Vợ bị ung thư, chồng không dám gieo mạ
Theo công bố mới của Bộ Y tế mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 bệnh nhân mắc mới và có khoảng 150.000 bệnh nhân chết vì ung thư.
Ung thư ngày càng trở nên đáng sợ bởi rất nhiều người bệnh không thoát “án tử” Điều này đã khiến cho những ai mắc ung thư đều nghĩ rằng họ sắp chết.
Nhiều người đã đầu hàng căn bệnh ung thư do suy sụp tâm lý (Ảnh minh họa)
Câu chuyện của bệnh nhân ung thư Phạm Thị Chuyên trú tại Nam Trực, Nam Định trở thành nỗi ám ảnh và day dứt của nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Bà Chuyên 51 tuổi mắc ung thư phổi giai đoạn sớm.
Với triệu chứng nói khan, khó nói và ho nhiều. Bà được người thân đưa khám ở bệnh viện tỉnh, chụp CT nghi ngờ có khối u ở phế quản nên giới thiệu lên Bệnh viện K trung ương.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán dương tính với tế bào K. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u và xạ trị.
Sau đợt xạ trị lần thứ nhất, bà Chuyên khỏe mạnh, tăng cân, hồng hào. Bà về nhà chờ đợt tới.
Về nhà, năm đó vào mùa đông gia đình chuẩn bị giao mạ trên nền đất cứng để cấy lúa. Mọi năm, sân nhà rộng nên vợ chồng bà Chuyên thường gieo mạ tại nhà, nhưng năm nay bà thấy chồng không cho các con gieo ở nhà mà bắt đi gieo nhờ.
Khi con cái hỏi lý do, ông không nói rõ mà chỉ bảo biết đâu đến lúc cần sân có việc lại phá mạ đi à. Dù không ám chỉ nhưng bà Chuyên ở trong nghe rất rõ và bà thực sự suy sụp. Chính điều ấy, đã khiến bệnh nhân su y kiệt nhanh chóng. Cuối cùng bà cũng tìm đến cái chết.
Nhiều người cho rằng bà chết vì bệnh ung thư. Nhưng khi khâm liệm người ta thấy bà bị sùi bọt mép và trước khi qua đời bà chỉ mệt chứ không đau đớn gì. Chỉ có chồng bà đã nhận ra sai lầm của mình. Có thể bà đã làm liều khi nghe chồng nói với con như thế.
Rất nhiều trường hợp sau khi nghe bác sĩ chẩn đoán ung thư, họ coi ung thư là chết và suy sụp, bỏ về nhà điều trị dẫn đến bệnh nặng.
Bác sĩ Đặng Thế Căn nguyên phó giám đốc bệnh viện K trung ương cho biết có những bệnh nhân ông chứng kiến bệnh ung thư này đã xạ trị, hóa trị phải sống thêm được 4 năm nữa là ít nhưng chỉ vài tháng sau đã nghe tin bệnh nhân qua đời vì suy nghĩ, sức khỏe suy kiệt.
Họ không chết vì ung thư mà chết vì tâm lý.
Đừng bi quan, thù giận
Hàng ngày chứng kiến rất nhiều bệnh nhân bị suy sụp sau khi nghe mình mắc bệnh ung thư, TS Nguyễn Diệu Linh khoa Khám bệnh, Bệnh viện K trung ương chia sẻ tâm lý ung thư là chết hoàn toàn sai lầm. Bởi nhiều loại ung thư có thể chữa khỏi tới 90%.
Nhiều bệnh nhân khi nghe về bệnh ung thư họ mệt mỏi và suy kiệt, thậm chí không ăn uống gì. Điều này càng khiến các tế bào ác tính tấn công mạnh vì tế bào lành không có sức đề kháng.
Vì thế, các bác sĩ đều khuyên bệnh nhân bình tĩnh và lạc quan, người nhà bệnh nhân cũng tương tự.
Với bệnh ung thư có 200 bệnh khác nhau do những nguyên nhân gây bệnh khác nhau, vì vậy tiến trình phát triển bệnh cũng khác nhau.
Nguyên nhân sinh ra ung thư là sự nhân chia của các tế bào một cách mất thăng bằng. Với mỗi bệnh bác sĩ có cách điều trị khác nhau và đặc biệt bệnh nhân cần phải vững tâm lý.
Hiện nay, các yếu tố khác đưa đến sự thành công như thể trạng, tâm lý người bệnh và sự chăm sóc của gia đình cả về tinh thần, dinh dưỡng…
Nhiều người khi mắc ung thư, họ không tin và suy nghĩ rằng có thể do mình bị quả báo, hay tại sao tôi ăn ở hiền lành mà vẫn bị ung thư. Hàng trăm câu hỏi luôn hiện hữu với những người khi nghe bác sĩ chẩn đoán ung thư.
Hầu hết, họ có một tinh thần bi quan, giận dữ, căm thù và cay nghiệt với mọi người, với cuộc sống. Những người như thế sẽ khiến cơ thể luôn bị căng thẳng, yếu đuối.
Nhưng với những người khi nghe bị ung thư, coi đó là một căn bệnh từ tế bào, từ trong cơ thể, chỉ là một ung nhọt họ chiến đấu bình tĩnh, tinh thần lạc quan và sảng khoái sẽ giúp các bệnh nhân ung thư phát huy sức mạnh nội lực giành giật được sự sống.
Theo công bố mới của Bộ Y tế mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 bệnh nhân mắc mới và có khoảng 150.000 bệnh nhân chết vì ung thư.
Ung thư ngày càng trở nên đáng sợ bởi người bệnh không thoát “án tử”; đến giai đoạn cuối thường đau khủng khiếp và dù điều trị sớm hay muộn, họ đều suy kiệt bởi các di chứng và cả hiệu ứng phụ của hoá – xạ trị.