Brazil, WHO phủ nhận dị tật đầu nhỏ là do thuốc diệt muỗi gây ra

Ngọc Thảo |

Các quan chức y tế Brazil và WHO bác bỏ nhận định thuốc diệt muỗi chứa Pyriproxygen gây ra đợt bùng phát dị tật đầu nhỏ và vẫn nghiêng về giả thuyết thủ phạm là virus Zika.

Một nhóm các bác sĩ đến từ Argentina vừa đưa ra tuyên bố một loại thuốc diệt muỗi chứa Pyriproxygen, được sản xuất bởi tập đoàn Monsanto có thể là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát dị tật đầu nhỏ ở nước láng giềng Brazil.

Pyriproxyfen, một chất thường được dùng trong các bể chứa nước để diệt ấu trùng muỗi, vốn được xem là an toàn.

Nhưng sau khi nhóm các bác sĩ Argentina tuyên bố loại hóa chất này có thể là nguyên nhân đứng sau việc bùng phát dị tật đầu nhỏ ở Brazil, bang Rio Grande do Sul đã quyết định cấm sử dụng cho đến khi có kết luận của các quan chức đầu ngành.

DỮ LIỆU ĐẦY ĐỦ NHẤT VỀ VIRUS ZIKA

Trong thông cáo chung được đưa ra vào 13.2 vừa qua, Joao Gabbardo dos Reis, thư ký y tế bang cho biết việc sử dụng các chất diệt ấu trùng muỗi để xử lý nước dân dụng hiện đang bị cấm.

"Chúng tôi đã quyết định đình chỉ việc sử dụng các sản phẩm chứa Pyriproxyfen trong nguồn nước cho đến khi có quyết định chính thức của Bộ Y tế.

Vì lý do đó, chúng tôi tăng cường tuyên truyền cho người dân các phương thức để hạn chế tối đa việc sinh sản của muỗi".

Nhóm bác sĩ Argentina: Zika bị đổ lỗi quá nhanh

Nhóm các bác sĩ từ Argentina cho rằng, Brazil đã đưa ra quyết định chỉ dựa trên báo cáo từ trường Đại học Y tế & Môi trường, và họ đã nhanh chóng đổ lỗi dị tật đầu nhỏ cho vi-rút Zika.

Họ không nhận ra rằng hầu hết những người bệnh đều sống trong khu vực sử dụng chất diệt ấu trùng muỗi trực tiếp vào nguồn nước trong suốt 18 tháng qua.

Chất độc này đã được nhà nước thông qua sử dụng trên nguồn nước dân dụng, và kết quả là người dân đã chịu ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe của chính mình.

Điểm chung của các loại thuốc diệt ấu trùng là chúng đều chứa Pyriproxyfen, được sản xuất bởi Sumitomo Chemical.

Công ty của Nhật Bản cho hay, họ đã phân phối sản phẩm trong suốt 20 năm qua trên khoảng 40 quốc gia, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Tây Ban Nha...

Trước cáo buộc trên, trên website chính thức, Sumitomo Chemical đã phủ nhận bất cứ mối liên quan nào giữa thuốc diệt ấu trùng của họ với những dị tật bất thường ở trẻ sơ sinh.

"Pyriproxyfen an toàn và hiệu quả cho việc sử dụng trong các chiến dịch chống lại hầu hết những bệnh lây lan qua muỗi, và mối liên quan giữa thuốc này và dị tật đầu nhỏ là hoàn toàn vô căn cứ".

Chính phủ Brazil và WHO nói gì?

Chính phủ liên bang của Brazil và WHO đang đứng về phía Sumitomo, cho rằng không có bằng chứng khoa học chỉ ra mối quan hệ giữa Pyriproxyfen với dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Họ cũng bày tỏ không đồng ý với lệnh cấm của chính quyền Rio Grande do Sul.

Bộ Y tế Brazil cho rằng "không có các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy sự liên quan giữa việc sử dụng Pyriproxyfen gây nên tật đầu nhỏ."

Trong một tuyên bố khác, họ khẳng định: “Vi-rút zika có trong các mẫu máu, mô và nước ối, điều này đã được chứng thực qua các cuộc thử nghiệm gắt gao.

Trong khi đó, liên quan giữa chất Pyriproxyfen với dị tật là không có cơ sở khoa học cho tới thời điểm này. Hơn thế, một số địa phương không sử dụng chất diệt ấu trùng cũng có báo cáo trường hợp mắc tật đầu nhỏ”.

Pyriproxyfen, một trong 12 chất diệt ấu trùng, được WHO khuyến cáo nên sử dụng để giảm sự phát triển của quần thể muỗi. WHO cho biết sản phẩm đã được đưa vào sử dụng từ những năm cuối thập niên 1990.

Theo lí luận trên, nếu Pyriproxyfen liên quan tới tật đầu nhỏ, dịch bệnh này đã phải bùng phát từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Về phần Brazil, WHO trả lời phỏng vấn với phóng viên CNN: "Không có bằng chứng xác thực về việc chất diệt ấu trùng muỗi này là nguyên nhân của sự bùng nổ dị tật đầu nhỏ vùng Đông Bắc Brazil”.

Cơ quan này cũng lưu ý thêm, trong các nghiên cứu trên động vật, chất diệt ấu trùng đều ra khỏi cơ thể vòng 48 giờ qua đường bài tiết nước tiểu, đồng thời cũng không có bất cứ tác động nào vào thế hệ sau.

Trong khi các chuyên gia nước ngoài khẳng định không có bằng chứng khoa học về việc virus Zika gây nên tật đầu nhỏ, các nhà nghiên cứu trong nước của Brazil lại củng cố thêm bằng chứng cho giả thuyết nghiêng về vi-rút Zika.

Theo đó, qua các xét nghiệm mẫu mô từ tế bào não bộ của trẻ sơ sinh bị bệnh đều tìm thấy sự xuất hiện của vi-rút Zika.

Đứng trước nguy cơ bị Chính phủ Brazil sa thải và trước thông cáo rõ ràng của WHO, ông Gabbardo vẫn khẳng định lệnh cấm thuốc diệt ấu trùng muỗi sẽ không thay đổi, thậm chí ngay cả khi không có bằng chứng khoa học.

"Chỉ cần có nghi ngờ là chúng tôi đủ ra quyết định đình chỉ sử dụng loại chất hóa học này. Chúng tôi không thể mạo hiểm tính mạng người dân cho một quyết định nào đó được", ông Gabbardi quả quyết.

* Theo CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại