1. Bệnh tim mạch là gì?
Khái niệm bệnh tim mạch dùng để chỉ những bệnh có liên quan đến các mạch máu (tĩnh mạch, động mạch và mao mạch) hoặc tim, hoặc cả 2 bệnh có ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch.
Ngoài ra, bệnh tim mạch còn được định nghĩa là tim không bơm máu như nó phải làm, tim vẫn làm việc nhưng nhu cầu của cơ thể đối với máu và oxy thì nó không đáp ứng được.
Bệnh tim mạch bao gồm những rối loạn ảnh hưởng đến tim và các mạch máu như bệnh mạch vành, bệnh mách máu não, bệnh mạch máu ngoại biên và tăng huyết áp. Bệnh tim mạch còn hay kết hợp với các bệnh như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và đột quỵ.
2. Những con số đáng lo ngại về bệnh tim mạch
Trong cuốn sách "Cẩm nang phòng trị ung thư", GS. BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam có làm 1 phép so sánh giữa bệnh tim mạch và ung thư. Theo ông, "bệnh tim mạch giết người còn nhanh hơn cả ung thư".
Trong thực tế, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới.
Mỗi năm, bệnh tim mạch gây ra hơn 17,5 triệu cái chết và dự đoán sẽ có khoảng 25 triệu người bị bệnh tim mạch tử vong vào năm 2020. Trong đó, 7,6 triệu trường hợp là do bệnh tim mạch vành và 5,7 triệu trường hợp là do đột quỵ.
Không chỉ gây tử vong cho người mắc bệnh, bệnh tim mạch còn là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.
Tỷ lệ bệnh nhân bị tàn phế do bệnh tim mạch cao thứ 2, chỉ sau bệnh đột quỵ. Bệnh tim mạch còn được dự đoán sẽ là nguyên nhân lớn nhất gây tàn phế trên thế giới vào năm 2020. Điều này sẽ gây 1 gánh nặng lớn cho xã hội.
Một con số có tính biểu cảm hơn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, cứ 2 giây lại có 1 người chết vì bệnh tim mạch, 5 giây có 1 ca nhồi máu cơ tim và 6 giây có 1 trường hợp đột quỵ.
3. Nguyên nhân của bệnh tim mạch:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch, trong số đó có các nhà khoa học chia ra làm nguyên nhân không thể thay đổi được và nguyên nhân có thể thay đổi được.
Nguyên nhân không thể thay đổi được là những yếu tố di truyền, tuổi tác, giới tính... còn nguyên nhân thay đổi được là những lối sống, thói quen sinh hoạt... tạo nên nguy cơ bệnh tim mạch.
a. Nguyên nhân không thay đổi được:
- Di truyền: Nếu trong cùng 1 gia đình có bố mẹ, anh chị em mắc bệnh tim mạch thì khả năng con cái, anh chị em ruột mắc bệnh tim mạch là khá cao.
- Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ về bệnh tim mạch càng lớn. Các nghiên cứu về bệnh tim mạch cho thấy những người chết vì bệnh tim mạch hàng năm chủ yếu là người già.
- Giới tính: Tỉ lệ nam giới bị bệnh tim mạch nhiều hơn nữ giới, nhưng ở tuổi mãn tinh thì nguy cơ tim mạch ở nữ giới ngang bằng nam giới.
b. Nguyên nhân có thể thay đổi được:
- Thuốc lá: Người hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao gấp 3-4 lần so với người không hút thuốc lá.Thuốc lá còn là nguyên nhân chính gây ra bệnh nhồi máu cơ tim.
- Béo phì: Người béo phì, béo bụng luôn có lượng cholesterol cao - đó chính là yếu tố dẫn đến bệnh tim mạch.
- Bệnh huyết áp cao: Ở người bị huyết áp cao, thành mạch máu sẽ bị xơ vữa nên co giãn kém. Chính vì vậy, để máu lưu thông tốt, tim phải co bóp mạnh hơn dẫn đến cơ tim dày và cứng hơn, lâu dần dẫn đến việc tim bị suy yếu.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tai biến, nhồi máu cơ tim.
- Ít vận động: Khi cơ thể ít vận động, năng lượng trong cơ thể không thể tiêu hao, các cơ quan hoạt động sẽ không thể giải trừ các chất độc ra ngoài và cũng không làm giảm được lượng cholesterol.
Chính vì vậy, người ít vận động sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh tim mạch hơn so với người vận động.
- Căng thẳng thần kinh: Việc căng thẳng thần kinh sẽ làm tăng nhịp tim và huyết áp. Người liên tục chịu ảnh hưởng của sự căng thẳng thì số cơ đau thắt ngực sẽ tăng lên và trở thành nguy cơ gây nên bệnh tim mạch.
- Uống nhiều bia, rượu: Bia rượu sẽ làm tăng huyết áp, tăng triglicerid trong máu – gây nguy cơ nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, uống một ly rượu vang đỏ mỗi ngày sẽ tốt cho tim mạch.