Tuy nhiên, Nga và Iran, hai quốc gia có vai trò then chốt trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng lại không có mặt.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh, vai trò của Pháp trong hồ sơ Syria đang dần trở nên mờ nhạt, dù trước đó Pháp cùng với Mỹ được xem là một trong những quốc gia có vai trò hàng đầu và ít nhiều để lại “dấu ấn” trong vấn đề Syria.
Minh chứng rõ nhất là việc Pháp bị gạt sang bền lề trong cuộc họp 4 bên gồm Nga, Mỹ, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra hồi tuần trước tại thành phố Viena, Áo nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.
Không chỉ Pháp mà hầu hết các cường quốc châu Âu khác cũng không có mặt tại sự kiện quan trọng này. Chính vì thế, việc Pháp đăng cai tổ chức một cuộc gặp về Syria được xem là dịp để nước này tìm lại tiếng nói tại quốc gia Trung Đông.
Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, ông muốn nhóm họp một số người đồng cấp các nước phương Tây và Arab nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria, đặc biệt là “các nước bạn bè” như Đức, Anh, Mỹ, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp cũng cho biết, cuộc gặp có thể không có sự tham gia của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, song nhấn mạnh sẽ làm việc với phía Nga trong các cuộc gặp khác. Iran, một đồng minh của Nga và Chính phủ Syria cũng không có mặt.
Ý định tổ chức cuộc họp được Pháp đưa ra cùng ngày diễn ra cuộc họp Ngoại trưởng 4 nước Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia tại Vienna.
Ngoại trưởng Pháp Fabius cho biết: “Nếu bây giờ chúng ta chỉ yêu cầu ông Assad xin lỗi cả thế giới, chúng ta sẽ không thể đi tới một giải pháp. Vì thế, ngoại giao sẽ phát huy được vai trò, song chỉ khi các giải pháp chính trị có thể dẫn tới một triển vọng khác, một thực tế khác.”
Nhìn vào thành phần tham dự có thể thấy, Pháp đang tìm cách lấy lại ảnh hưởng, trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin đã trở thành một tác nhân quan trọng trong cuộc khủng hoảng đã bị quốc tế hóa như Syria và sự can thiệp quân sự của Nga đã thay đổi cán cân sức mạnh trên thực địa.
Còn nhớ, năm 2013, Pháp khi đó được coi là quốc gia tuyến đầu khi mạnh mẽ yêu cầu một cuộc can thiệp vào Syria, với lý do chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.
Có thể nói đây cũng chính là thời điểm Pháp bắt đầu mất dần sự ảnh hưởng, khiến Tổng thống Hollande vấp phải nhiều chỉ trích và mất đi vị thế trong hồ sơ này so với các cường quốc khác.
Hồi đầu tháng 10, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pouchkvo đã có phát biểu ngầm ám chỉ Pháp đã nằm ngoài cuộc chơi.
Một điều dễ nhận thấy là ưu tiên hàng đầu hiện nay của quốc tế dường như là dành cho việc vô hiệu hóa mối đe dọa thánh chiến mà đại diện là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng, tạm gác những tranh cãi liên quan tới chính quyền Syria.
Chính phủ Mỹ đã nhún nhường hơn khi coi vấn đề liên quan tới Tổng thống al-Assad là có thể thương lượng được, trong khi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng không còn phản đối sự tham gia của ông Assad trong tiến trình chính trị tại Syria nữa.
Tuy nhiên, hiện chỉ có Pháp vẫn tỏ ra cứng rắn. Sau khi bác bỏ chiến lược của Mỹ và một số nước Arab tăng cường cho phe đối lập ôn hòa tại Syria, Pháp cũng không hề cho thấy sự dứt khoát trong mục tiêu của mình là ông Assad hay nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Giữa tháng 9 vừa qua, cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã kêu gọi chính phủ xem xét lại chính sách ngoại giao về Syria, cân nhắc đối thoại với Nga và Iran.
Theo các nhà phân tích, Pháp là nước duy nhất trên thế giới vẫn còn tin rằng vừa có thể chống lại nhóm nhóm Nhà nước Hồi giáo lại vừa có thể lật đổ được chế độ chính quyền Assad.
Đây cũng là điều khiến nước này bị mất vai trò trong hồ sơ Syria và cuộc họp ngày hôm nay là dịp để Pháp quay lại./.