Dầu gió là sản phẩm phổ biến hầu như trong mỗi gia đình đều có sẵn. Chúng ta hay sử dụng dầu gió mỗi khi nhức đầu, sổ mũi ... và rất dễ dàng mua được một lọ dầu gió vì giá thành rẻ, bán sẵn trong các hiệu thuốc.
Thậm chí nhiều người lúc nào cũng mang theo lọ dầu gió bên mình đề phòng khi trái gió trở trời, lúc bỗng dưng hoa mày chóng mặt có thể lấy ngay “vị cứu tinh” này ra để hít, thoa, xông hơi, pha nước tắm, uống…
Nhờ những thành phần như các loại tinh dầu (bạc hà, khuynh diệp, quế, tràm, long não, hương nhu, thông...) và một số chất hóa học khác, dầu gió có tác dụng chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau và giúp cho tinh thần sảng khoái.
Tuy nhiên với sản phẩm này cũng có chống chỉ định, đó là sản phẩm chỉ được dùng làm thuốc bôi ngoài da , không được uống và bôi lên vết thương hở.
Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, việc sử dụng dầu gió cần hết sức cẩn trọng. Sản phẩm thường được khuyến cáo để xa tầm tay của trẻ, nếu chẳng may trẻ uống phải hoặc để dầu gió dính vào mắt có thể gây nguy hiểm.
Theo bác sỹ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng khoa Chấn thương (BV Mắt Trung ương) cho biết: "Điều cần nhớ trước tiên là không bao giờ được dùng dầu nóng, dầu gió hay bất kỳ loại dầu xoa nào cho trẻ dưới 2 tuổi.
Tai nạn do dầu gió dính vào mắt cũng thỉnh thoảng xảy ra với các em nhỏ, do nhiều người vẫn nghĩ dầu gió lành, vẫn dùng để bôi cho trẻ nên cho bé cầm chơi, không may bị dính vào mắt. Trong khi đó, dầu gió có sử dụng dung môi để pha hòa tan chất thơm.
Nếu độ PH dầu gió trung tính thì khi dính vào mắt đỡ gây tổn thương mắt hơn. Còn nếu có độ PH cao, thậm chí sử dụng dung môi là cồn thì có thể gây ảnh hưởng đến mắt.
Độ nóng của dầu có thể gây trợt giác mạc, tổn thương mắt. Tuy nhiên với thương tổn này, bệnh nhân thường được kê thuốc nhỏ mắt điều trị ngoại trú".
Bác sỹ Anh khuyến cáo, khi không may bị dính dầu gió vào mắt, cần ngay lập tức rửa mắt với nước muối. Nếu không có nước muối trong tầm tay có thể rửa bằng nước sạch.
Với dầu gió, chỉ được dùng dầu ngoài da, tuyệt đối không được uống. Khi dùng ngoài da, cũng không được dùng quá nhiều, không dùng trên diện rộng cơ thể. Không dùng dầu để cạo gió với tình trạng dầu chảy ướt cả lưng. Không bôi dầu khắp cả người.
Chỉ được dùng một lượng vừa phải dầu bôi lên ngay chỗ vết cắn đốt hoặc chỗ đau, sau đó dùng ngón cái hoặc ngón trỏ day thành hình vòng tròn quanh chỗ đau. Nếu đau đầu có thể xoa dầu vào vùng thái dương. Nếu đau bụng có thể xoa vào vùng quanh rốn.
Nên chú ý tránh để dầu dính vào mắt, không dùng dầu cho vết thương hở miệng. Tay của người massage, cạo gió (tiếp xúc trực tiếp với dầu) cũng cần rửa sạch sau đó trước khi làm việc khác.
Trong tủ thuốc gia đình, bạn cũng cần để dầu ở vị trí trên cao, có khóa tủ thuốc an toàn, tránh trường hợp trẻ nhỏ lấy bôi vào người hoặc uống phải.