Tổng thống Nga Putin ném bài tẩy, khi đưa quân, vũ khí và máy bay đến Syria không chỉ nhằm kết thúc cuộc chiến 3 phe, mà còn vì tái khẳng định vai trò lớn của Nga trong mắt cộng đồng quốc tế, sau khi bị phương tây cấm vận kinh tế với cớ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine, sáp nhập Crimea về Nga.
Ngày 28.9, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ diễn thuyết tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) và sẽ có cuộc nói chuyện bên lề với người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama.
Hiện lãnh đạo các nước dự UNGA đang sốt ruột chờ ông gợi ý cách giải quyết cuộc nội chiến Syria, khi nội chiến Ukraine đã rơi vào quên lãng.
Jonathan Eyal thuộc tổ chức nghiên cứu Royal United Services Institute nói:
“Mục tiêu của Nga là tái khẳng định vai trò trụ cột của Nga trong việc xử lý bất kỳ khủng hoảng toàn cầu nào. Nay, mọi người xem ra đã quên chuyện xảy ra ở Ukraine và họ sẽ nuốt từng lời của ông ấy. Đó là một bước ngoặt lớn”, so với vài tháng trước ông Putin bị phương tây làm mặt lạnh.
Nhà phân tích quân sự Alexander Golts người Nga nói:
“Ông Putin và Điện Kremlin có mục tiêu rõ ràng để chiến thắng sự cô lập của quốc tế vì chuyện Ukraine. Ý tưởng liên minh chống IS của ông giống như một cây cầu vượt qua sự cô lập, và xem ra nó có hiệu quả”.
Khi tăng cường hỗ trợ chế độ Tổng thống Bashar Assad, ông Putin phát thông điệp rõ ràng: Không có Nga thì sẽ không thể có giải pháp nào cho cuộc chiến giữa quân đội Syria đánh IS và chống quân nổi dậy có phương tây “chống lưng”.
Cuộc chiến này đã khiến 250.000 người chết và làm hàng triệu người phải ráng qua châu Âu tỵ nạn.
Gần đây Nga chở 2.000 quân, 24 máy bay, xe tăng, trực thăng và hệ thống phòng không đến một căn cứ không quân ở thành phố biển Latakia, nhằm bảo vệ những căn cứ không-hải quân Nga ở Địa Trung Hải, không để xảy ra chuyện đồng minh Assad bị lật đổ, đồng thời lo ngại nguy cơ 2.400 tay súng IS người Nga có thể trở về nước gây rối.
Bằng cách đưa quân đến các căn cứ được bảo vệ kỹ, nơi lính Nga chỉ huấn luyện và hỗ trợ quân Syria, ông Putin phá thế bị cô lập ngoại giao, thể hiện ý muốn hiện diện chiến lược ở Trung Đông, và chứng tỏ rằng: nếu không có Nga, thì sẽ không thể có giải pháp cho bất kỳ cuộc xung đột quốc tế nào.
Ông Putin ném bài tẩy giúp chế độ Assad chống IS đúng lúc: ngay cả ở các thủ đô châu Âu, những chính khách từng kêu gọi ông Assad phải từ bỏ quyền lực, nay bắt đầu “cãi”, rằng ông Assad là niềm hy vọng mong manh duy nhất để có được vài sự ổn định.
Phương tây quan ngại về sự hiện diện quân sự của Nga. Bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon cảnh báo: “việc này sẽ chỉ gây phức tạp thêm cho một tình hình đã sẵn phức tạp”.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói chỉ lo đánh, không có giải pháp chính trị, thì chỉ là “đổ thêm dầu vào lửa”.
Nhưng Mỹ đã bị “vỡ kế hoạch” huấn luyện quân nổi dậy “ôn hòa” đánh IS, khi lực lượng này tự tan rã, chỉ còn vài tay súng và thậm chí vũ khí Mỹ đã bị họ nộp cho một chi nhánh Al-Qeada !
Nhà phân tích địa-chính trị Eric Draitser nói với trang Sputnik: những nỗ lực thay đổi cán cân quyền lực trong nội chiến Syria đã thất bại, sự hiện diện của Nga tại khu vực là cần thiết để ổn định tình hình và kết thúc cuộc nội chiến này.
Khi không hề có dấu hiệu cuộc nội chiến kết thúc, Nga đã giới thiệu ông Assad là niềm hy vọng duy nhất cho sự ổn định.
Bên cạnh đó, nếu Nga có vai trò lớn hơn ở chính trường Trung Đông, Nga sẽ có lợi về thương mại vào lúc giá dầu thô rớt mạnh: Nga sẽ bù đắp được khoản tiền bị mất bằng cách kích thích hai lĩnh vực xuất khẩu chủ đạo là vũ khí và công nghệ hạt nhân.
Iran chuộng mua vũ khí Nga, trong khi các lãnh đạo các nước khác-gồm Saudi Arabia,đồng minh của Mỹ-gần đây đến Nga đàm phán hợp đồng mua vũ khí.
Nga cũng hy vọng khi tự thể hiện là một đối thủ nặng ký chống IS, Nga sẽ thuyết phục được phương tây hủy lệnh cấm vận. Để có thể phục hồi kinh tế Nga vốn lệ thuộc xuất khẩu năng lượng.