Các thành viên trong gia đình tôi khá thích mì tôm vì có nhiều mùi vị để lựa chọn. Đặc biệt là bé trai 5 tuổi, cháu đặc biệt thích ăn mì tôm. Hễ đói là chỉ đòi ăn mì tôm và chỉ thích mì tôm Hảo Hảo.
Biết mì ăn liền không tốt cho sức khỏe, tôi đã mua đổi các loại mì khác làm từ bột gạo của Hàn Quốc, nui, phở nhưng cháu tỏ ra không thích và không hào hứng ăn.
Là một người mẹ, người nội trợ trong gia đình, tôi khá băn khoăn trong việc chọn loại mì tôm nào an toàn cho sức khỏe.
Tôi nghe nói ăn nhiều mì tôm không tốt nhưng không biết tác hại của nó đến đâu? Mong chuyên gia tư vấn giúp chị em chúng tôi cách chọn loại mì ngon và tốt cho sức khỏe? Cám ơn chuyên gia.
Nguyễn Thanh Hoài (Như Quỳnh, Hưng Yên)
Chuyên gia tư vấn tài chính, tiêu dùng Hải Hà
Chào bạn Hoài! Mì tôm xuất hiện trên thị trường Việt Nam vào những năm 60 và nhanh chóng trở thành món ăn thân thiết của mỗi gia đình bởi bốn tiêu chí: tiện lợi, ngon, no, rẻ tiền.
Cùng suy nghĩ giống chị Hoài, nhiều bà nội trợ biết mì ăn liền không tốt cho sức khỏe, nhưng ít người chịu khó tìm hiểu xem mì tôm “không tốt” đến mức độ nào.
Vì mì tôm có đủ tinh bột và chất béo nên ăn khi mì tôm, bạn Hoài sẽ cảm thấy no bụng, nhưng vì thiếu chất đạm nên cơ thể vẫn yếu, làm việc mau mệt.
Như vậy, sử dụng nhiều mì ăn liền thay cơm hoặc ăn quá nhiều trong ngày sẽ khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin và khoáng chất.
Nhiều bà nội trợ thấy các thành viên trong gia đình ưa thích mì tôm, thường tích trữ cả thùng trong nhà. Tuy nhiên, các chị em không biết rằng mình đang vô tình tiếp tay để transfat (chất béo gây hại) xâm nhập vào cơ thể và gây hậu quả về sau.
Thực chất, mì ăn liền “tiện” nhưng không “lợi”. Hầu hết mì ăn liền ở Việt Nam được sản xuất theo công nghệ chiên. Ở nhiệt độ cao, dầu chiên bị ô-xy hóa và tạo ra các chất béo transfat.
Chất béo này đã bị tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ rõ là một trong những nguyên nhân chính làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt và là nguyên nhân gây các bệnh xơ vữa động mạch, tim mạch, đột quỵ, giảm sự lưu thông của máu… đặc biệt nguy hiểm với những người cao tuổi hay người có tiền sử bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, transfat vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Các cơ quan chức năng cũng chưa đưa ra một quy định chính thức nào đối với việc sử dụng transfat trong thực phẩm.
Bạn Hoài nên tự bảo vệ gia đình mình bằng cách khi đi mua mì, nên chú ý đọc bảng thành phần giá trị dinh dưỡng in trên bao bì và chọn mua những loại mì có ghi: không có transfat, transfat 0 gr, transfat 0-2 gr, mì không qua chiên dầu, các sản phẩm ăn liền làm từ bột gạo… để đảm bảo an toàn cho sức khỏe gia đình.
Tuy mì ăn liền có nhiều hương vị như mì tôm, cua, mì gà, mì bò… nhưng gói gia vị của mì ăn liền thường chứa muối, bột ngọt (mì chính) và chất hóa học tạo mùi chứ không phải làm từ thịt động vật.
Nếu có thịt thật, rau thật thì những nguyên liệu này đã được sấy qua nhiệt độ cao để diệt khuẩn, đóng gói chân không nên các vitamin nhóm B, chất sắt... có trong thịt, hay vitamin C, vitamin A... có trong rau đã bị nhiệt làm biến mất.
Những gì người ăn mì nạp vào cơ thể chỉ là năng lượng, chất béo, điều này hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra, trong mì ăn liền còn chứa rất nhiều các chất phụ gia khác như chất điều vị, chất tạo xốp, chất chống ô-xy hóa, chất làm dầy, chất bảo quản, phẩm màu tổng hợp… Những hóa chất này, bạn Hoài có thể dễ dàng đọc được trên bao bì các gói mì ăn liền.
Bên cạnh đó, nhiều loại mì ăn liền được chứa trong cốc/ bát bằng nhựa, xốp thì còn nguy hiểm hơn cho sức khỏe.
Theo quy định, dưới mỗi hộp mì đều có ký hiệu chất liệu vỏ hộp đặt trong hình tam giác, nếu là hộp xốp thường có ký hiệu số 6 (PP), hộp nhựa ký hiệu số 5 (PS). Khi ngâm mì trong nước nóng ở nhiệt độ trên 65 độ C, chất độc hại của vỏ hộp sẽ ngấm vào mì, gây hại cho gan, thận, thần kinh....
Với những em bé thích ăn mì tôm giống con của bạn Hoài, khẩu phần dinh dưỡng trong các gói mì ăn liền mất cân bằng như vậy. Nếu ăn nhiều mì thay thế bữa ăn hằng ngày mà không bổ sung thêm thịt, rau sẽ dẫn đến thiếu máu, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin, nhưng lại tăng nguy cơ béo phì, cao huyết áp, tiểu đường…
Do trong mì chứa nhiều hương liệu và chất phụ gia khiến bé ăn cảm thấy ngon miệng, ăn lâu ngày mắc chứng khảnh ăn, biếng ăn là điều không tránh khỏi.
Tất cả chúng ta ai cũng đã từng ăn mì ăn liền, nhưng hầu hết đều không biết ăn đúng cách. Cách ăn mì gói có hại cho sức khỏe nhất là đổ nước vào mì rồi chờ 3 phút cho mì chín rồi là ăn ngay.
Khi chế biến, nhất là cho trẻ nhỏ, bạn Hoài cần phải thay đổi cách nấu mì sao cho an toàn và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Cách chế biến mì đúng như sau: đun sôi nước, thả mì ăn liền vào trần, đợi đến khi các sợi mì bắt đầu rời nhau, dùng đũa tách rời vắt mì rồi vớt ra bát.
Đổ chỗ nước vừa trần mì đi, nấu một nồi nước sôi khác, bỏ mì trở lại nồi, nước sôi, tắt bếp. Sau đó cho các gói gia vị vào. Cách làm này sẽ giảm bớt chất dầu chiên mì, giảm chất béo và các hóa chất phụ gia “tẩm ướp” vào mì.
Bên cạnh đó, để giảm hàm lượng muối, bạn Hoài chỉ nên cho 1/3 - 1/2 lượng gia vị. Ngoài ra, bạn Hoài nên nấu bổ sung thêm rau xanh, trứng gà hoặc thịt để cung cấp đầy đủ chất đạm và chất xơ cho cơ thể.
Rau xanh sẽ có tác dụng ngăn chặn quá trình hấp thu chất béo vào mạch máu, giảm được nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, chống béo phì...
Cách chế biến trên dù hơi rắc rối nhưng sẽ giúp các thành viên trong gia đình bạn Hoài yên tâm hơn khi thưởng thức tô mì, không ăn phải các chất dầu và các hóa chất độc hại có trong mì ăn liền.
Tốt nhất, bạn Hoài và gia đình nên hạn chế sử dụng mì ăn liền hàng ngày. Tuyệt đối không ăn sống mì ăn liền. Và khi mua nhớ đọc kỹ bao bì để chọn được sản phẩm an toàn cho gia đình.