Mật càng sậm màu, ở dạng kết tinh hoặc đậm đặc lúc nào cũng chứa nhiều khoáng vi lượng cao hơn so ở thể lỏng - Ảnh: MINH HUYỀN
Mật ong giá vài triệu một lít
Mặc dù trên các phương tiện truyền thông hoặc sách báo đều hướng dẫn về cách kiểm tra mật ong, nhiều bà nội trợ vẫn còn lúng túng, đắn đo với chất lượng sản phẩm.
“Tôi lên các diễn đàn tham khảo các phương pháp như quan sát màu, ngửi mùi, thử với nước, vải, giấy, đốt lửa, đông lạnh,…
Nhưng khi mua về, vẫn có người bảo thật, người bảo giả. Khi tôi hỏi cửa hàng thì họ bảo mật mỗi loại hoa mỗi khác, làm sao giống nhau được mà so sánh”, bà Trần Chiêm Dao (62 tuổi, ngụ quận 5) cho biết.
Chị Hoàng Yến (ngụ quận Tân Bình) từng “hố nặng” khi nghe quảng cáo trên mạng mật hoa anh túc, có khả năng làm giảm đau cơ khớp, viêm xoang. Giá của loại mật “thần dược” này lên đến vài triệu đồng.
Hơn nữa, nhiều người nội trợ có quan niệm mật ong rừng là tốt nhất và sẽ mua bằng mọi giá. “Tôi nghĩ trên rừng sẽ tự nhiên hoàn toàn, đất, nước, không khí, sinh vật đều không nhiễm hóa chất thì tốt nhất.
Muốn mua mật rừng phải đặt trước cả nửa năm. Có khi giá lên cả triệu”, chị T.T.Q (46 tuổi, ngụ quận 5)
“Cách đây vài tháng, một nhóm đàn ông người dân tộc thiểu số, nói tiếng Kinh không sõi chở theo một thùng mật quảng cáo là đi săn trong rừng.
Ai mua mới vắt trực tiếp ra. Các chị em tin tưởng mua về đắp mặt nạ, nấu ăn, cho trẻ sơ sinh uống. Vợ tôi cũng mua 2 lít với giá 700 ngàn đồng.
Để được hai tuần, đường đặc lắng xuống hơn nửa chai, phần dung dịch lỏng màu vàng nổi lên trên nhạt dần rồi mất mùi.
Các bà cứ làm như mật ong lấy trong cổ mộ của Tiểu Long Nữ nhiều lắm ấy. Tải hết ngần này đường có mà tiểu ra đường luôn”, anh Trần Quốc Cao (47 tuổi, ngụ quận 8) kể lại.
Bà Thảo Trang (56 tuổi, nội trợ) than thở: “Nào phẩm màu, hóa chất, hương liệu, đường, hòa quyện với nhau giống y hệt mật ong thật.
Cũng thơm ngon, sánh đặc nhưng không hề có một giọt mật nào. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi nghe về mật giả nhưng đến giờ, tôi vẫn chưa biết cách phân biệt. Dựa vào tấm lòng người bán là chính”.
“Mật hiếm” không đồng nghĩa có chất lượng tốt nhất
T.S Lê Minh Hoàng - Ảnh: BÍCH THẢO
Theo TS Lê Minh Hoàng (Viện Nghiên cứu Công Nghệ Sinh học và Môi trường - Đại Học Nông Lâm TP.HCM), đường trong mật ong là đường đơn - đường fructose - không làm tăng nhanh nồng độ đường trong máu nên tốt hơn đường mía (đường đôi saccharose).
Trong mật ong còn có trên 80 chất dinh dưỡng có lợi cho con người.
Nhiều người đi rừng, thậm chí qua Campuchia, để săn mật và không phải ai cũng mua được mật ong rừng “chính hiệu” nếu không “quen biết” và “dặn trước”.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, “mật hiếm không đồng nghĩa có chất lượng tốt nhất. Cũng như trái cây, mật cũng phải đủ “độ chín” mới có thể khai thác.
Mật có nguồn từ hoa, lá hay bất kì nguồn nào sau khi được tổng hợp đều cho chất lượng tương đương nhau. Việc tranh thủ hơn nhau chút một để có tổ ong rừng khiến “cánh săn mật” bất chấp mật “chín” hay chưa.
Mật chưa chín chưa được chuyển hóa hoàn toàn 100%, còn gọi là mật “non”, hàm lượng nước còn trên 19%”.
Đây là nguyên nhân khiến những giọt mật tưởng như vô cùng quý giá lại môi trường phát triển vô vàn bào tử, nấm mốc. Nếu sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi dẫn đến tác hại khôn lường, nhất là về thần kinh.
Mật càng sậm màu, ở dạng kết tinh hoặc đậm đặc lúc nào cũng chứa nhiều khoáng vi lượng cao hơn so ở thể lỏng. Mật ong nguyên chất rất dễ lên men khi gặp không khí.
Theo ông Trần Văn Huy (một người nuôi ong bằng hoa cà phê tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), mật ong rừng thường hiếm nên giá thành cao.
Mật rừng do tổng hợp nhiều loại hoa nên mùi hương khác nhau. Mật ong nuôi thông thường chỉ có cụ thể một mùi (hoa nhãn, cà phê, cao su…).
Mật ong giả là loại mật sau khi lấy về được nấu siêu, trộn với tinh bột bắp cùng các emzim để biến thành đường fructose.
Các doanh nghiệp có máy IRMS mới đo được lượng đường để phân biệt thật giả, người tiêu dùng thì “bó tay”.
Bảo quản mật ong sao cho tốt?
Theo TS Lê Minh Hoàng, bảo quản mật ong tốt nhất ở môi trường thoáng mát khoảng 27-28 độ C, đựng trong chai, lọ thủy tinh đậy kín, không đựng mật ong bằng lọ kim loại để tránh phản ứng hóa học, có thể gây ngộ độc.
Nếu để lâu ngày, mật ong nguyên chất sẽ kết tinh. Trên nắp lọ có đóng những lợn cợn sậm màu, nhưng đừng nghĩ rằng mật ong đã hỏng. Khi sử dụng chỉ cần chưng với nước ấm.
Tránh để mật ong gần thực phẩm có mùi như tỏi, hành, ớt, vì mật ong nguyên chất có xu hướng hút mùi thơm của những thực phẩm ở gần chúng.
Đặc biệt, không dùng mật ong cho những món nấu trong lò vi sóng vì sóng viba sẽ tiêu diệt hết những dưỡng chất có trong mật.