Nể Mỹ, Philippines sẽ dập tắt ý đồ "phá băng" của Tập Cận Bình?

Đức Huy |

Mọi con mắt đang đổ dồn về Philippines khi chỉ một tuần nữa, họ sẽ là chủ nhà của diễn đàn kinh tế APEC, nơi chứng kiến sự có mặt của cả Barack Obama lẫn Tập Cận Bình.

Ý đồ dùng kinh tế "phá băng" của Trung Quốc

Sau hai chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và Singapore tuần trước, trạm dừng chân tiếp theo trong lịch trình công du các nước Đông Nam Á của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ là Philippines, nơi ông sẽ tham dự diễn đàn APEC diễn ra trong hai ngày 18-19/11.

Vài giờ sau khi bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận ông Tập sẽ đích thân tới Manila, nhà báo Shannon Tiezzi trong một bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat đã ví chuyến thăm này như "đi vào hang hùm".

Bà Tiezzi giải thích, Philippines từ trước đến nay luôn là một trong những nước chỉ trích công khai mạnh mẽ nhất các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông, điển hình là việc nước này năm ngoái đã kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Quốc tế The Hague.

Còn về phía Trung Quốc, bà cho rằng đây là một tín hiệu cho thấy nước này muốn cải thiện quan hệ với các thành viên ASEAN, dù nếu nhìn lại những gì Tập Cận Bình đã phát biểu tại Singapore mới đây, Bắc Kinh vẫn ngoan cố không thay đổi lập trường ngang ngược trên Biển Đông.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đang ở mức cao. Tổng thống nước chủ nhà diễn đàn APEC 2015 Benigno Aquino chưa gặp mặt ông Tập Cận Bình lần nào kể từ cuộc trao đổi bên lề tại chính diễn đàn APEC 2014, được tổ chức tại Bắc Kinh vào thời điểm này năm ngoái.

Theo ông Marciano Paynor, trưởng ban tổ chức APEC 2015, một cuộc gặp chính thức giữa lãnh đạo hai nước chưa được lên lịch, nhưng dự kiến sẽ diễn ra.

Phía Trung Quốc hi vọng với trọng tâm là kinh tế, diễn đàn APEC sẽ là liệu pháp giúp Bắc Kinh "phá băng" quan hệ ngoại giao với Manila. Có thể thấy rõ điều này trong phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông tại cuộc họp báo xác nhận tin ông Tập sẽ sang Philippines.

"Theo những gì tôi được biết, Biển Đông dự kiến sẽ không được đem ra mổ xẻ tại APEC. Tất cả đều biết rằng APEC là khuôn viên thảo luận các nội dung thương mại và hợp tác kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương" - ông Lý phát biểu với báo chí.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng thể hiện quan điểm tương tự trong chuyến thăm "dọn đường" tới Philippines hôm 10/11 vừa qua, khi ông cho biết phía Bắc Kinh "hi vọng các vấn đề dễ dẫn tới tranh cãi sẽ không được thảo luận" tại diễn đàn sắp tới.


Ông Vương Nghị trong chuyến thăm Philippines hôm 10/11 vừa qua. Ảnh: AP

Ông Vương Nghị trong chuyến thăm Philippines hôm 10/11 vừa qua. Ảnh: AP

Đáp lại, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, phía Manila "sẽ không đơn phương nêu lên các vấn đề hàng hải" vì APEC "không phải là diễn đàn phù hợp" cho các cuộc thảo luận như vậy.

Tuy nhiên, ông Jose cũng "mở ngoặc" rằng Philippines sẽ không ngăn cản các nước thành viên APEC khác đem vấn đề Biển Đông ra mổ xẻ.

Tín hiệu tích cực từ nước chủ nhà Philippines đã dẫn tới một phát biểu tương đối lạc quan của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, khi ông cho biết hai bên sẽ "trao đổi các phương thức cải thiện quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Philippines".

Chưa kịp tan, băng đã dày thêm

Nếu ông Tập Cận Bình tới Philippines trong một chuyến thăm cấp nhà nước với mục tiêu cải thiện quan hệ song phương như trên, có lẽ khả năng Trung Quốc đạt được mục đích sẽ cao hơn. Nhưng đây lại là diễn đàn APEC, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ có mặt.

Và như để "chào đón" đồng minh của mình, cuối tuần trước, các hãng thông tấn Philippines đã đồng loạt đưa tin Tòa án Tối cao nước này sẽ sớm đưa ra phán quyết rằng bản Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines (EDCA) là hợp hiến.

EDCA được Mỹ và Philippines kí kết hồi tháng 4/2014, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Obama tới Manila. Theo hiệp định này, quân đội Mỹ sẽ được quyền luân phiên sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines.

Cụ thể hơn, quân đội Mỹ sẽ được quyền ra vào tại 8 căn cứ không quân và hải quân Philippines. Quan trọng hơn cả về mặt vị trí chiến lược trong số này là căn cứ không quân Antonio Bautista và căn cứ hải quân Carlito Cunanan đặt tại thành phố Palawan, nhìn thẳng ra Biển Đông.


Căn cứ hải quân Carlito Cunanan có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Ảnh: PhilStar

Căn cứ hải quân Carlito Cunanan có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Ảnh: PhilStar

Khi đã đi vào hiệu lực, EDCA sẽ giúp tàu và máy bay Mỹ hoạt động một cách thuận tiện hơn rất nhiều trên Biển Đông, thay vì phải di chuyển một quãng đường dài từ căn cứ Okinawa của Nhật Bản.

Đây là một bước tiến cực kì quan trọng đối với an ninh Philippines, quốc gia với lực lượng quân đội thuộc hàng yếu của Đông Nam Á, trong bối cảnh Trung Quốc đang tỏ ra ngày một hung hăng trên vùng biển nơi hàng trăm tỉ USD giá trị thương mại đi qua mỗi ngày.

Sở dĩ đến bây giờ EDCA vẫn chưa chính thức đi vào hiệu lực dù đã kí kết được hơn một năm là vì kể từ khi quân đội Mỹ bị "đá" khỏi căn cứ vịnh Subic năm 1992, hiến pháp Philippines không cho phép quân đội ngoại quốc "định cư" trên lãnh thổ nước này.

Tuy vậy, giới cầm quyền Philippines đều tỏ ra lạc quan về việc Tòa án Tối cao sẽ "bật đèn xanh" cho EDCA. Phát biểu với Reuters, một quan chức cấp cao trong chính phủ Manila cho biết một phán quyết có lợi cho EDCA sẽ được công bố trước thềm APEC.

Nếu EDCA được thông qua, thì đối với Mỹ đây quả thực là một "cú hời" về nhiều mặt, trước là trên bình diện hỗ trợ đồng minh Philippines chế ngự sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, và sau là một bước tiến quan trọng về mặt quân sự trong chiến lược "xoay trục châu Á".

Còn với Trung Quốc, mục tiêu hàn gắn quan hệ với Philippines vẫn sẽ được thực thi. Nhưng phải nói rằng, thời điểm EDCA dự kiến được thông qua - trước thềm APEC - sẽ chẳng khác nào một gáo nước lạnh dội lên những toan tính "chèo kéo" Manila của Bắc Kinh tại diễn đàn kinh tế sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại