Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, bệnh tật đến từ cả yếu tố bên ngoài lẫn bên trong. Theo đó, những nguyên nhân phát sinh từ bên trong có liên quan tới trạng thái tinh thần, được gọi “thất tình” (hỷ, nộ, ai, lạc, ưu, khủng, kinh).
Ngược lại, các nguyên nhân bắt nguồn từ bên ngoài là những bệnh liên quan đến môi trường, được quy vào “lục dâm”.
Các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài bao gồm: Phong (gió), Hàn (lạnh), Thử (nắng/nhiệt), Thấp (độ ẩm), Táo (độ khô) và Hỏa (nóng).
Nhóm “lục dâm” này gây bệnh từ ngoài kinh lạc đến phủ tạng ở sâu, không tuân theo quy luật truyền biến nào. Trong 6 tác nhân trên, dạng bệnh bắt nguồn từ “Thấp” tương đối phổ biến, có tên gọi “Thấp tà”.
Thấp biến hóa theo quy luật thì gọi là thấp khí, làm nên sự nhu nhuận trong mọi sự sống.
Ngược lại, “Thấp” biến hóa sai quy luật thì gọi là “Thấp tà”, nguyên nhân gây nên sự ngưng đọng, bám dính, cản trở sự chu lưu vận hóa của thủy dịch, khí huyết, mà gây ra bệnh “Thấp”.
“Thấp tà” thường có nguyên nhân từ việc sinh sống hoặc làm việc trong một môi trường ẩm thấp. Một cách khác để nhìn nhận về “Thấp tà” là tình trạng chất lỏng trong cơ thể bị trì trệ hoặc xáo trộn.
“Thấp tà” có hai loại: “Ngoại Thấp” và “Nội Thấp”.
“Ngoại Thấp” gồm những bệnh sinh ra từ độ ẩm của môi trường. Người nhiễm bệnh là có thể do đột ngột mắc mưa hoặc sinh sống ở nơi ẩm thấp.
“Nội thấp” là những chứng bệnh sinh ra do uống rượu quá độ, hoặc ăn đồ sống, đồ nguội, khiến “Thấp” xâm nhập vào cơ thể, ảnh hưởng đến công năng của tỳ dương.
Mặc dù phát sinh từ nhiều nguyên nhân, nhưng chúng ta không khó để nhận biết các chứng bệnh “Thấp tà” nhờ những dấu hiệu chung dưới đây:
Trướng bụng: Các bệnh sinh ra do ẩm ướt (Thấp) khiến cho âm tà ngưng lại trong phủ tạng, cản trở khí huyết lưu thông, dẫn đến trướng bụng, ảnh hưởng đến công năng của tỳ vị.
Khó tiểu tiện: “Thấp tà” ứ đọng ở phần bụng dưới khiến cho người bệnh tiểu tiện khó khăn.
Nặng đầu, tứ chi bải hoải, mất ngủ, giảm trí nhớ, dễ cáu gắt và buồn bực.
Miệng nhiều tưa lưỡi, đi tả, chi dưới phù thũng.
Ngứa kẽ chân, xuất hiện mụn nước, lở loét.
Trên thực tế, việc điều trị các chứng bệnh “Thấp tà” không hề khó hay phức tạp. Chỉ bằng liệu pháp châm cứu đơn giản cũng có thể giúp chúng ta “tống tiễn” loại bệnh khó chịu này.
Các thầy thuốc từng ghi nhận phương pháp kích thích các huyệt châm cứu bằng cách "hơ" ngải cứu lên huyệt vị.
Ngày nay, Y học cổ truyền Trung Quốc vẫn duy trì cách thức châm cứu này dưới hai dạng: Ngải điều (ngải được cuốn thành hình điếu thuốc để hơ trực tiếp lên huyệt) và ngải quán (ngải được đặt gián tiếp huyệt thông qua những miếng gừng, tỏi).
“Ngải điều” là phương pháp tiến hành trực tiếp lên da
Dưới đây là những vị trí châm cứu bằng ngải để chữa dứt điểm những bệnh “Thấp tà” được đúc kết từ những chuyên gia Y học cổ truyền.
Huyệt Quan Nguyên – yếu huyệt dưỡng sinh:
+ Vị trí: Nằm ở 3 tấc (khoảng 7,6 cm) dưới rốn.
+ Cách thức: Dùng ngải điều châm cứu từ 10 - 15 phút hoặc dùng ngải quán trong 20 - 30 phút.
Huyệt Mệnh Môn – huyệt sinh mệnh tập trung nguyên khí của cơ thể:
+ Vị trí: Nằm giữa đốt sống thắt lưng thứ 2 và thứ 3.
+ Cách thức: Dùng ngải điều châm cứu từ 10-15 phút hoặc dùng ngải quán trong 20 - 30 phút.
Huyệt Trung Quản:
+ Vị trí: Điểm giữa của đoạn nối rốn và điểm giao nhau của hai bờ sườn hoặc từ rốn đo thẳng lên trên 4 tấc (khoảng 10,2cm).
+ Cách thức: Dùng ngải điều châm cứu từ 10 - 15 phút hoặc dùng ngải quán trong 20 - 30 phút.
Huyệt Tam Túc Lý:
+ Vị trí: Nằm ở dưới mắt đầu gối ba thốn và cách bờ xương ống chân một thốn (ở người Việt Nam trung bình, 1 thốn khoảng 1,8cm).
+ Cách thức: Dùng ngải điều châm cứu từ 10 - 15 phút hoặc dùng ngải quán trong 20 - 30 phút.
Huyệt Phong Long – huyệt vị khử “Thấp”
+ Vị trí: Đỉnh mắt cá chân ngoài lên 8 thốn hoặc lấy huyệt ở điểm giữa nếp kheo chân và mắt cá chân ngoài.
+ Cách thức: Mỗi ngày dùng ngải điếu châm cứu trong 15 phút sẽ giúp kiện tỳ, hóa “Thấp”.
Huyệt Giải Khê:
+ Vị trí: Nằm về phía trước và ngay giữa khớp xương cổ chân
+ Cách thức: Mỗi ngày dùng ngải châm cứu 15 phút sẽ giúp loại bỏ đờm thấp toàn thân, tiêu phù thũng ở chi dưới.
* Theo Sina Health