Theo báo trên, quần đảo Trường Sa gồm khoảng 150 đảo nhỏ, đảo san hô và rạn đá ngầm, trong đó phần đất nổi chỉ chiếm khoảng 5 km2.
Bài báo viết rằng mặc dù đây là khu vực có tranh chấp với một số nước khác trong khu vực, nhưng Bắc Kinh vẫn ngang ngược khẳng định Trung Quốc có "căn cứ lịch sử" và chủ quyền lãnh thổ đối với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông, bao gồm cả những vùng duyên hải của các nước khác, trong khi đây là tuyến hàng hải quan trọng mang tính chiến lược, là nơi vận chuyển qua lại khoảng 1/3 lượng dầu thô được giao dịch trên thế giới.
Báo Đức nhận định, Trung Quốc thực hiện tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ngày càng hung hăng hơn. Cụ thể, tại một trong số các bãi đá đã được bồi đắp trái phép thành "đảo nhân tạo", Chính phủ Trung Quốc thậm chí đã cho xây dựng đường băng thứ ba.
Trong tháng qua, Bắc Kinh còn tuyên bố không cho phép "bất kỳ nước nào" xâm phạm vùng lãnh hải của Trung Quốc cũng như vùng không phận trên quần đảo Trường Sa.
Những động thái của Trung Quốc đã khiến Mỹ lo ngại. Hồi tháng 5 vừa qua, Washington đã cảnh báo Trung Quốc nên kiềm chế. Tuy nhiên, Mỹ ngày càng tỏ ra quan ngại về cách Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Mỹ đã có phản ứng với một sứ mệnh bất thường, đó là việc triển khai tàu khu trục USS Lassen tới khu vực 12 hải lý quanh các "đảo nhân tạo" mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông ngày 27/10.
Theo một đại diện quân sự Mỹ, đây là hoạt động thường kỳ, phù hợp với luật pháp quốc tế và trong những tuần tới, Mỹ sẽ tiếp tục có những chuyến tuần tiễu như vậy.
Báo Đức dẫn nguồn tin từ hãng CNN cho biết chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ thị tiến hành sứ mệnh tuần tra này ở Biển Đông.