Trong thời gian qua, tình hình địa chính trị xoay quanh các diễn biến tại thành phố chiến lược Aleppo đang nhận được rất nhiều sự chú ý.
Nhưng trong khi các nhà quan sát tập trung phân tích ý đồ đằng sau từng hành động và phát ngôn của các ông lớn như Nga và Mỹ, thì theo ông Itani, chính những diễn biến mang tính địa phương mới thực sự mang nhiều ý nghĩa tầm quốc tế.
Như chúng tôi đã đưa tin, tuần trước, một liên minh các lực lượng nổi dậy đã được thiết lập tại Aleppo, với tên gọi Jaysh Halab (Quân đoàn Aleppo), kết nối 9 lực lượng vũ trang chống lại sự bao vây của quân chính phủ Syria cũng như binh đoàn người Kurd.
Đọc thêm: >> Quyết phá vòng vây Nga/Assad tại Aleppo, nội bộ phe nổi dậy đã có thay đổi đáng chú ý
Chuyên gia Itani nhận định, việc thành lập Jaysh Halab lúc này đã nhấn mạnh khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia trong nỗ lực cứu vãn những nhóm nổi dậy do họ "nuôi nấng" suốt mấy năm nay.
Đáng chú ý, nhân vật được bầu ra để lãnh đạo Jaysh Halab chính là Hashem al-Sheikh, người trước kia từng cầm đầu Ahrar ash-Sham, một tổ chức cực đoan theo dòng Salafi, và là một trong những đồng minh nổi dậy quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ahrar ash-Sham là một đồng minh nổi dậy quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Theo chuyên gia Itani, Jaysh Halab nhiều khả năng chính là "tác phẩm" của chính phủ Ankara, với sự ủng hộ về tài chính của Saudi Arabia. Trong khi đó, Mỹ nhiều khả năng không có liên quan gì đến liên minh mới này.
Hiện nay, những bước tiến của quân chính phủ Assad và lực lượng người Kurd tại Aleppo đang đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích quốc gia của Thổ và Saudi. Và khi không thấy động tĩnh gì từ "người anh cả" Mỹ, hai nước này đã phải tự lực cánh sinh.
Tuy vậy, rõ ràng Ankara và Riyadh không muốn làm phật ý Washington, nên dù rất muốn, họ cũng không cung cấp vũ khí chống không như MANPADS cho phe nổi dậy.
Mục đích thực sự của Jaysh Halab
Thú vị là ở chỗ, theo các nguồn tin chiến trường, chiến dịch đầu tiên của Jaysh Halab không nhắm vào quân chính phủ, mà đối tượng lại là Jaysh al-Thuwar, một đồng minh thân cận của lực lượng người Kurd YPG.
Việc có qua lại với YPG đã biến Jaysh al-Thuwar trở thành kẻ địch của phe nổi dậy cũng như Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời gian qua, nhờ không quân Nga mở đường, YPG đã tận dụng thời cơ để chiếm lãnh thổ cũng như cắt đứt nhiều đường viện trợ quan trọng của phe nổi dậy tại Aleppo.
Thêm vào đó, YPG cũng sẽ sớm giành được quyền kiểm soát hàng trăm kilomet lãnh thổ dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hiện hiện ngày một gia tăng của YPG tại Aleppo đã biến lực lượng này trở thành cái gai trong mắt của cả Jaysh Halab lẫn Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, tầm ảnh hưởng của Saudi Arabia đối với Jaysh Halab thì khó đánh giá hơn. Chỉ biết rằng chính phủ Riyadh từ trước đến nay đã nhiều lần tìm cách, nhưng đều thất bại, trong việc hỗ trợ quân nổi dậy nhằm ngăn chặn Iran mở rộng ảnh hưởng tại Syria.
Mới đây, thậm chí Saudi Arabia còn tuyên bố sẵn sàng đem quân bộ sang Syria, trong một động thái nhằm vận động Mỹ hành động, nhưng không có kết quả, bởi Mỹ gần như đã từ bỏ hoàn toàn ý đồ điều bộ binh tới "vũng lầy" Trung Đông.
Các phương án rủi ro thấp đều đã thử hết, còn những giải pháp rủi ro cao thì không dám tính đến, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đang ở thế bí. Ankara không thể chịu được cảnh YPG áp sát biên giới, còn Riyadh đương nhiên không muốn thua Iran ở Syria.
Rốt cục, hai nước đã đi đến giải pháp thay đổi cơ cấu các lực lượng nổi dậy, và lập ra các liên minh quân sự mới tại Syria, với hi vọng thay đổi tình thế. Điều này không phải sẽ không đem lại hiệu quả.
Trước đây, chính nhờ sự "điều binh khiển tướng" của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia mà các lực lượng nổi dậy Syria, vốn luôn tự bắn vào chân mình do bất đồng, mới có thể đạt được những bước tiến đáng kể về mặt lãnh thổ đáng kể trong năm 2015.
Nhờ Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi "chống lưng", phe nổi dậy đã chiếm được rất nhiều lãnh thổ từ tay chính phủ trong năm 2015. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, theo chuyên gia Itani, ở nơi nào khác thì được, nhưng để lật ngược tình thế hiện nay tại Aleppo sẽ cần nhiều hơn yếu tố đoàn kết. Quân nổi dậy tại đây cần một thế lực bên ngoài can thiệp, như những gì Nga đã làm với Assad.
Song, ông Itani nhấn mạnh, cuộc chiến ở Syria không nhất thiết phải gọi gọn trong lãnh thổ Syria.
Các lợi ích quốc gia của Iran vẫn tương đối "mỏng manh dễ vỡ", đặc biệt là ở Iraq hay Lebanon. Chính Nga cũng đang gặp khó khăn tại các khu tự trị trên lãnh thổ nước này, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có thể tận dụng để kích động bạo lực.
Những chiến lược này đương nhiên mang theo nhiều rủi ro, nhưng cái lợi thu được là không nhỏ. Với Ankara và Riyadh lúc này, mở rộng cuộc chiến ủy nhiệm sang các vùng lãnh thổ khác xem ra hợp lý hơn dấn thân vào một cuộc chiến tranh tổng lực tại Syria.
Và rõ ràng làm một cái gì đó vẫn hơn là ngồi không, chấp nhận Aleppo, hay thậm chí cả phía bắc Syria, rơi vào tay quân chính phủ Assad và YPG. Điều này sẽ là một thất bại thảm hại về địa chính trị đối với Saudi Arabia, và là một ác mộng kinh hoàng cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu vậy, việc thành lập Jaysh Halab có thể chỉ là một thử nghiệm tại Syria, như một "khúc dạo đầu" mở màn cho những toan tính sâu xa hơn rất nhiều bên ngoài lãnh thổ quốc gia Trung Đông này.