1. Giảm nhiệt cơ thể
Tình trạng giảm nhiệt diễn ra khi nhiệt độ cơ thể rơi xuống dưới 35 độ C. Căn bệnh khi trời lạnh này trở nên trầm trọng, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách.
Ai cũng có thể bị giảm nhiệt cơ thể, nhưng người cao tuổi là nhóm có nguy cơ cao nhất do cơ thể không kịp thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ, cũng như người già thường chậm nhận ra cơ thể mình đang bị lạnh đi.
Dấu hiệu nhận biết: Nếu bị giảm nhiệt, bạn sẽ cảm thấy lạnh, rùng mình, muốn khép mình lại. Nặng hơn, bạn sẽ có cảm giác mơ hồ, buồn ngủ, nói năng lơ mơ. Tình trạng tệ nhất là nhịp tim bị chậm ở mức báo động.
Cách phòng ngừa: Hãy mặc ấm, mặc nhiều lớp áo quần, giữ chân tay ấm và đội mũ. Nếu bị lạnh, hãy cởi bỏ quần áo ẩm ướt ngay lập tức và chui vào chăn ấm
Có thể dùng những đồ uống giúp làm ấm cơ thể nhưng không dùng đồ có cồn. Cũng không nên tắm nước nóng vì có thể gây sốc nhiệt.
2. Cảm và cúm
Mỗi năm, một người trưởng thành trung bình bị cảm 3 lần và cứ 5 người sẽ có 1 người bị cúm. Mặc dù không phải là bệnh đặc trưng của trời lạnh, nhưng mùa đông là thời kỳ cơ thể rất dễ mắc cảm cúm.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nhiệt độ xuống thấp làm giảm lượng tế bào bạch cầu có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng được cung cấp tới khoang mũi, là nơi virus thường thâm nhập cơ thể nhất. Ngoài ra, khi trời lạnh và khô, virus cúm lưu lại trong không khí lâu hơn.
Dấu hiệu nhận biết: Không dễ để phân biệt bạn bị cảm hay cúm vì dấu hiệu khá giống nhau.
Khi bị cảm, bạn thường thấy họng đau và khô, hắt hơi, đau đầu, chảy nước mũi, lạnh và sốt. Khi bị nặng hơn, mũi bị tắc và đau, ho vào ban đêm, đau mình mẩy, mệt mỏi và mất cảm nhận hương vị.
Còn nếu bạn bị cúm, các dấu hiệu thường nặng hơn và đến nhanh hơn, bao gồm sốt cao từ 37.5 độ C tới 40 độ C, ho khan, đau cơ, đau đầu, đau họng, ngạt mũi và cực kỳ mệt mỏi.
Cách điều trị: Khi bị cảm lạnh, bạn sẽ thấy mệt trong vài ngày nhưng sau đó thì đỡ dần và hết hẳn trong vòng 1 tuần đến 10 ngày. Những người bị cúm cũng thường khỏi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên cả hai trường hợp đều cần dùng thuốc.
Thuốc cảm không phải là thuốc đặc trị cảm lạnh nhưng giúp giảm nhẹ các triệu chứng. Đối với bệnh cúm, bạn có thể tiêm phòng ngừa hoặc sử dụng thuốc.
3. Thương tổn do trời lạnh
Cơ thể bạn có thể gặp phải thương tổn do trời lạnh, gây mất cảm giác hoặc màu da thay đổi ở những vùng bị tổn thương như mũi, tai, cằm, má, ngón tay ngón chân.
Thương tổn do trời lạnh có thể phá huỷ vĩnh viễn các mô, một số trường hợp nặng có thể dẫn tới phải cắt bỏ vùng bị thương tổn.
Khi nhiệt độ xuống quá thấp, nguy cơ bị thương tổn do trời lạnh tăng lên, đặc biệt ở những người bị giảm tuần hoàn máu hay mặc không đủ ấm.
Dấu hiệu nhận biết: Giảm tuần hoàn máu tới bàn tay bàn chân (ngón tay ngón chân lạnh buốt), tê cứng, đau nhói như kim châm, nhức, da nhợt nhạt.
Cách phòng ngừa: Mặc quần áo ấm và mặc nhiều lớp, đặc biệt khi bạn ra ngoài trời trong thời gian dài; giữ quần áo khô (quần áo ẩm làm tăng nguy cơ mất nhiệt).
Khi bạn thấy có các dấu hiệu bị thương tổn do trời lạnh, hãy vào phòng ấm càng nhanh càng tốt. Ngâm vùng da bị thương tổn trong nước ấm hoặc ủ ấm bằng cơ thể. Tránh cọ rửa hay mát xa vùng da bị thương tổn.
Không dùng đèn sưởi, miếng sưởi,…vì có thể khiến vùng thương tổn bị tê cứng và dễ bị bỏng.
4. Trầm cảm
Một tỷ lệ nhỏ dân số, đặc biệt là nữ giới, bị chứng rối loạn thần kinh do thay đổi thời tiết. Đây là một dạng trầm cảm xuất hiện vào các tháng mùa đông.
Dấu hiệu nhận biết: Một số dấu hiệu cũng tương tự như trầm cảm do các nguyên nhân khác như buồn bã, mệt mỏi, thường xuyên buồn ngủ, không muốn giao tiếp, mất khả năng tập trung. Nhưng người bị trầm cảm do thời tiết có thêm các dấu hiệu khác như chậm chạp, thèm ngọt và tăng cân.
Cách phòng ngừa: Với những trường hợp bị nhẹ, có thể thể dục ngoài trời khoảng 60 phút mỗi sáng. Với những trường hợp nặng hơn, bạn nên gặp bác sỹ.
Có nhiều liệu pháp điều trị bao gồm cả những liệu pháp giúp bạn tránh gặp lại những triệu chứng này vào các mùa đông tiếp theo.
5. Đau tim
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đau tim như có nồng độ cholesterol cao, hút thuốc ở nam giới. Nhưng bạn có biết vào mùa đông nguy cơ đau tim sẽ tăng lên? Nguyên nhân là trời lạnh làm tăng huyết áp đột ngột, đặt nhiều áp lực hơn lên tim.
Dấu hiệu nhận biết: Đau ngực, thở gấp, đột nhiên mệt hay chóng mặt, đổ mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn, tim đập bất thường, da tái xanh.
Cách phòng ngừa: Luôn mặc đủ ấm đặc biệt khi ra ngoài. Nếu có các dấu hiệu trên đây xuất hiện, hãy mau chóng gọi cấp cứu.
* Theo Consumer Report