"Không phải ai cũng cần cắt ngực như Angelina Jolie"!

Lan Dương |

"Không phải ai cũng cần làm như Angelina Jolie. Điều gì chúng ta nên biết để giảm thiểu nguy cơ ung thư vú, bất kể gia đình bạn có tiền sử hay không" - tiến sĩ Laura Esserman.

LTS: Angelina Jolie từng khiến cả thế giới hâm mộ cô “sốc” hồi năm 2013 khi bất ngờ tuyên bố mình đã phẫu thuật cắt ngực do có đến 87% nguy cơ mắc ung thư vú, và 50% khả năng mắc ung thư buồng trứng.

Đến tháng 3/2015, cô tiếp tục cắt buồng trứng và ống dẫn trứng để loại trừ sâu hơn nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Điều này đã khiến nhiều phụ nữ lo sợ về căn bệnh nguy hiểm này và băn khoăn có nên làm các xét nghiệm di truyền hay cắt bỏ tuyến vú đề phòng ung thư vú hay không?

Chúng tôi xin đăng tải bài viết của Tiến sĩ Laura Esserman (viết chung với Beth Crawford) trên tờ CNN để quý độc giả nào quan tâm có câu trả lời cho mình.

 

Chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật ung thư vú Laura Esserman
Chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật ung thư vú Laura Esserman

- Tiến sĩ Laura Esserman là chuyên gia phẫu thuật ung thư vú hàng đầu thế giới. Bà đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm chăc sóc vú ở Mỹ từ năm 1996.

- Esserman là người điều hành chính chiến dịch (với sự tham gia của 69 chuyên gia khác) nhằm giúp các biện pháp chẩn đoán và điều trị ung thư vú trở nên nhân đạo hơn, vì người bệnh hơn.

- Tiến sĩ Laura Esserman cũng là thành viên Hội đồng cố vấn Khoa học và Công nghệ của Tổng thống Barack Obama.

Kể từ khi Angelina Jolie công bố thông tin về mình trên The New York Times, rất nhiều phụ nữ đã gọi điện cho tôi hỏi rằng nếu ở vào tình cảnh giống Jolie thì họ có nên làm điều tương tự không?

Nhưng câu trả lời là, không phải ai cũng cần làm như cô ấy!

Đó là lý do vì sao tôi chia sẻ với các bạn bài viết này, điều gì chúng ta nên biết để giảm thiểu nguy cơ ung thư vú, bất kể gia đình bạn có tiền sử hay không.

Bạn có nên làm xét nghiệm gen đột biến ung thư vú?

Với số đông người, điều này là không cần thiết.

Đột biến gen di truyền dẫn đến nguy cơ cao mắc phải ung thư vú và ung thư buồng trứng, bao gồm cả đột biến gen hiếm gặp BRCA1 mà nữ diễn viên Angelina Jolie gặp phải (tỷ lệ: 1 trong 400 người), chiếm khoảng 5% các ca ung thư vú.

Nếu trong gia đình bạn có người thân - mẹ, chị em gái hay con gái, dì từng mắc phải một trong hai loại ung thư trên thì bạn rất có thể có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là nếu có ít nhất một người đã được chẩn đoán mắc bệnh trước 50 tuổi.

(Một trong các dấu hiệu của bệnh ung thư có tính di truyền là được phát hiện, chẩn đoán mắc bệnh ngay khi còn trẻ.)

Việc tìm hiểu về tiền sử mắc ung thư trong gia đình là điều rất cần thiết đối với bạn. Nó giúp bạn đưa ra quyết định nên hay không nên làm các xét nghiệm tìm gen đột biến ung thư vú.

Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao này, các xét nghiệm sẽ giúp bạn giải tỏa nỗi lo lắng và sợ hãi về bệnh tật.

Tuy nhiên, việc kiểm tra di truyền không phải là cần thiết đối với hầu hết phụ nữ, thậm chí là cả với những người đã có một người thân mắc bệnh ung thư. Và chi phí làm các xét nghiệm này cũng không phải là chuyện nhỏ, vô cùng đắt đỏ.

Hơn nữa, các xét nghiệm đi kèm có thể đưa ra kết quả một biến thể di truyền mà không rõ ý nghĩa, khiến bạn lo lắng không cần thiết.


Mặc dù tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải ung thư vú nhưng không phải ai cũng mắc bệnh. 

Mặc dù tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải ung thư vú nhưng không phải ai cũng mắc bệnh. 

Bạn sẽ làm gì nếu các xét nghiệm cho kết quả dương tính?

Angelina Jolie đã quyết định phẫu thuật cắt ngực, nhưng đó không phải là biện pháp duy nhất để ngăn ngừa ung thư.

Ung thư không phải là đột quỵ… cướp đi tính mạng của bạn ngay lập tức. Nếu bạn tìm hiểu và biết mình mang đột biến gen di truyền ung thư, bạn vẫn có thể cân nhắc, lựa chọn các biên pháp ngăn ngừa, chữa trị ung thư phù hợp nhất cho mình.

Nếu bạn còn trẻ và chưa có con, bạn có thể làm các xét nghiệm tầm soát ung thư vú bằng chụp hình cộng hưởng từ trường (MRI) hay cẩn thận hơn là kết hợp chụp nhũ ảnh (X-quang vú) và MRI so le trong khoảng thời gian 6 tháng (trước 30 tuổi, chỉ nên làm MRI).

Bạn cũng cần biết rằng MRI có thể cho kết quả khá nhạy cảm, đưa ra tỷ lệ cao dương tính giả (phát hiện nghi ngờ bị ung thư nhưng là lành tính). Điều này có thể khiến bạn vô cùng căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi khi biết kết quả từ MRI.

Việc phát hiện và chữa trị ung thư cũng phụ thuộc vào loại khối u để từ đó các bác sỹ quyết định có cần điều trị tích cực hay không, phương pháp điều trị như là dùng liệu pháp hormone…

Một lựa chọn khác là dùng thuốc: Có nhiều loại thuốc, như tamoxifen có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú khoảng 50%.

Chất ức chế aromatase như exemestane cũng đã được tìm thấy để giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh khoảng 65%.

Sau đó là biện pháp cắt bỏ vú dự phòng, đối với những phụ nữ có một đột biến gen BRCA để làm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú từ 60-80% xuống còn khoảng 5%.

Nhiều phụ nữ giống như Angelina Jolie – trong gia đình có người thân chết vì ung thư khi tuổi còn trẻ đặc biệt quan tâm đến biện pháp này. Những người phụ nữ có con nhỏ cũng thường làm tất cả mọi thứ có thể để giảm nguy cơ phát triển ung thư.

Việc loại bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng sẽ làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng bằng 80-90% và được khuyến cáo cho phụ nữ có mang một đột biến BRCA, sau khi họ đã sinh con (như trường hợp của Angelina Jolie).

Quyết định làm các phẫu thuật để giảm thiểu rủi ro mắc ung thư là khá khó khăn và mang tính cá nhân. Có những bệnh nhân mang đột biến BRCA, được chẩn đoán mắc DCIS (ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ, một hình thức không xâm lấn của ung thư) vẫn muốn cắt bỏ cả hai bên ngực.

Một số phụ nữ 50 tuổi khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú lại không muốn làm vậy và họ chấp nhận những rủi ro, nguy cơ từ bệnh tật với sức khỏe.

Nếu phẫu thuật cắt bỏ ngực, bạn lo ngại về vấn đề thẩm mỹ thì có thể làm phẫu thuật tái tạo ngực.

Nếu bạn không có nguy cơ bị ung thư di truyền?

Mọi phụ nữ đều có một số nguy cơ mắc phải ung thư vú. Tuy nhiên, ung thư vú là một tập hợp của nhiều bệnh khác nhau, từ những yếu tố của bệnh đang phát triển chậm và dường như không bao giờ gây hại, đến những nguy cơ nguy hiểm và đe dọa tính mạng người bệnh.

Việc tầm soát và phòng ngừa ung thư vú cho mỗi phụ nữ là khác nhau, tùy thuộc vào tiền sử bệnh tật gia đình của họ và lịch sử y tế.

Trong khi đó, có những biện pháp bạn có thể làm ngay bây giờ giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư vú.

Tập thể dục, duy trì trọng lượng cơ thể của bạn trong phạm vi bình thường, ổn định và có chế độ ăn uống lành mạnh (ít mỡ động vật) để cải thiện cả hai vú và sức khỏe tổng thể của bản thân.

Hãy chăm sóc và hiểu về cơ thể của bạn, nếu thấy có bất cứ dấu hiệu lạ nào, khối u cục nào, hãy đến các phòng khám chuyên khoa và cho bác sĩ biết ngay lập tức.

Nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ – kết quả sinh thiết bất thường, tiền sử bệnh tật của gia đình, bước vào thời kỳ mãn kinh, có kinh muộn hoặc không sinh đẻ, mô vú rất dày… hãy đến các phòng khám chuyên khoa.

Một số loại thuốc như tamoxifen hay raloxifene đã được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận cho sử dụng để phòng chống bệnh ung thư vú.

Ngoài ra, tránh dùng liệu pháp hormon sau thời kỳ mãn kinh, hạn chế uống rượu, và nếu bạn cần phải uống thuốc ngăn ngừa loãng xương, hãy xem xét và cân nhắc raloxifene (một loại thuốc giúp ngăn ngừa và điều trị loãng xương bằng cách làm xương cứng chắc), giúp hạn chế nguy cơ ung thư vú.

Mặc dù tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải ung thư vú nhưng không phải ai cũng mắc bệnh.

Và hy vọng rằng trong tương lai, việc điều trị và ngăn ngừa ung thư sẽ được cải thiện nhiều hơn, việc phẫu thuật cắt bỏ ngực, cắt buồng trứng và ống dẫn trứng như của Angelina Jolie sẽ không cần thiết.

* Dịch từ CNN.com

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại