Nhiều nước yêu cầu cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Thùy Linh |

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố đã đến lúc thích hợp để chúng ta cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm phản ánh đúng bản chất của việc phân chia quyền lực trên thế giới ở thế kỷ 21.

Hôm thứ Bảy (26-9), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát biểu rằng trong thế kỷ 21, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cần thiết phải cải tổ lại để có thể phản ánh đúng bản chất phân chia quyền lực của mình trên toàn thế giới.

“Chúng ta cần một phương thức làm việc mới để giải quyết các vấn đề. Cải tổ Hội đồng là cần thiết, nó giúp phản ánh được quyền lực thực tế của Hội đồng ra toàn thế giới hơn so với hiện nay.”

Đây là kết luận của Bà Merkel trong bài diễn văn tại buổi họp với những người đồng cấp đến từ Brazil, Ấn Độ, và Nhật Bản, được đại diện của phái đoàn nước Đức cung cấp đến các phóng viên.

Theo bản tóm tắt, Bà Merkel cho biết thêm, “Chúng ta phải thực thi điều này một cách khôn ngoan. Chúng ta cần phải tìm kiếm đồng minh để có thể đạt được mục tiêu của mình”.

Bà Merkel hiện đang có mặt tại New York để tham dự hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo thế giới về vấn đề phát triển toàn cầu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

Hội đồng Bảo an là cơ quan quyền lực nhất của Liên hiệp quốc. Hiện nay Hội đồng Bảo an có 15 nước thành viên; trong đó, có năm nước là ủy viên thường trực.

Hội đồng Bảo an ban hành các nghị quyết ràng buộc hợp pháp nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt hoặc đưa ra các hành động quân sự để thúc đẩy các nước thành viên thực hiện các nghị quyết do Hội đồng đưa ra.

10 nước còn lại là các thành viên không thường trực được bầu chọn cho mỗi nhiệm kỳ kéo dài 2 năm. Năm thành viên thường trực - Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, và Hoa Kỳ là đồng minh của nhau từ Thế chiến thứ II, có quyền phủ quyết đối với mọi nghị quyết của Hội đồng.

Đức, Nhật Bản, Ấn Độ và Brazil cho biết thế giới hiện nay hoàn toàn khác với thế giới của năm 1945. Hội đồng Bảo an cần phải thể hiện được vai trò của tổ chức trong hiện tại.

Đức và Nhật Bản là hai cường quốc về tài chính thế giới, đồng thời cũng là hai nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho Liên hiệp quốc, nói rằng họ xứng đáng trở thành thành viên thường trực của Hội đồng.

Bà Merkel phát biểu trước các nguyên thủ khác tại hội nghị: “Không chỉ bốn thành viên chúng tôi mà còn rất nhiều nước khác cũng không đồng thuận với cấu trúc và phương pháp làm việc của Hội đồng.

Chúng tôi muốn tìm kiếm đồng minh ủng hộ việc tái cấu trúc để phù hợp với diễn biến thế giới trong thế kỷ 21”.

Mục tiêu mở rộng thành phần của Hội đồng Bảo an đã nhiều lần được các nước đề cập, bao gồm việc bầu thêm các ủy viên thường trực và không thường trực, nhưng đều bị lảng tránh.

Các nước thành viên, nhiều năm qua, liên tục kêu gọi sự cấp thiết của việc cải tổ Hội đồng. Tới nay họ vẫn chưa đạt được thành công nào vì chưa tìm được một phương thức mới có thể chấp nhận được.

Năm ủy viên thường trực có thể ngăn cản mọi nỗ lực. Anh và Pháp cho biết họ đồng ý với việc cải tổ Hội đồng. Hoa Kỳ thận trọng hơn khi ủng hộ kế hoạch này. Các nhà ngoại giao của Liên hiệp quốc cho biết Trung Quốc và Nga hoàn toàn phản đối ý tưởng này.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại