Nhiều "bẫy" trong thỏa thuận Minsk
Kết thúc cuộc đàm phán 4 bên giữa lãnh đạo Nga, Đức, Pháp, Ukraine hôm 12/2, một thỏa thuận được ký kết cho thấy quân đội Kiev và phe ly khai miền Đông sẽ ngừng bắn từ 14/2 (giờ địa phương).
Tuy vậy, hai bên vẫn "tận dụng" 2 ngày trước thời điểm chính thức áp dụng thỏa thuận Minsk để tiếp tục giao tranh.
Theo The Moscow Times, lực lượng ly khai đã tấn công tổng lực vào Debaltseve nhằm buộc các binh sĩ Ukraine bị vây tại thị trấn này phải buông súng đầu hàng.
Và để trả đũa, Kiev cũng tiến hành pháo kích các khu vực dân cư ở Donetsk và Luhansk, thuộc miền Đông Ukraine.
Phần lớn các nhà quan sát dự đoán rằng "sự bình tĩnh tạm thời" của 2 bên kể từ hôm Chủ nhật (15/2) sẽ không mở đầu một giai đoạn hòa bình lâu dài hơn.
The Moscow Times cho hay, thỏa thuận Minsk có quá nhiều "bẫy mìn" để có thể hy vọng nó sẽ thành công.
Việc thực hiện lộ trình thỏa thuận này chủ yếu phụ thuộc vào hành động kịp thời của Quốc hội Ukraine, nhưng quốc hội nước này lại "trong tình trạng hỗn loạn do sự đối đầu của các phe đối lập", những người đã làm thất bại các thỏa thuận trước đó.
The Moscow Times cũng nhận định, có quá nhiều "yếu tố bất ổn" liên quan tới việc giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine.
Kiev vẫn từ chối liên hệ với các đại diện của CHND Luhansk và Donetsk tự xưng, và gọi lực lượng ly khai là "khủng bố", trong khi sự thành công của bất kỳ cuộc bầu cử nào, cũng như phục hồi dịch vụ xã hội ở Donbass lại phụ thuộc vào các cuộc tiếp xúc như vậy.
Bên cạnh đó, thỏa thuận Minsk cũng quy định Kiev buộc phải đạt được một số điều kiện nhất định, trước khi họ có thể lấy lại quyền kiểm soát 400km lãnh thổ gần biên giới Nga - Ukraine, khu vực mà Kiev gọi là "cửa sổ chiến tranh", vào cuối năm 2015.
Việc duy trì thỏa thuận ngừng bắn cũng gặp phải khó khăn, khi cuộc xung đột không chỉ diễn ra giữa 2 quân đội chính quy, mà còn liên quan tới các lực lượng dân quân, kể cả ở phía quân chính phủ Ukraine.
The Moscow Times bình luận, với những "cái bẫy" trong thỏa thuận Minsk, thỏa thuận này "nếu may mắn sẽ duy trì được tới mùa hè".
Khi ấy, đường sá sẽ khô ráo và các bên có thể bổ sung lực lượng để trở lại cuộc giao tranh. Trong tình huống tồi tệ hơn, 2 phe có thể phá vỡ thỏa thuận sớm, khi mà không có lực lượng gìn giữ hòa bình hiện diện để giám sát việc thực hiện thỏa thuận.
Điểm cốt lõi tạo nên khác biệt giữa thỏa thuận Minsk hôm 12/2 và thỏa thuận tháng 9/2014 là việc Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tạo áp lực buộc Tổng thống Poroshenko "thực hiện từng điều khoản trong thỏa thuận".
Nhưng điều này cũng phần nào cho thấy châu Âu đang dần ngao ngán với Ukraine, và sự chán nản đó có gia tăng hay không, còn phụ thuộc vào việc Ukraine hiệu quả sử dụng gói hỗ trợ 17 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).
Tính đến nay, Kiev đã không làm gì để khôi phục nền kinh tế "đang hôn mê của mình" - The Moscow Times cho biết.
Với việc Tổng thống Mỹ Obama chỉ "ngồi im chờ tình hình", liệu thỏa thuận Minsk có kéo dài được lâu?
Không đi đến đâu nếu thiếu Mỹ?
The Moscow Times nói thêm, một "quả mìn" với nguy cơ tiềm ẩn lớn hơn cả các yếu tố trên, là việc Mỹ đã không hề tham dự trực tiếp vào cuộc đàm phán tại Minsk.
Và nếu không có sự tham gia "tích cực và hiệu quả" của Washington, việc đạt được một Hiệp định hòa bình đối với Ukraine là điều bất khả thi.
Điều này không chỉ bởi ông Poroshenko luôn "tham khảo" Mỹ trong mọi bước đi của mình, hay việc gói hỗ trợ của IMF không thể được duyệt mà không qua Mỹ, mà bởi thực tế rằng Washington đang tiếp tục coi Ukraine là một sân khấu để chống lại Tổng thống Nga Putin.
Mỹ dường như luôn tin rằng ông Putin là người "muốn thay đổi luật chơi về trật tự thế giới" và "tạo ra nguy cơ tiền lệ".
Quan hệ Nga - Mỹ đã trở nên tồi tệ tới mức "không bên nào muốn bắt tay đối phương" hay bàn bạc về bất cứ vấn đề gì - bao gồm các mâu thuẫn chính trị, quân sự rõ rệt, chưa kể sự "nghèo nàn" trong hợp tác kinh tế.
Cũng theo The Moscow Times, "với tính cách thận trọng và thiếu quyết đoán", Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ không tìm kiếm rắc rối trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của mình, dù nhiều người khác ở Washington đang "sốt sắng nhảy vào cuộc chơi".
Trong lúc này, Mỹ vẫn sẽ chỉ ngồi đợi và "góp ý" cho châu Âu - những người đang lo ngại và nghi ngờ "sự đúng đắn của việc cung cấp vũ khí phương Tây cho Ukraine".
Tuy nhiên, Mỹ càng ít can thiệp và tham dự vào lộ trình thực hiện thỏa thuận Minsk, thì càng ít có khả năng hòa bình được duy trì, bởi không có gì đảm bảo được Kiev sẽ tuân thủ các điều khoản của họ.