Biển Đông: Đánh lừa dư luận, TQ mượn chuyện Liên Xô để "đe" Mỹ

Hải Võ |

Sau khi tàu khu trục USS Lassen của Mỹ tiến hành tuần tra ở biển Đông ngày hôm nay, Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã đe dọa sẵn sàng "chuẩn bị cho tình huống xấu nhất" với Mỹ.

Tối 26/10 (giờ miền Đông), tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Mỹ tiến vào tuần tra khu vực 12 hải lý ở Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) bị Trung Quốc chiếm trái phép.

Thời báo Hoàn Cầu ngay sau đó đã đăng tải bài xã luận tỏ thái độ phản ứng, trong đó đề cập đến câu chuyện chiến hạm Mỹ đụng độ Hải quân Liên Xô năm 1988.

Tàu Liên Xô đẩy lùi tàu Mỹ

Hoàn Cầu cho hay, vụ chạm trán này xảy ra vào ngày 12/2/1988, khi tàu khu trục USS Caron và tàu tuần dương USS Yorktown của Mỹ cố tình tiếp cận căn cứ Sevastopol của Hạm đội Hắc Hải thuộc Hải quân Liên Xô.

Các tàu của Mỹ đã xâm nhập vùng biển ngoài khơi bán đảo Crimea mà Liên Xô tuyên bố chủ quyền vào thời điểm đó, với mục đích "kiểm tra năng lực phản ứng của Liên Xô".

Liên Xô đã phản ứng nhanh chóng bằng cách điều 2 tàu hộ vệ là Bezzavetny và SKR-6 để ngăn chặn, cảnh cáo rằng các tàu Mỹ "đã vượt biên" và yêu cầu lập tức rút lui.

Tuy nhiên, 2 chiến hạm Mỹ đã phớt lờ cảnh báo này và tiếp tục tiến về phía bán đảo Crimea.

Trong tình huống cảnh cáo vô hiệu, tàu Liên Xô đã quyết định áp sát tàu Mỹ. Liên Xô bất ngờ phát đi tín hiệu gửi tới phía Mỹ: "Tàu chúng tôi nhận lệnh đâm vào tàu các vị".

Tàu Bezzavetnyy được giao nhiệm vụ tiếp cận tàu tuần dương Yorktown, trong khi tàu SKR-86 tiếp cận tàu khu trục Caron.

Hai tàu của Liên Xô lần lượt đâm mạnh vào hai tàu chiến Mỹ. Tàu Bezzavetnyy thậm chí đã leo lên boong chiếc USS Yorktown trong vài giây, gây cháy bên trong tàu và khiến nó bị hư hại nặng.

Trong khi đó, tàu Caron của Mỹ cũng bị tàu SKR-86 "dạy một bài học" dù thiệt hại ít hơn tàu USS Yorktown.

Liên Xô không cần đến một cuộc tấn công thứ hai bởi các tàu Mỹ đã rời lãnh hải Liên Xô và rời Biển Đen ngay ngày tiếp theo.


Vụ đụng độ giữa tàu chiến Liên Xô và Mỹ ngày 12/2/1988

Vụ đụng độ giữa tàu chiến Liên Xô và Mỹ ngày 12/2/1988

Trung Quốc mượn chuyện Liên Xô để dọa Mỹ?

Trong bài viết sáng nay, Hoàn Cầu cho biết nếu tàu chiến nước ngoài tiếp cận khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (phi pháp-PV), nước này sẽ bố trí thế trận tàu chiến để sẵn sàng đối phó.

Với các trường hợp tàu chiến Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra biển Đông trong tương lai, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì phương pháp đeo bám "1 kèm 1" nhằm hạn chế tàu Mỹ di chuyển ở khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép.

Tuy nhiên, Hoàn Cầu lớn giọng tuyên bố "trong trường hợp xấu", tàu Trung Quốc có thể "học tập tiền lệ của Liên Xô" và áp sát, thậm chí sẵn sàng đâm va với chiến hạm Mỹ để ép tàu Mỹ ra khỏi khu vực 12 hải lý.

Tờ này cũng cho biết, quân đội Trung Quốc nên cảnh giác Mỹ "dương đông kích tây", tiến vào cả các đảo đá khác trong khi tuyên bố "đích danh" sẽ tiếp cận Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi.

Dù kêu gọi "hùng hồn" rằng Trung Quốc có thể học tập Liên Xô để gìn giữ chủ quyền lãnh thổ, nhưng Hoàn Cầu dường như "quên" rằng cái gọi là chủ quyền mà Bắc Kinh nhiều lần nói tới trên thực tế là những đảo, đá bị nước này xâm chiếm phi pháp ở biển Đông.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại 5 nước
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường
Nếu [Mỹ] không hành động bây giờ, sẽ quá muộn. Trung Quốc sẽ quân sự hóa 7 đảo Trường Sa, từ đây khống chế các con đường biển qua biển Đông, tạo sức ép lên các nước sử dụng con đường biển này trong thời bình và ngăn chặn khi có xung đột - điều này là chắc chắn tới 101%.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby cũng khẳng định: "Bạn không cần phải tham vấn bất cứ quốc gia nào khi thực hiện quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế."

Ngoài ra, một thực tế không thể phủ nhận là không chỉ Mỹ mà không một quốc gia trong khu vực nào thừa nhận tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở biển Đông.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 15/10 cũng chỉ rõ: "Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này.

Những đóng góp đó phải trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhằm tiến tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)."

Trong một diễn biến khác, Philippines đã hoan nghênh việc Mỹ đưa tàu USS Lassen tới vùng biển mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, đồng thời kêu gọi "Cộng đồng quốc tế cần phải ủng hộ việc duy trì tự do hàng không và hàng hải".

NGUYÊN GIÁO SƯ Học Viện QUỐC PHÒNG australia
Carlyle Alan Thayer
Đây [điều tàu USS Lassen tiếp cận khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi] chỉ mới là sự bắt đầu trong những kế hoạch tuần tra của Mỹ. Tôi tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu đến gần những khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại