Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông John Bolton đã “đe dọa” các đồng minh châu Âu bằng những trừng phạt kinh tế liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran. Động thái sẽ làm xói mòn thêm mối quan hệ giữa các đồng minh 2 bên bờ Đại Tây Dương, vốn đang bị bủa vây trong những đợt sóng lớn.
Mỹ dưới thời Trump muốn một trật tự thế giới mới?
Nhà bình luận Gideon Rachman của Thời báo Tài chính (The Financial Times) cho rằng: “Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là minh chứng mới nhất về “chính sách đơn phương gây hấn” của chính quyền Mỹ hiện nay”.
Nhìn vào bức tranh lớn hiện nay có thể thấy các đồng minh châu Âu của Mỹ không chấp nhận việc nước này từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hay thỏa thuận khí hậu Paris, song các nước không thể làm gì nhiều trong việc thuyết phục Mỹ. Sau tất cả, các nước châu Âu này không chỉ phụ thuộc vào đồng USD mà còn là sự bảo vệ quân sự từ Mỹ?.
“Lập trường của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là gạch bỏ mọi chữ ký còn lại trong bản thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 của Đức, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Tương tự vậy, Tổng thống Trump có thể tiến tới thay đổi vấn đề thương mại hay khí hậu mà không cần tới ủng hộ nhiệt tình từ các đồng minh”, giới chuyên gia nhìn nhận.
Vậy điều đang thay đổi ở đây là gì? “Thông thường, Mỹ dựa vào cái gọi là “trật tự dựa trên luật pháp quốc tế”- bao gồm mạng lưới các bộ luật và quy định mà Mỹ và các đồng minh hình thành từ nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, để các “trật tự dựa trên luật pháp” này hoạt động hiệu quả, Mỹ cần phải thể hiện được rằng, họ chấp nhận những giới hạn mà luật quy định”.
Thực tế là chính quyền của Tổng thống Trump muốn đưa quyền lực vào “trật tự dựa trên luật pháp quốc tế”, theo đó, Mỹ sẽ đặt ra luật lệ và các nước bị buộc phải tuân theo. Đôi khi hành động này của Mỹ cũng phát huy tác dụng, song đây cũng là cơ hội để những kình địch của Mỹ “làm phép thử” với các hành động đơn phương của Mỹ tại châu Âu, châu Á và Trung Đông. Đó là một “công thức” tạo ra một thế giới nguy hiểm hơn.
Đồng minh 70 năm Mỹ-châu Âu lung lay
Cả một chặng đường dài lịch sử đã chứng minh quan hệ đồng minh Mỹ-châu Âu đóng vai trò là một yếu tố trung tâm trong một định hình tiêu chuẩn sống toàn cầu và hòa bình giữa các cường quốc.
Lịch sử cũng chứng kiến những thời điểm “cơm không lành canh chẳng ngọt” giữa Mỹ và các đồng minh. Giới chuyên gia đặt giả thiết nếu châu Âu quyết định “không thể tin tưởng vào Mỹ” và Mỹ cũng giữ thái độ như vậy với các đồng mình, thì những chính sách “nước Mỹ trên hết” hay “cô lập quốc tế” của chính quyền Tổng thống Trump có gây nguy hiểm?
Nhiều chuyên gia đã đưa lời đáp cho câu hỏi này. Trong đó, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Eurasia Group ông Ian Bremmer cho rằng: “Mối quan hệ đồng minh của Mỹ với các nước xấu đi bởi vì chúng ta đang trong một thế giới với nền tảng là giá trị của các mối quan hệ. Mỹ ngày càng thể hiện vai trò định hướng quốc tế, song không phải lúc nào các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng muốn đi theo”.
Giám đốc Hội đồng Đại Tây Dương, đồng thời là cựu Cố vấn Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ Mathew Burrows thì cho rằng, Tổng thống Trump muốn các thỏa thuận song phương hơn là tuân theo các khuôn khổ đa phương, trong khi các đồng minh châu Âu lại không nghĩ vậy.
“Người châu Âu coi việc đảm bảo khuôn khổ đa phương là sứ mệnh của họ, với hy vọng rằng sau thời Tổng thống Trump, Mỹ sẽ quay trở lại ủng hộ các thể chế đa phương. Với các mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không muốn mối quan hệ hợp tác trong khối này bị thu hẹp. Ít nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ là người “kìm hãm” ý định của Tổng thống Trump. Chúng ta đã chứng kiến cuộc tấn công của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria. Đó là hành động của ông Trump và ông Mattis, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thuyết phục được Tổng thống rằng vụ tấn công này tốt hơn phải có sự tham gia của 2 nước đồng minh”, ông Mathew Burrows nói.
Phép thử lớn và cũng là bất đồng mới nảy sinh cho mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương là cảnh báo trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào các doanh nghiệp châu Âu làm ăn với Iran. Phản ứng của Anh, Pháp, Đức là “lấy làm tiếc” trước quyết định của Tổng thống Trump.
Ngay từ khi Mỹ nung nấu ý định “xé bỏ” thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1, các nước đã cảnh báo hậu quả nghiêm trọng. Các đồng minh Anh, Pháp, Đức của Mỹ vẫn nỗ lực đến phút chót để thuyết phục Tổng thống Trump thay đổi ý định từ bỏ thỏa thuận với Iran, dù đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.
Trong trường hợp Liên minh châu Âu kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì những trừng phạt kinh tế liên quan tới Iran hay việc Mỹ áp thuế nhôm thép và giành chiến thắng lớn, thì một cuộc khủng hoảng chưa từng có sẽ nổ ra trong mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương này. Thậm chí, thế giới có thể chứng kiến Tổng thống Trump “bất chấp” cả WTO.
“Tôi cho rằng, điều này nếu xảy ra sẽ mở một cánh cửa lớn cho chủ nghĩa kinh tế dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ tại nhiều nơi trên thế giới”, ông Mathew Burrows nhận định.
Một số ý kiến cũng nhìn nhận rằng, đồng minh Mỹ-châu Âu đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng không có nghĩa là mối quan hệ này sẽ chết.
“Chúng ta phải nhớ rằng, đây là thời kỳ Donald Trump. Vị Tổng thống này đã đi ngược xu thế của Mỹ trước đây. Nhưng, với Tổng thống tương lai của Mỹ, liên minh này sẽ trở lại nồng ấm? Châu Âu có thể tiến thoái lưỡng nan lúc này. Liệu Đức, Pháp có muốn rời khỏi “chiếc ô Mỹ”? Và tôi cho là không”, Giám đốc Điều hành Cliff Kupchan của Eurasia Group nói.
Cũng theo ông Cliff Kupchan, trong trường hợp, ông Trump tái đắc cử. Tình thế sẽ thay đổi. Liệu các đồng minh của mình có thể chịu đựng thêm hoặc đây là lúc “cuộc chơi kết thúc”?./.