 km. Tuy nhiên, sau khi các máy bay AWACS tương đối hiện đại được chế tạo, Mỹ quyết định dừng sử dụng các tàu ngầm mang radar để giám sát các tình huống trên không.

Năm 1958, Mỹ bắt đầu đưa vào khai thác máy bay AWACS E-1 Tracer. Máy bay E-1 Tracer được cải hoán từ máy bay vận tải trên tàu sân bay C-1 Trader.

Kíp bay của "Tracer" gồm chỉ có 2 sỹ quan điều khiển radar và 2 phi công. Vì thế, chức năng sỹ quan chỉ huy tác chiến được giao cho phi công số 2. Thêm nữa, trong máy bay không đủ không gian để bố trí các thiết bị truyền dữ liệu tự động hóa.

Cách Mỹ chống dội bom lên đầu từ Bắc Cực - Ảnh 5.

Máy bay AWACS E-1В Tracer

Cự ly phát hiện mục tiêu trên không của E-1В Tracer là 180 km, một con số rất đáng nể vào cuối những năng 1950. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, các chuyên gia phát hiện ra rằng "Tracer" cũng có nhược điểm và vì thế chỉ có 88 chiếc được xuất xưởng.

Thông tin về mục tiêu từ "Tracer" được sỹ quan điều khiển radar thông báo miệng cho phi công máy bay đánh chặn qua radio, chứ không qua trạm điều hành bay và đài chỉ huy phòng không. Phần lớn các "Tracer" được bàn giao cho Không quân hải quân Mỹ.

Loại máy bay AWACS khác có các tính năng tốt hơn "Tracer" nhiều là các máy bay dòng ЕС-121 Warning Star. Đây là máy bay AWACS hạng nặng được cải hoán từ máy bay vận tải quân sự C-121C 4 động cơ pitông (còn C-12C – được chế tạo theo mẫu máy bay chở khách L-1049 Super Constellation).

Khoảng không gian rộng trong máy bay cho phép bố trí các đài radar quan sát cả phía trên và phía dưới máy bay, thiết bị truyền dữ liệu và vị trí làm việc cho kíp bay từ 18-26 người. Tùy thuộc vào biến thể mà "Warning Star" có thể trang bị các radar APS-20, APS-45, AN/APS-95, AN/APS-103.

Các phiên bản cuối với các trang thiết bị điện tử hiện đại hóa có hệ thống truyền dữ liệu tự động cho các trung tâm chỉ huy phòng không trên mặt đất, các đài trinh sát vô tuyến kỹ thuật và gây nhiễu AN/ALQ-124.

Các tính năng của thiết bị radar cũng không ngừng được cải tiến, ví dụ như radar AN/APS-103 lắp trên biến thể EC-121Q có thể phát hiện mục tiêu trên nền bề mặt trái đất. Cự ly phát hiện mục tiêu bay cao kiểu Tu-4 (B-29) đối với radar AN/APS-95 là 400 km.

Cách Mỹ chống dội bom lên đầu từ Bắc Cực - Ảnh 6.

Một ca trực trên ЕС-121D

Ngay từ giai đoạn thiết kế, các công trình sư đã đặc biệt chú ý đến điều kiện làm việc và sinh hoạt của tổ lái và các sỹ quan (nhân viên) điều khiển các hệ thống vô tuyến điện tử, cũng như bảo vệ kíp bay trước bức xạ sóng cực ngắn (siêu cao tần).

Thời gian bay tuần tiễu thường kéo dài đến 12 giờ ở độ cao 4.000 đến 7.000 m, nhưng đôi khi, thời gian bay có thể lên tới 20 giờ. Các máy bay họ này được cả Không quân và Hải quân Mỹ sử dụng.

Máy bay EC-121 được chế tạo hàng loạt từ năm 1953 đến 1958. Theo số liệu của Mỹ, trong trang bị của Không quân và Hải quân Mỹ đã có 232 chiếc EC- 121 - chúng trực chiến đến cuối những năm 1970.

Ngoài "Lực lượng ngăn chặn" và các đài radar trên tuyến DEW, trong những năm 50, Mỹ đã triển khai các trạm radar mặt đất trên lãnh thổ Mỹ và Canada. Kế hoạch ban đầu của Mỹ là bố trí 24 trạm radar cố định công suất lớn để bảo vệ các tuyến tiếp cận trên 5 khu vực chiến lược: Đông - Bắc, tại khu vực Chicago – Destroit, trên bờ phía Tây ở các khu vực Seatle – San –Fransisco.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin về việc Liên Xô thử vũ khí hạt nhân. Bộ Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Mỹ quyết định xây 374 đài radar và 14 Trung tâm chỉ huy phòng không vùng trên toàn lãnh thổ lục địa Mỹ.

Tất cả các đài radar mặt đất, phần lớn các máy bay AWACS và các tàu radar tuần tiễu được kết nối vào một mạng tự động hóa dẫn đường cho các máy bay đánh chặn SAGE (Semi Automatic Ground Environment) – một hệ thống bán tự động điều phối hoạt động của các máy bay đánh chặn bằng cách - computer trên mặt đất lập trình chế độ bay tự động và truyền dữ liệu qua radio cho các máy bay đánh chặn.

Theo cách bố trí của hệ thống phòng không Mỹ, thông tin từ các đài radar về các máy bay của đối phương đang xâm nhập được truyền về trung tâm chỉ huy vùng, - trung tâm này điều khiển hoạt động của các máy bay đánh chặn.

Sau khi các máy bay đánh chặn cất cánh, chúng sẽ được dẫn đường bằng tín hiệu của hệ thống SAGE. Hệ thống dẫn đường xử lý dữ liệu của một mạng radar tập trung sẽ đảm bảo dẫn các máy bay đánh chặn bay theo chế độ tự động đến khu vực có mục tiêu.

Về phần mình, Trung tâm chỉ huy phòng không (trung ương) Bắc Mỹ có chức năng điều phối hoạt động của các trung tâm vùng và chịu trách nhiệm chỉ huy chung.

Trạm radar Mỹ đầu tiên triển khai trên lãnh thổ nước này là AN / CPS-5 và AN / TPS-1B /1D sản xuất từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau này, thành phần cơ bản của mạng radar là các radar AN / FPS-3, AN / FPS-8 và AN / FPS-20. Những radar này có thể phát hiện mục tiêu trên không ở cự ly hơn 200 km.

Cách Mỹ chống dội bom lên đầu từ Bắc Cực - Ảnh 7.

Radar AN / FPS-20

Để đảm bảo thông tin chi tiết về tình huống trên không cho các Trung tâm phòng không vùng, Mỹ đã xây dựng các tổ hợp radar với thành phần chủ yếu là các đài radar cố định công suất lớn AN/ FPS-24 và AN/ FPS-26 với công suất đỉnh >5Мw.

Thời gian đầu các ăng ten quay của trạm được lắp trên các nền bê tông ngoài trời, nhưng sau đó, để tránh tác động của thời tiết, chúng được che bằng các mái vòm trong suốt. Nếu được bố trí ở độ cao khống chế , các đài AN / FPS-24 và AN / FPS-26 có thể phát hiện được các mục tiêu bay cao ở cự ly 300 -400 km.

Cách Mỹ chống dội bom lên đầu từ Bắc Cực - Ảnh 8.

Tổ hợp radar tại căn cứ không quân Fort Loton

Tại các khu vực có nhiều khả năng máy bay ném bom đối phương xâm nhập ở độ cao thấp, Mỹ triển khai các radar AN / FPS-14 và AN / FPS-18. Để xác định chính xác cự ly và độ cao của mục tiêu trên không, trong các tổ hợp radar và tên lửa phòng không có các máy đo cao vô tuyến: AN / FPS-6, AN / MPS-14 và AN / FPS-90.

Cách Mỹ chống dội bom lên đầu từ Bắc Cực - Ảnh 9.

Máy đo cao vô tuyến cố định AN / FPS-6

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại