Vi rút Zika gây dị tật thai nhi đối với phụ nữ mang thai

Minh Khuê |

Trước tình hình dịch bệnh vi rút Zika có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, chiều 29.1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có cuộc họp khẩn về tình trạng này.

Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi ngắn với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về vấn đề Việt Nam chuẩn bị đối phó với dịch bệnh Zika, một loại vi rút nguy hiểm đang ngày càng lan rộng ở các nước Nam Mỹ và đã xuất hiện tại Thái Lan.

Chào ông, ông có thể giải thích cho độc giả báo điện tử Một Thế Giới biết vi rút Zika nguy hiểm như thế nào và đang lan rộng ra tới đâu trên thế giới?

Vi rút Zika do muỗi truyền vào con người thông qua việc hút máu và truyền dịch. Vi rút Zika được phát hiện lần đầu tiên trên động vật tại rừng Rika của Uganda vào năm 1947.

Nhưng kể từ khi được phát hiện tại Brazil vào tháng 5.2016, nó đã bùng phát và lây lan nhanh chóng. Tính đến ngày 23.1.2016, vi rút này đã lan truyền đến 21 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ và hiện nay đang lây lan sang Thái Lan.

Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh, tuy nhiên, chúng ta không loại trừ nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào nước ta.

Thứ nhất là do nước ta có muỗi vằn Ades aegypty là vector chính truyền bệnh sốt xuất huyết và vi rút Zika hoàn toàn có thể lây truyền nơi có lưu hành loài muỗi này.

Thứ hai là chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng căn bệnh này, đây là loại vi rút mà thế giới chưa có vắc xin và thuốc đặc trị. Vì thế, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều có thể xảy ra.

Do đó, Bộ Y tế đang lên các phương án phòng chống dịch bệnh xâm nhập tại Việt Nam và đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong y tế công cộng.

Vi rút Zika gây hội chứng teo não ở trẻ em và dị tật thai nhi đối với phụ nữ đang mang thai bị nhiễm bệnh
Vi rút Zika gây hội chứng teo não ở trẻ em và dị tật thai nhi đối với phụ nữ đang mang thai bị nhiễm bệnh

Vậy Việt Nam đã lên những phương án như thế nào để phòng và chống dịch bệnh?

Hiện nay, Việt Nam đã lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh nhưng lại đang vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2016, lượng người xuất nhập cảnh đi lại các nước khá lớn, trong đó có cả những người từ vùng dịch như châu Mỹ hoặc Thái Lan.

Đây là một thách thức không nhỏ đối với ngành y tế.

Điều đáng lo ngại là vi rút Zika lây lan qua loại muỗi vằn cùng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Các ca bệnh nhiễm virus Zika hiện nay 80% triệu chứng bệnh không điển hình, các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế.

Trong khi đó, dịch sốt xuất huyết đang tồn tại ở nước ta vẫn chưa được dập hết do người Việt vẫn có thói quen trữ các thùng nước lâu ngày, là nơi đẻ trứng lý tưởng của muỗi vằn.

Do đó, chỉ cần có mầm bệnh xâm nhập vào nước ta thì tình hình dịch bệnh sẽ lây lan và khó kiểm soát.

Những phương pháp mà Việt Nam đưa ra ứng phó với vi rút Zika cũng tương tự như những phương pháp của Mỹ đang áp dụng.

Việt Nam cần chuẩn bị tốt các phương án ứng phó kịp thời và nâng cao hệ thống chẩn đoán, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực nhân viên y tế để chuẩn bị cho khả năng xấu nhất khi phát hiện ra ca bệnh nhiễm vi rút tại bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Vi rút Zika nguy hiểm như thế nào đối với người không may nhiễm bệnh, thưa ông?

Hiện nay, tổ chức Y tế Thế Giới đã tìm ra mối tương quan lớn giữa vi rút Zika đối với 2 bệnh đó là hội chứng teo não nhỏ và hội chứng viêm đa rễ thần kinh. Nhiều trẻ em mắc chứng đầu nhỏ nghi ngờ do vi rút Zika gây nên.

Vi rút Zika hiện đang hoành hành tại Brazil trùng hợp với sự gia tăng đáng kể các trường hợp mắc bệnh não nhỏ ở trẻ sơ sinh, khiến gần 40 trẻ sơ sinh tử vong tại nước này. Đối với phụ nữ đang mang thai, vi rút Zika sẽ gây dị tật thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.

Hiện nay, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị Vụ, Cục cần cùng phối hợp, lên kế hoạch phòng chống dịch toàn diện, đồng thời cung cấp đầy đủ các thông tin, khuyến cáo chi tiết cho người dân.

Đặc biệt phụ nữ đang trong thai kỳ cần hạn chế đến các vùng đang lưu hành dịch. Những trường hợp trở về từ vùng dịch nếu có các biểu hiện như sốt xuất huyết cần đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và chẩn đoán bệnh kịp thời.

Các quy trình giám sát, phát hiện và hướng dẫn xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị phải được đặc biệt chú trọng tại các bệnh viện.

Bộ Y tế sẽ công bố danh sách các quốc gia đang có dịch bệnh trên website chính thức của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng, cập nhật các thông tin cần thiết đến với người dân.

Bộ Y tế sẽ nỗ lực hết mình trong công tác phòng chống dịch do vi rút Zika và trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch, đảm bảo an ninh dịch bệnh cho người dân.

Cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại