Thịt hàu sống rất giàu chất bổ và kích thích tố, đặc biệt là chứa nhiều kẽm - đây là khoáng tố quan trọng rất cần thiết cho quá trình sản xuất tinh trùng, giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Dược sĩ Lê Kim Phụng cho biết, theo y học cổ truyền, thịt hàu có vị ngọt hơi mặn, tính mát, không độc, tác dụng tráng dương, bổ tinh, tư âm dưỡng huyết, ăn vào trị được chứng mất ngủ do nhiệt, người nóng khô khát, hoa mắt, chóng mặt, phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh, phụ nữ sau sinh thiếu sữa, thiếu máu ăn hàu rất tốt, nam giới có chứng di mộng tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn.
Trong hàu có chứa protein, carbohydrates và 1 lượng nhỏ chất béo đồng thời là nguồn vitamin dồi dào như vitamin A, B1, B2, B3, C, D (giúp chống lại mệt mỏi, tăng khả năng chống viêm của cơ thể và tăng cường quá trình trao đổi chất).
Trong hàu có rất nhiều chất khoáng cần thiết như magiê, canxi, đồng, sắt, kẽm, magan, phốt pho và iốt, kali và natri nên tốt cho toàn cơ thể.
Ngoài ra, hàu có lượng cholesterol thấp, thích hợp cho những người ăn kiêng vì trong 100gr hàu chỉ có khoảng 70 calo.
Tuy nhiên, khi ăn hàu cần chú ý: Không dùng cho người tì vị yếu, khó tiêu hay bị tiêu chảy. Không dùng cho người bị đau dạ dày, viêm ruột.
Do thành phần của mù tạt là tinh dầu ép từ hạt của cây cải bẹ, có vị cay nồng, tính ôn, bản chất mù tạt có tính kích ứng niêm mạc mắt gây chảy nước mắt, gây nóng rát trong vòm họng và kích thích niêm mạc đường mũi.
Vì vậy, nếu dùng nhiều mù tạt ăn với hàu cũng không tốt cho sức khỏe.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện dinh dưỡng quốc gia, cho biết, về cơ sở khoa học, con hàu cũng như các loại hến, sò... đều giàu kẽm, giúp cho chu trình chuyển hóa các chất trong cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe cho cả nam giới cũng như phụ nữ, trẻ em.
Tuy nhiên, đây là loại hải sản hay sống ở các vùng ven biển, cửa biển nên có thể nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, trong đó có sán. Vì thế, khi sử dụng, tốt nhất là nên nấu chín.