Cách thức nào giúp Nga thoát khỏi khó khăn về kinh tế hiện nay?

Cách thức phù hợp nhất với nước Nga lúc này là làm theo Tây Ban Nha trước đây: xây dựng cơ chế quản lý hành chính tin cậy, hệ thống pháp luật bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.

"Báo Độc lập" Nga tuần qua đăng ý kiến của một chuyên gia phân tích tài chính của Nga với nhận định: “Chúng ta (Nga), cũng như các quốc gia đang phát triển khác trên thế giới, đều phải chịu sự phụ thuộc hoàn toàn vào chu kỳ phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Và mức độ phụ thuộc này là rất cao”.

Khi nói về sự sa sút tột cùng của nền kinh tế hiện nay, các quan chức Chính phủ Nga thường lập tức bác bỏ thực tế đó và hay có những ngôn từ đầy quan liêu về công cuộc cải cách.

Ngoài ra, ở Nga thường xuyên xuất hiện những tin đồn rằng một số cựu quan chức có thể sẽ trở lại bộ máy nhà nước và dường như đó chính là những "kiến trúc sư" sẽ giúp tái cấu trúc nền kinh tế quốc gia.

Trong khi đó, gần như Chính phủ Nga chưa hề có phương cách nào nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng.

Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga bằng mọi cách làm sao cho có tiền, kể cả điều tra nguồn tiền của những người giàu có và kể cả những người đã chết... trong khi bản thân Tổng thống Putin lại mong đợi dầu mỏ tăng giá trong một hai năm tới.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ ngay cả nếu giá dầu tăng, thì về cơ bản cũng không thể thay đổi bất cứ điều gì, mà chỉ góp phần duy trì cơ cấu của nền kinh tế “không còn phù hợp” của nước Nga cũng như càng trì hoãn việc phải cải cách cơ cấu này.

Cần phải nhắc lại rằng nước Nga đang ở trong một tình hình hết sức khó khăn, không chỉ về kinh tế mà cả chính trị. Tuy nhiên, trên thực tế, lịch sử nước Nga cho thấy chính trị luôn được coi trọng hơn kinh tế và kết quả là sự sụp đổ của Đế chế Nga, của Nhà nước Liên bang Xô Viết.

Ở các nước phát triển, lợi ích của bất kỳ hành động chính trị nào cũng đều phải được xác định dựa trên lợi ích kinh tế. Những cuộc chiến bắt đầu hay kết thúc đều vì kinh tế. Nước Nga ngày nay cũng vậy. Vậy nước Nga cần phải làm gì để cải thiện tình hình hiện nay?

Cách thức phù hợp nhất đối với nước Nga lúc này đó là làm theo Tây Ban Nha. Sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Tây Ban Nha về mặt chính trị và kinh tế khá tách biệt so với thế giới bên ngoài cho đến năm 1955.

Trong những năm 1960, Tây Ban Nha đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy, giúp chuyển đổi nước này thành một quốc gia công nghiệp hóa hiện đại.

Các chính sách tự do hóa chính trị và kinh tế trong những năm cuối cầm quyền của Tổng thống Franco làm cho ngành du lịch hết sức phát triển, chỉ số phát triển con người được nâng cao. Phép màu kinh tế Tây Ban Nha ít nhất đã được so sánh với "phép lạ kinh tế Nhật Bản", với tỷ lệ phát triển gần bằng nhau.

Trong đó, một yếu tố quan trọng là Chính phủ đã hành động một cách nhất quán và kiên trì thực hiện kế hoạch đề ra - một sự nhất quán không phải quốc gia nào cũng làm được.

Cuối cùng, chuyên gia này phân tích những yếu tố cơ bản giúp công cuộc cải cách ở một số quốc gia rất thành công. Và đó cũng là bí quyết, là "Phép màu kinh tế của Tây Ban Nha".

Đó là việc xây dựng một cơ chế quản lý hành chính đáng tin cậy, một hệ thống pháp luật đủ mạnh có thể bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư; và sau cùng, phải có điều kiện địa chính trị thuận lợi.

Sự bùng nổ kinh tế đã kết thúc trong những năm 1973-1974, cùng với cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, phép màu kinh tế Tây Ban Nha đã mở đường cho cải cách dân chủ và phát triển ở đất nước này.

Mặc dù tình hình ở quốc gia này vẫn còn khó khăn, song bài học Tây Ban Nha vẫn được áp dụng cho các nước đang phát triển.

Bài học đó sẽ rất bổ ích nếu Nga tiến hành công cuộc cải cách tương tự, nhất là điểm khởi đầu của nền kinh tế Nga không quá tệ. Vấn đề lớn nhất hiện nay của Nga là chưa thoát khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Thế giới từ lâu đã toàn cầu hóa, và không quốc gia nào có thể phát triển trong sự cô lập.

Nhiệm vụ chính của Moskva lúc này phải là bình thường hóa quan hệ với cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng, cũng như tạo sự cởi mở, tin cậy để thu hút đầu tư.

Cùng với thời gian, khi đất nước mở cửa cho đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư sẽ có thể vận động để phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Và họ sẽ làm điều đó hiệu quả hơn nhiều so với các nhà ngoại giao bởi trong nền kinh tế thế giới ngày nay, kinh tế quyết định các động cơ chính trị, chứ không phải điều ngược lại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại