Một nhóm các nhà nghiên cứu Đan Mạch và Canada mới đây công bố đã tình cờ phát hiện ra bước đột phá trong điều trị ung thư khi đang tìm kiếm phương thuốc chống lại bệnh sốt rét ở phụ nữ mang thai.
Kết quả của hai nhóm nghiên cứu sau khi thử nghiệm hàng ngàn mẫu từ khối u não cho tới bệnh bạch cầu đã chỉ ra rằng protein ký sinh trùng sốt rét có đủ khả năng tấn công hơn 90% tất cả các loại khối u.
Ngay sau khi công bố này được đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng, rất nhiều người đã vui mừng chia sẻ với nhau. Nhiều người hi vọng phương pháp này sẽ được đưa vào thực tế để có thể cứu chữa được cho nhiều người bệnh.
Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư truyền thống là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và phương pháp dùng thuốc nhắm trúng đích. Các phương pháp truyền thống vẫn được lên phác đồ điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa ung thư.
Các nhà khoa học vừa phát hiện ra loại protein từ ký sinh trùng sốt rét có thể tiêu diệt 9/10 bệnh ung thư nguy hiểm nhất hiện nay.
Trao đổi với chúng tôi, giáo sư Nguyễn Chấn Hùng - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết đây là nghiên cứu mới được công bố.
Giáo sư Hùng cho biết để đánh giá một công trình khoa học cần rất nhiều thời gian nên chưa thể đánh giá được công bố nghiên cứu này có khả quan hay không. Hiện nay các nhà nghiên cứu mới chỉ nghiên cứu trên chuột nhắt và chưa nghiên cứu trên người.
Bất cứ một công trình nghiên cứu y khoa nào để đưa vào thực tiễn phải qua tất cả các khâu thử nghiệm. Khi thử nghiệm trên người thành công còn thời một thời gian dài nữa mới có thể đánh giá kết quả điều trị chuẩn hay không.
Giáo sư Hùng cho biết, các phương pháp điều trị ung thư đang được y học thừa nhận cũng đã có quá trình như thế.
Ví dụ như phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích, các nhà khoa học phải nghiên cứu rất lâu và đến năm 1998 mới thử nghiệm trên bệnh nhân ung thư vú.
Sau này, người ta nghiên cứu thêm các loại thuốc khác và đưa vào phác đồ điều trị ung thư cho bệnh nhân bị ung thư như bệnh bạch cầu tủy mạn (FDA công nhận từ 2002), đau tủy (2003).
Năm 2004 thì phương pháp này được đưa vào phác đồ điều trị các bệnh ung thư đại trực tràng di căn, ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến xa hoặc di căn sau thất bại ít nhất một đợt hóa trị, ung thư thận di căn…
Để có được một công trình nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến bệnh nhân cần rất nhiều thời gian. Chưa kể, có rất nhiều công trình nghiên cứu công bố xong rồi không có giá trị vì mỗi nhóm nhà nghiên cứu họ lại có công bố khác nhau.
Bác sĩ Phạm Đình Tuấn: Cần 4 - 5 năm nữa mới có thể tiến hành nghiên cứu trên người
Bác sĩ Phạm Đình Tuấn – Khoa Nội – Trung tâm Y tế lao động Thái Hà cho biết, hiện nay, điều trị ung thư là một trong những vấn đề nan giải của y học.
Những năm gần đây tỷ lệ bệnh nhân chữa thành công (sống không bệnh trên 5 năm) đã đạt tỷ lệ cao tuy nhiên các bác sĩ đều khuyến cáo để điều trị thành công cao điều quan trọng nhất vẫn là chẩn đoán và phát hiện được bệnh ung thư sớm.
Trên thế giới, theo WHO, ung thư hiện là căn bệnh gây tử vong đứng thứ 2, chỉ sau tim mạch. Vào năm 2000, tổng số ca được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trên thế giới là 11 triệu người và dự tính có thể gia tăng lên 16 triệu người vào năm 2020.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 110.000 ca ung thư mới mắc được chẩn đoán, và 73% số đó tử vong vì căn bệnh này. Tỷ lệ tử vong này thuộc hàng cao nhất thế giới, trong khi trung bình của thế giới chỉ là 59,7%.
Hầu hết các bệnh nhân ung thư tại Việt Nam không đi khám bác sĩ sớm cho đến khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối. Khi đến bệnh viện thì đã có khoảng 70% số bệnh nhân ung thư ở giai đoạn lan tràn.
Tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ…
Công trình nghiên cứu này có thể xem là 1 trong những công bố mang tính đột phá. Tuy nhiên, nhóm tác giả cần khoảng 4-5 năm nữa mới tiến hành nghiên cứu trên người bệnh tự nguyện.