Từ nhiều đời nay, người Nùng sống ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn sở hữu một bí thuật lạ lùng. Bệnh nhân dù rách da, đứt gân, vết thương máu chảy đầm đìa, nhưng khi tìm đến đây, người Nùng chỉ cần đọc một câu thần chú là có thể cầm máu ngay lập tức.
Thuật cầm máu lạ kỳ
Những người biết bùa chú này hiện còn lại rất ít, hầu hết đều vào cái tuổi gần đất xa trời. Một trong số những người đó là ông già mù Thi Giẳng ở thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng. Ông Giẳng năm nay đã 78 tuổi, đôi mắt mù lòa từ lúc bẩm sinh, chưa một lần biết đến ánh mặt trời. Ông Giẳng có đôi tai rất to, giọng nói sang sảng và đặc biệt tỏ ra vô cùng nhanh nhẹn.
“Lão mù Thi Giẳng” bồi hồi kể lại ngày lặn lội đi học bùa chú
Khi tôi hỏi về thuật cầm máu của người Nùng, ông Giẳng hướng đôi mắt mù lòa về phía tôi rồi trầm ngâm kể chuyện: “Ngày xưa, lão đam mê thuật này lắm. Được biết thôn Quán Thanh (Chi Lăng) có một ông thầy cao tay về thuật này, lão dò dẫm tìm đường đến bái sư. Nhưng người thầy thấy lão mù lòa, dáng hình lại cổ quái nên kiên quyết không dạy. Được cái lão nhanh trí, biết thầy nghiện thuốc nặng nên lặn lội đi mua thuốc về biếu. Nhưng cũng phải vài lần, thầy mới chịu nhận lão làm đệ tử.”
Tuy ông mù, không đọc được chữ nhưng chỉ nghe khẩu quyết vài lần là nhớ. Có lần, thầy muốn kiểm tra xem bùa chú có ở lại với ông Giẳng không bèn chặt một cây chuối non để nhựa cây trào ra xối xả. Ông Giẳng không ngần ngại đọc chú, nhựa cây đột nhiên ngừng chảy hẳn. Lần khác, thầy dùng cây xương rồng để thử tài ông Giẳng. Ông Giẳng nín hơi, đọc một mạch câu thần chú, y rằng nhựa không chảy ra nữa.
Theo ông Giẳng, thuật niệm chú chữa thương áp dụng tốt cho người bị chảy máu ngoài da, còn những trường hợp đứt cụt hẳn ngón tay, ngón chân thì ông chưa từng gặp bao giờ. “Trường hợp nặng nhất tôi từng cầm máu là ông Bình ở thôn Quán Thanh. Năm 1960, ông này đi chặt cây thuốc lá, chẳng may bị dao lia vào chân, máu chảy xối xả, được người dân dìu vào nằm ở bờ sông. Có người lấy xe đạp chở tôi đến cầm máu cho ông Bình. Đọc chú được một lúc, máu ngừng chảy, tôi lấy giẻ rách bịt vào chân để người ta cõng ông ấy sang sông về nhà", ông Giẳng kể.
Điều quan trọng nhất trong thuật cầm máu là phải nín hơi rồi đọc liền mạch câu thần chú mà không được thở, không để ngắt quãng. Cũng vì đã quá già, phổi không còn khỏe để nín hơi dài cả phút như trước nên đã 4 năm nay, ông Thi Giẳng chỉ chữa cho vài trường hợp chảy máu trầm trọng. Có lần, chính vợ của ông đang băm rau lợn thì vô tình để dao băm vào giữa ngón tay cái. Cũng may, ông đọc chú kịp thời mà bà cầm máu được ngay. Đến bây giờ, ngón tay bà vẫn còn một vết sẹo rất dài.
Bài thuốc "của trời" nối liền xương gãy
Ngoài ông Thi Giẳng, ở xã Chi Lăng, người biết đến thuật cầm máu bí truyền này phải kể đến vợ chồng ông Nông Quốc Vinh và bà Triệu Thị Cỏ. Khi ông Vinh đọc thần chú thì vết rách, vết đứt dù sâu đến đâu, dù máu chảy nhiều thế nào cũng đều có thể cầm máu. Còn bà Cỏ thì có vị thuốc bí truyền được bào chế từ 7 cây thuốc quý có thể làm lành xương khớp bị gãy chỉ trong 1 đến 2 tuần. 5 trong số 7 vị thuốc đó còn chưa có trong danh sách thảo dược của Nhà nước.
Bà Triệu Thị Cỏ vui vẻ tiếp chuyện phóng viên.
Ông Vinh năm nay đã 70 tuổi, còn bà Cỏ hơn chồng 2 tuổi. Trước đây, bà Cỏ là người Nùng ở sâu trong núi Vạn Linh, phải qua một con đèo khúc khuỷu mới đến được bản của bà. Ông Vinh đến với bà cũng là duyên phận, quý nhau từ bài thuốc, miếng bùa. Những ngày tháng chiến tranh đói nghèo, y học còn lạc hậu, chỉ với bài thuốc quý và câu thần chú, ông bà đã cứu bao nhiêu người khỏi mất mạng.
Ông Vinh kể, ông được bố đẻ là ông Nông Văn Lộc (đã mất) truyền lại cho thuật cầm máu từ hồi nhỏ. Khẩu quyết niệm chú rất đơn giản, không cần bất cứ thủ tục cúng lễ gì khi thực hiện. Ông Vinh tụt dép, kéo quần lên chỉ cho tôi xem một vết sẹo rất sâu nơi ngón chân cái. “Một lần bất cẩn, tôi bị búa chặt vào chân, máu phun ra xối xả. Cởi giày ra, tôi lấy tay bóp mạnh chỗ vết thương rồi đọc thần chú. Đọc xong, ngón chân không chảy thêm một giọt máu nào nữa. Khu vực núi đó cách nhà chừng 9 km nhưng tôi vẫn tập tễnh đi bộ về lấy thuốc đắp cho liền thịt. Vài ngày sau thì lại đi làm bình thường được”, ông Vinh khoái chí kể.
Bà Cỏ dù tuổi cao nhưng vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Hỏi chuyện về bài thuốc chữa gãy xương, bà tự hào cho biết, cả vùng này chỉ mình bà biết cây thuốc để chữa. Bài thuốc này muốn công hiệu phải kiếm đủ 7 loài cây mà bà gọi là “7 cây thuốc trời”. Trong đó, chỉ có 1 cây mọc ven bờ ruộng, còn 6 cây khác mọc trên núi đá, phải tùy mùa mới có thể tìm được.
Khi tìm đủ vị thuốc rồi, có loại lấy lá, có loại lấy thân, loại thì lấy rễ, đem băm nhỏ rồi sao khô. Người bị thương phải dùng nẹp tre cố định lại chỗ gãy, sau đó dùng rượu nặng tẩm vào thuốc đắp lên đó rồi bó vào. Bài thuốc này ngoài công dụng chữa gãy xương còn có thể làm lành vết thương rất hiệu quả.
Bà Cỏ kể, cách đây khoảng một năm, có cô hàng xóm tên Bình gặp tai nạn xe máy, ngón tay út bị dập nát. Khi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, các bác sĩ khâu để cầm máu nhưng vết thương bị nhiễm trùng, chỉ còn cách tháo khớp ngón tay mới có thể cứu được. Cô Bình đã xin ra viện để về nhà suy nghĩ. Sau đó, cô cầu cứu tới phương thuốc bí truyền của bà Cỏ. Bà chữa đúng phép, chỉ 2 tuần sau, ngón tay cô Bình gần như đầy thịt, cũng không còn nhiễm trùng, sau 1 tháng là đã tháo băng.
Theo lời bà Cỏ, mọi ca bệnh đến xin thuốc của bà đều khỏi, nhưng chỉ có trường hợp của cô gái tên Thắng khiến cho bà luôn áy náy. Năm đó, Thắng mới 15 tuổi, một lần đi chăn trâu bị ngã gãy xương khuỷu tay, được người nhà vội vã đưa đến nhà bà Cỏ. Bà lấy 4 thanh tre nẹp vào rồi bó thuốc cho cô. Nhưng do thấy bệnh nhân đau khóc dữ quá, bà bị cuống, lựa nhầm một thanh tre non làm nẹp, khiến cho xương tay của Thắng sau khi lành đã bị cong.
Hai năm trở lại đây, vì tuổi cao sức yếu, không đủ sức lên tận đỉnh núi cao hái thuốc, bà Cỏ liền lấy vài loài cây hợp đất về trồng trong vườn. Bà bảo vườn thuốc của bà quý nhất là loài cây “Mắc chẻ phạ” (quả của trời). Cây mọc như cây bụi, quả nhỏ li ti màu đỏ tía. Cây này rễ dùng ngâm rượu chữa bệnh kiết lị, đại tràng, đường ruột rất tốt. Còn quả của cây khi chín đem về ngâm rượu, đau răng chỉ làm một ngụm ngậm 5 phút là hết hẳn. Vườn nhà bà Cỏ còn có cây “Chiến thá tọt” lá to mà dài. Cây này ngâm rượu để bóp đau lưng, chữa xương khớp là nhất.
1 trong 7 vị thuốc quý mà bà Cỏ dùng chữa xương gãy là cây Cắng Linh (cây con khỉ). Bà Cỏ kể: “Ngày xưa, người Nùng đi rừng, thấy con khỉ mẹ lấy thân cây này nhai nát, rồi đắp lên những chỗ gãy xương hoặc chảy máu của khỉ con, mới mang về chữa cho người”.
Bao năm qua, rất nhiều lần bà thử trồng loài cây này mà không được vì cây chỉ ưa sống ở đỉnh núi đá. Đến lúc hết hi vọng, định phạt chỗ đất đi để trồng cây khác thì lại thấy một mầm xanh hé nhú, mọc thành cây Cắng Linh như bây giờ. Bài thuốc quý chữa gãy xương, bà cũng truyền lại cho con gái. Các cô cũng ghi, cũng học nhưng dường như chẳng ai còn muốn lên đỉnh núi cao tìm thuốc như bà ngày xưa. Thần chú của ông Vinh, thuốc quý của bà Cỏ chẳng mấy năm nữa mà thất truyền nếu không truyền được lại cho ai.
Phó trưởng trạm y tế xã cũng phải đến “cầu” thuốc
Trực tiếp dẫn người viết vào nơi cư ngụ của những người Nùng nắm bí quyết bài thuốc lạ thường, anh Hoàng Văn Cường – Phó trưởng trạm y tế xã Chi Lăng, phụ trách lĩnh vực Đông y,cho biết: “Bà Cỏ có rất nhiều cây thuốc, bài thuốc quý, nhiều cây trong danh sách thảo dược của Nhà nước còn chưa có. Tôi cũng không ít lần đến nhà bà Cỏ để xin thuốc, đặc biệt xin quả mắc chẻ phạ để chữa đau răng.”