Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng trích lời ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI), “trong dài hạn, đảng đang phải chịu áp lực rất lớn về việc giám sát và tự làm sạch chính mình”.
Để chứng minh cho nhận định của mình, ông Vương đã lấy câu chuyện về một bác sĩ phẫu thuật ở Nga tự cắt bỏ ruột thừa, làm ví dụ cho sự “tự đổi mới” và “tự thanh lọc” mà ông Tập Cận Bình đã đề ra.
Lời thừa nhận của một trong 7 người nắm quyền lãnh đạo tối cao của TQ được đưa ra sau khi ông Tập khẳng định trong hội nghị của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương về kiểm tra kỷ luật hồi tháng 1, rằng đảng đang tự thanh lọc và tự cải cách rất tốt.
Theo ông Tập, chắc chắn đảng đủ can đảm đối mặt với các vấn đề và sửa chữa những sai lầm, điều đó thể hiện rõ qua việc cựu Bộ trưởng An ninh và Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang bị thanh trừng.
Zhuang Deshui, một chuyên gia chống tham nhũng tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng những nhận định của ông Vương thể hiện Bắc Kinh đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu.
Theo chuyên gia Zhuang, “các nhà chức trách ban đầu có thể nghĩ rằng “đả hổ đập ruồi” sẽ có tác dụng răn đe.
Nhưng khi số lượng các trường hợp tham nhũng và cấp bậc của quan chức bị thanh trừng ngày càng tăng lên, chắc chắn các nhóm lợi ích và các quan chức cao cấp, kể cả những người có chức vụ cao hơn ông Chu Vĩnh Khang, cũng có thể có liên quan”.
Trong cuộc gặp với Tatsuhito Tokuchi, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư chứng khoán Citic và hai học giả đến từ Đại học Stanford, ông Vương cũng bác bỏ ý tưởng về chuyện độc lập của ngành tư pháp.
Theo ông Vương, quyền thực thi pháp luật phải nằm dưới sự lãnh đạo của đảng vì mọi động thái cải cách sẽ có tác động lớn đến 1,3 tỉ người TQ.
Ngay khi vừa lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập đã phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi”, khai trừ hàng loạt các quan chức nhà nước từ cao cấp đến địa phương.
Trong cuộc gặp gần đây nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý hợp tác với ông Tập để chống tham nhũng. TQ có ký hiệp ước dẫn độ tội phạm với 41 quốc gia trên thế giới nhưng chủ yếu là ở châu Á.
Các quan chức TQ bị cáo buộc tham nhũng thường trốn sang Mỹ, Canada và Úc khiến cho việc đưa các quan chức này về nước chịu tội là việc khá khó khăn.
>> Trung Quốc lại hứng "tên bay đạn lạc" từ Myanmar
>> "Vụ xử bắn Bộ trưởng QP chứng minh Kim Jong Un kém tự tin"