Ukraine quyết 'đoạn tuyệt' với nước Nga

Thu Hoài |

Tổng thống Ukraine hôm qua công bố một loạt đạo luật gây tranh cãi nhằm xóa bỏ một giai đoạn lịch sử quan trọng khi còn nằm trong Liên bang Xô viết.

Bước đi này một lần nữa khẳng định chính sách hướng Tây của Ukraine, nhưng lại được dự báo sẽ làm sâu sắc hơn những chia rẽ tại quốc gia đang chìm trong khủng hoảng này.

Sau khi được Quốc hội bỏ phiếu thông qua hôm 9/4 và được Tổng thống Poroshenko công bố hôm qua, những đạo luật mới tại Ukraine đã chính thức có hiệu lực và sẽ được áp dụng trên khắp cả nước.

Theo đó, Ukraine sẽ cấm và hình sự hóa việc sử dụng các biểu tượng thời Xô Viết, cấm tuyên truyền và sử dụng các biểu tượng này nơi công cộng như cờ, hình ảnh, hình vẽ trên huy hiệu có hình búa, liềm và ngôi sao 5 cánh…

Cùng với đó, chính phủ Ukraine sẽ đổi tên một loạt thành phố được đặt theo tên các nhà lãnh đạo thời Xô Viết trước đây. Tổng cộng 25 thành phố có thể bị thu hồi tên gắn liền với quá trình lịch sử.

Theo ước tính của các nhà khoa học chính trị, luật mới sẽ ảnh hưởng tới ít nhất là 2 triệu người ở khắp 250 thành phố, thị trấn, làng mạc của Ukraine.

Sau kế hoạch xây dựng các công trình rào chắn tại biên giới với Nga, cũng như tại các khu vực lân cận vùng chiến sự ở vùng Donbass và bán đảo Crimea, động thái mới này của Ukraine được xem là một bước đi mạnh mẽ của chính phủ Ukraine nhằm “tuyệt giao với nước Nga” và củng cố các chính sách hướng Tây.

Điều này cũng được Tổng thống Poroshenko khẳng định lại tại cuộc gặp ngày hôm qua với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đang có chuyến thăm Ukraine: “Đối với chúng tôi, các mối quan hệ với Mỹ là có ý nghĩa sống còn.

Và tôi cũng một lần nữa khẳng định rằng, chúng tôi vẫn đang thực thi nghiêm ngặt thỏa thuận Minsk.”

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, các lệnh ngừng bắn khó khăn lắm mới đạt được lại liên tục bị phá vỡ, quyết định này có thể sẽ làm gia tăng hơn nữa căng thẳng hiện nay giữa các bên liên quan.

Chính phủ Nga đã nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch của chính phủ Ukraine và cho rằng, nước này đang thực hiện ý đồ viết lại lịch sử, tuyên chiến với chính quá khứ của mình bằng cách "biến những tòng phạm của Hitler thành anh hùng".

Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Đức Merkel, một trong những quốc gia tích cực trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine cũng lên tiếng yêu cầu các bên liên quan tránh những bước đi có thể làm gia tăng hơn nữa căng thẳng tại khu vực, trong bối cảnh các lệnh ngừng bắn liên tục bị vi phạm.

“Chúng ta vẫn chưa đạt được những gì mong muốn sau thỏa thuận hòa bình Minsk hồi tháng 2 vừa qua.

Chúng ta vẫn chưa có một lệnh ngừng bắn toàn diện và vì thế cần tiếp tục thúc đẩy các cuộc gặp 4 bên như tại Normandi hồi năm ngoái. Dù khó khăn song Ukraine cần được hỗ trợ để khôi phục kinh tế và hòa bình.”

Theo các nhà phân tích, lệnh cấm các biểu tượng Xô Viết sẽ không làm Ukraine tiến gần hơn tới phương Tây, mà thậm chí còn làm trầm trọng thêm những vấn đề về kinh tế và khác biệt chính trị vốn đã sâu sắc trong lòng quốc gia này.

>> Hoàn Cầu: "Mỹ định mạo hiểm thì TQ cũng không ngại khoe sức mạnh"

>> Nguyên soái Liên Xô "rởm" tại duyệt binh Ngày Chiến thắng là ai

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại