Ukraine: 13 điểm nổi bật nhất trong thỏa thuận Minsk

Hôm 12/2, tại Minsk, hy vọng mong manh về nền hòa bình tại miền đông Ukraine đã hé lộ khi giới lãnh đạo Đức, Pháp, Nga và Ukraine cùng ký kết một thỏa thuận ngừng bắn mới với 13 nội dung quan trọng.

Ngoài các nhà lãnh đạo trên, thỏa thuận này còn có chữ ký của tổ chức mang tên “Nhóm liên lạc Ukraine” bao gồm giới quan chức tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, đại diện tổ chức Hợp tác An ninh châu Âu (OSCE) Heidi Tagliavini, cựu Tổng thống Ukraine Viktor Kuchma và đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov.

Nội dung chủ đạo trong thỏa thuận trên là việc các bên tham chiến tại miền đông Ukraine sẽ bắt đầu thi hành thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 15/2 tới, đồng thời mở rộng vùng đệm giữa hai chiến tuyến và rút lui các loại vũ khí hạng nặng.

Ngoài ra, thỏa thuận này còn xây dựng lộ trình thiết lập quyền tự trị tại các khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai tại miền đông Ukraine.

Dưới đây là 13 nội dung chính nằm trong bản thỏa thuận được ký kết hôm 12/2:

1. Các bên tham chiến ngay lập tức thi hành thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Donetsk và Lugansk từ ngày 15/2.

2. Từ ngày 17/2, cả quân đội Kiev và phe ly khai tại miền đông Ukraine bắt đầu rút lui toàn bộ vũ khí hạng nặng để tăng diện tích vùng đệm giữa hai chiến tuyến.

Theo đó, OSCE sẽ giám sát và kiểm soát vùng an toàn có diện tích từ 50 – 150 km đối với từng loại vũ khí dựa theo tầm bắn của chúng. Hoạt động rút lui vũ khí phải được hoàn thành vào ngày 1/3 tới.

3. Hàng ngày, OSCE sẽ sử dụng máy bay không người lái và nhân viên giám sát mặt đất để đảm bảo các bên tham chiến thực hiện thỏa thuận ngừng bắn và rút lui vũ khí hạng nặng.

Máy bay không người lái của tổ chức OSCE.

4. Trong ngày đầu tiên sau khi các bên rút lui vũ khí hạng nặng, các cuộc đối thoại về việc tổ chức bầu cử cấp địa phương ở Lugansk and Donetsk cũng như tương lai của “chính quyền” tại những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai, sẽ được tiến hành.

Chính phủ Ukraine sẽ có 30 ngày để thông qua sắc lệnh quyết định quyền tự trị của hai khu vực trên. Ngoài ra, những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai có quyền lựa chọn ngôn ngữ cho mình.

5. Chính quyền Kiev công bố luật ân xá cho tù binh của phe ly khai.

6. Hoạt động trao đổi tù binh giữa quân chính phủ Kiev và phe ly khai miền đông Ukraine phải được hoàn thành sau 5 ngày hoàn tất chương trình rút toàn bộ vũ khí hạng nặng tại vùng chiến sự.

7. Đảm bảo công tác cứu trợ nhân đạo có thể tiếp cận tới mọi khu vực bị ảnh hưởng từ chiến sự. Và một nhóm công tác quốc tế sẽ đảm nhận giám sát hoạt động này.

Các đoàn xe cứu trợ nhân đạo sẽ tới mọi khu vực bị ảnh hưởng từ chiến sự tại miền đông Ukraine.

8. Các bên tham chiến cần phối hợp hành động để khôi phục hoạt động xã hội và kinh tế bao gồm việc chi trả lương hưu và đóng thuế. Chính phủ Ukraine phải khôi phục hệ thống ngân hàng tại vùng quân sự.

9. Sau khi các cuộc bầu cử cấp địa phương được tổ chức tại Donetsk và Lugansk, Kiev sẽ có quyền kiểm soát những khu vực biên giới giáp Nga.

Tuy nhiên, quá trình chuyển giao quyền lực sẽ cần thời gian và cần một cuộc cải cách sâu rộng trên toàn lãnh thổ Ukraine.

10. Toàn bộ lính nước ngoài, vũ khí hạng nặng và lính đánh thuê phải rút khỏi Ukraine. Các nhóm vũ trang phi pháp sẽ bị tước vũ khí. Tuy nhiên, chính quyền tại Donetsk và Lugansk vẫn được phép có đội quân vũ trang cho riêng mình.

11. Một bản hiến pháp mới của Ukraine cần nhận được sự đồng thuận của đại diện Donetsk và Lugansk, sẽ có hiệu lực thi hành vào cuối năm 2015, nhằm thiết lập tình trạng phân quyền.

Việc thông qua bản pháp chế công nhận quyền tự trị của phe ly khai cũng sẽ được công bố vào cuối năm 2015.

12. Các cuộc bầu cử cấp đại phương sẽ được tổ chức tại những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai và do OSCE  giám sát. Tuy nhiên, thời gian tổ chức bầu cử vẫn chưa được ấn định.

13. Các cuộc thảo luận của “nhóm liên lạc” sẽ được tăng cường tổ chức theo nhiều cách khác nhau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại