Chữa bệnh bằng "rồng đất" - chuyện ít người nghĩ đến

Thái Phong (T.H) |

Nhiều người gọi con rươi là "rồng đất" và coi đây là món ăn "khoái khẩu". Tuy nhiên, giá trị chữa bệnh của món ăn chế biến từ rươi thì ít người biết.

Vào mỗi dịp cuối thu, đầu đông, những món ăn từ rươi như góp thêm hương vị cho cái se se lạnh đầu mùa.

Dù là món ăn được làm từ con vật người kinh sợ, kẻ thích mê thì cũng không phủ nhận được mùa rươi đã đem đến một không khí rất đặc biệt mà người ta luôn nhắc nhớ nhau: "Tháng chín đôi mươi, tháng 10 mùng năm" để biết rằng mùa rươi đã về.

Tuy vậy, người ta hầu như chỉ coi rươi là món ăn "thêm thắt" để thay đổi những khẩu vị quen thuộc mà ít ai nghĩ đến chuyện ngoài việc rươi rất bổ dưỡng thì nó còn được coi như một vị thuốc dưỡng bệnh, chữa bệnh.

1. Thành phần dinh dưỡng của con rươi:

Theo phân tích của các nhà khoa học, cứ 100g rươi có chứa 81,9g nước, 12,4g protit, 4,4g lipit, 1,3g tro, cung cấp cho cơ thể 92 calo.

Để dễ hiểu hơn có thể so sánh thành phần dinh dưỡng của rươi với thịt bê. Trong thịt bê nạc với khối lượng tương tự có chứa 78,2g nước, 20g protit, 0,5g lipit, 1,3g tro cung cấp được 87calo.

Như vậy, thậm chí rươi còn chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn thịt bê nếu tính theo lượng bằng nhau.

Ngoài ra, trong rươi còn có chứa nhiều loại chất khoáng khác như canxi (66mg%), photpho (57mg%), sắt (1,8mg%).

Chính vì vậy, những món ăn được chế biến từ rươu đều rất giàu chất dinh dưỡng.

2. Dược tính:

Con rươi cũng là một con vật được giáo sư Đỗ Tất Lợi xếp vào hàng vị thuốc trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của ông.

Có một đặc điểm mà ai cũng biết là khi chế biến rươi không bao giờ được thiếu vỏ quýt. Đây dường như là một sự kết hợp "trời sinh" bởi thiếu vỏ quýt thì món rươi mất hết đi hương vị đặc sắc của nó.

Và cũng thật trùng hợp rằng cứ đến mùa rươu thì đúng lúc đó quýt cũng vào mùa. Bà nội trợ không lo thiếu vỏ quýt để chế biến rươi.

Rươi và vỏ quýt không chỉ là sự kết hợp tài tình giữa thức ăn và gia vị mà còn khiến món ăn trở nên giàu dược tính, có tính chất như một vị thuốc.

Dược tính của món rươi phần nhiều đến từ vỏ quýt. Vỏ quýt được dùng rất phổ biến trong Đông y với tên gọi Trần bì. Cũng theo Đông y, vỏ quýt có vị cay, đắng, the, mùi thơm, tính ấm. Tác dụng điều khí, hóa đờm, tiêu chảy, kém ăn, khó tiêu...

Sự có mặt của vỏ quýt trong các món rươi có tác dụng chữa đầy bụng, khó tiêu, làm tiêu đờm. Đồng thời món ăn còn có tác dụng phòng bệnh tích cực đối với những chứng bệnh trên.

3. Lưu ý khi ăn rươi:

Mặc dù công nhận những dược tính của món ăn từ rươi, giáo sư Đỗ Tất Lợi cũng cảnh báo phải thận trọng khi ăn rươi.

"NHỮNG CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC VIỆT Nam"
Giáo sư ĐỖ TẤT LỢI
Trong nhân dân, nhất là những vùng có rươi, rươi được coi là nguồn thức ăn bổ vì có nhiều chất đạm... Tuy nhiên, những người có bệnh hen tránh ăn rươi vì rươi có chất gây lên cơn hen.

Khi ăn rươi cần cẩn thận vì rươi là loài nhuyễn thể ở dưới nước nên thường có chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.coli, gây tiêu chảy, đường ruột nếu chế biến không cẩn thận, đúng cách.

Hơn nữa, nếu rươi chết, cơ thể chúng rất dễ phân hủy sinh ra nhiều độc tố. Ăn phải rươi chết nguy cơ ngộ độc rất cao, nhẹ thì đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy cấp, nặng thì có thể ngộ độc gây nguy hiểm tới tính mạng.

Hơn nữa, do rươi giàu đạm nhưng chất đạm của rươi không giống với chất đạm của các thực phẩm khác như bò, lợn, gà nên có thể gây dị ứng cho người ăn. Nếu bạn đã từng bị dị ứng khi ăn rươi 1 lần rồi thì không nên thử lại lần thứ 2.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại