Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 84,1 triệu ca mắc và hơn 1,026 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 41.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tưởng niệm trên 1 triệu người tử vong tại nước này do COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân duy trì thận trọng trong bối cảnh đại dịch vẫn đang hoành hành. Tổng thống Biden thừa nhận rằng, tổn thất trên tác động tới các gia đình bị bỏ lại phía sau. Ông kêu gọi cả nước nhanh chóng vượt qua nỗi đau mất mát này, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đề phòng dịch bệnh và làm mọi điều có thể để cứu được càng nhiều sinh mạng càng tốt.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng kêu gọi Quốc hội nước này chi thêm hàng tỷ USD cho hoạt động viện trợ COVID-19 nhằm tiếp tục phòng chống đại dịch trong bối cảnh đang có thêm nhiều biến thể mới xuất hiện. Trước đó, vào ngày 11/5, Mỹ đã ghi nhận "dấu mốc buồn" hơn 1 triệu ca tử vong do COVID-19 sau khoảng 2 năm kể từ thời điểm thông báo trường hợp đầu tiên tử vong vì căn bệnh này. Con số trên còn nhiều hơn dân số của thủ đô Washington D.C.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 13/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,11 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 664.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,66 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 13/5, Brazil báo cáo hơn 25.600 ca mắc mới.
Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo cho biết, số ca tử vong do COVID-19 tại châu lục này đã vượt 2 triệu ca. Theo báo cáo, số ca tử vong do COVID-19 tại châu lục này đã tăng lên 2.003.081 trường hợp, trong khi số ca lây nhiễm trong đại dịch này đã lên tới 218 triệu bệnh nhân, tương đương 42% tổng số người trên toàn thế giới.
Trong báo cáo này, WHO châu Âu nhấn mạnh, mặc dù số ca lây nhiễm mới đang giảm trong khu vực, virus SARS-CoV-2 vẫn là một loại virus gây chết người, đặc biệt với những người chưa được tiêm chủng và dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng.
Thụy Sĩ đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cho trẻ từ 6-11. (Ảnh: AP)
Ngày 13/5, hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) cho biết, công ty quản lý dược phẩm Swissmedic của Thụy Sĩ đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng này để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 6-11. Vaccine được tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 6-11 gồm 2 liều, mỗi liều 50 micro gram (mcg).
Trước đó, nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ, Australia, Việt Nam, cũng đã phê duyệt việc sử dụng vaccine của Moderna để tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.
Bộ Nhập cư và Dân số Myanmar cho biết, nước này sẽ tiếp nhận trở lại các hồ sơ xin cấp thị thực điện tử dành cho khách du lịch bắt đầu từ ngày 15/5 tới, hơn 2 năm sau khi đình chỉ do đại dịch COVID-19. Động thái này diễn ra sau khi Myanmar nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế hôm 17/4 vừa qua và mở cửa trở lại biên giới cho du khách quốc tế.
Trước đó, ngày 1/4, nước này đã tiếp nhận trở lại các hồ sơ xin cấp thị thực điện tử dành cho doanh nhân.
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) vào ngày 13/5 đưa tin, nước này ghi nhận 6 trường hợp tử vong do COVID-19, chỉ một ngày sau khi công bố ca nhiễm đầu tiên do biến thể Omicron và triển khai hệ thống "khẩn cấp cao nhất" để kiểm soát dịch bệnh. Theo KCNA, chỉ riêng trong ngày 12/5, Triều Tiên ghi nhận khoảng 18.000 người có triệu chứng sốt. Tính đến thời điểm hiện tại, có tới hơn 350.000 người có triệu chứng sốt.
Cũng theo KCNA, ngày 12/5, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến thăm cơ quan phòng chống dịch khẩn cấp và kiểm tra năng lực chống dịch bệnh quốc gia.
Tại cuộc họp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra cùng ngày, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ thị ngay lập tức phong tỏa toàn bộ các thành phố và khu vực trên toàn quốc; duy trì ổn định nguồn cung nhu yếu phẩm; hạn chế bất tiện do quy định phong tỏa gây ra với nền kinh tế; sử dụng nguồn y tế dự phòng để nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ngày 13/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đề nghị gửi vaccine ngừa COVID-19 cho Triều Tiên, một ngày sau khi Bình Nhưỡng ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh này. Hàn Quốc sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với phía Triều Tiên về thông tin chi tiết.
Indonesia đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Đây là thông báo mới của ông Muhadjir Effendy, Bộ trưởng Điều phối Văn hóa và Phát triển con người Indonesia. Trong một tuyên bố bằng văn bản, quan chức Indonesia nêu rõ, hiện nay không có dấu hiệu nào cho thấy COVID-19 là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Indonesia. Kết quả khảo sát nội bộ tại 18 bệnh viện ở Jakarta cho thấy, COVID-19 chỉ đứng thứ 14 về số ca tử vong.
Indonesia chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. (Ảnh: AP)
Quan chức Indonesia nhấn mạnh rằng dựa vào một số chỉ số, Indonesia trên thực tế đã chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu COVID-19, nhưng kêu gọi công chúng cần cảnh giác và thận trọng vì nước này vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc và tử vong do COVID-19.
Bộ Y tế Malaysia đã đồng ý phê duyệt có điều kiện đối với sản phẩm thuốc tiêm Evusheld, hỗn hợp kháng thể đơn dòng được tạo thành từ 2 kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài do hãng AstraZeneca AB của Thụy Điển sản xuất.
Bộ Y tế Malaysia cho biết, thuốc được sử dụng cho người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, có cân nặng ít nhất 40 kg. Loại thuốc này cũng dành cho các cá nhân không có đáp ứng miễn dịch đầy đủ với việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc cho những người được khuyến cáo không được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Giới chức Y tế Malaysia nêu rõ, việc sử dụng thuốc tiêm phải dựa trên các hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành và sản phẩm không được sử dụng để thay thế cho tiêm chủng vaccine COVID-19.
Ngày 13/5, Bộ Y tế Malaysia đã cập nhật quy định liên quan đến mũi tiêm vaccine tăng cường thứ hai phòng COVID-19 nhằm ngăn chặn biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong đối với những trường hợp suy giảm miễn dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế Khairy Jamaluddin cho biết, tất cả các trường hợp cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) cũng như thanh thiếu niên có bệnh mãn tính có thể tiêm mũi tăng cường thứ hai sau mũi tăng cường thứ nhất từ 4 - 6 tháng. Các bệnh mãn tính được đề cập trong trường hợp này liên quan đến tim, phổi, thận và gan. Tuy nhiên, những đối tượng khác ngoài nhóm người cao tuổi muốn đăng ký tiêm phải được tư vấn trước của nhân viên y tế. Bộ trưởng Khairy cũng nhấn mạnh, mũi tiêm tăng cường thứ hai không bắt buộc và hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện.
Thủ đô bangkok của Thái Lan đang thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine cho học sinh trước khi các trường học khai giảng năm học mới vào ngày 17/5 tới. Mục tiêu là tất cả học sinh từ 12-17 tuổi phải được tiêm ít nhất 3 liều khi trường học mở cửa., đồng thời kêu gọi phụ huynh có con từ 5-11 tuổi đưa trẻ tới các đơn vị tiêm chủng tại các trường học. Mục tiêu của Thái Lan là có thể tiêm cho ít nhất 60% trẻ từ 5-11 tuổi vào cuối tháng 5 này.
Các chuyên gia Thái Lan khẳng định, tiêm vaccine là cần thiết để giữ an toàn cho trẻ trước virus, giảm nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong do COVID-19.