Lá lốt là loại rau gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn dân dã. Trong y học cổ truyền, lá lốt còn là cây thuốc quý trị phong thấp, đau bụng do lạnh, phù thũng...
Đông y cho rằng lá lốt có vị nồng, tính ấm, tác dụng chống hàn, giảm đau, chống phong thấp, chân tay tê lạnh, nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu, đau đầu vì cảm lạnh...
Tuy nhiên, khi ăn lá lốt cần phải lưu ý không nên ăn quá nhiều và phải căn cứ vào thể trạng từng người để sử dụng cho đúng liều lượng.
Với người bị đau dạ dày, nhiệt miệng, táo bón thì không nên ăn lá lốt. Người bình thường cũng chỉ nên ăn từ 50 - 100g lá lốt 1 ngày là vừa đủ.
Những bệnh có thể dùng lá lốt để trị:
- Bệnh đau nhức cơ thể: 50 – 70gr lá lốt + 100gr thịt bò đem rửa sạch, thái mỏng và ướp gia vị rồi xào qua với lá lốt. Món này dùng 2 -3 lần / tuần sẽ mang lại kết quả chữa bệnh rất tốt.
- Chữa phù thũng do thận: Lá lốt 20g, cà gai leo, rễ mỏ quạ, rễ tầm gai, lá đa lông, mã đề mỗi vị 10g. Sắc với 500ml nước còn 150ml, uống trong ngày. Uống sau bữa ăn trưa khi thuốc còn ấm. Dùng trong 3-5 ngày.
- Chữa ra nhiều mồ hôi ở tay, chân: Lá lốt tươi 30g cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày.
- Viêm tinh hoàn: Lá lốt 12g, lệ chi 12g, bạch truật 12g, trần bì 10g, bạch linh 10g, sinh khương 21g, sơn thù 6g, phòng sâm 6g, hoàng kỳ 5g, cam thảo (chích) 4g. Đổ 600ml nước, sắc còn 200ml, chia nhiều lần cho trẻ uống trong ngày.