Theo tướng Hodges, bức tường phòng thủ của các nước Baltic sẽ gặp phải những thách thức đáng kể đến từ lực lượng hùng hậu quân đội Nga đang đóng tại khu vực Kaliningrad cũng như dọc hành lang Suwalki tại biên giới với Ba Lan.
Trong một cuộc họp cuối tuần trước với quân đội Mỹ đang đóng tại Lithuania, ông Hodges cho biết hiện có nhiều lữ đoàn lục quân, một lữ đoàn hải quân, hai căn cứ không quân, cùng một phần Hạm đội biển Baltic đang "trực chờ" tại khu vực Kaliningrad.
Cũng theo Tư lệnh Mỹ, Nga đang thường xuyên "vác" hệ thống tên lửa Iskander ra Kaliningrad để luyện tập, qua đó nâng tầm bắn lên hàng trăm km.
"Kalinigrad giờ đã có khả năng chặn hải quân Mỹ hay hải quân của bất kì quốc gia NATO nào tới cứu viện Baltic, nơi chúng ta có 3 đồng minh là Estonia, Latvia, và Lithuania" - tướng Hodges nhận định.
"Đây là một mối hiểm họa nghiêm trọng đối với các đồng minh của chúng ta" - ông nói thêm.
Xe tăng Nga trong một cuộc tập trận tại Kaliningrad. Ảnh: TASS
Cũng trong cuộc họp mới đây, Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu đã nhắc đến tình hình không mấy khả quan tại "hành lang Suwalki", khu vực lãnh thổ tây bắc Ba Lan giáp Kaliningrad về phía tây và Belarus về phía nam.
"Kalinigrad giờ đã có khả năng chặn hải quân Mỹ hay hải quân của bất kì quốc gia NATO nào tới cứu viện Baltic" - Tư lệnh Mỹ Ben Hodges.
"Trong một khoảng thời gian rất ngắn, quân đội Belarus và Nga có thể kết hợp và 'đổ bê tông' biên giới Ba Lan và Lithuania, và như vậy họ sẽ cô lập được 3 đồng minh NATO của chúng ta" - tướng Hodges phân tích.
Theo ông, đây chính là lý do tại sao Mỹ và phần còn lại của NATO nên tập trung vào việc ngăn chặn Nga động binh tại Baltic thì hơn là "mất bò mới lo làm chuồng".
"Cứu viện các đồng minh của chúng ta sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với ngăn chặn ngay từ đầu" - ông nhấn mạnh.
Về phần mình, từ 2014, Mỹ đã cử một đại đội đóng luân phiên tại các nước Baltic và Ba Lan. Đến tháng 10/2015, Mỹ mang thêm khoảng 70 đơn vị khí tài quân sự tới Lithuania, và sẽ đóng tại đây đến khi "ca trực" của Mỹ kết thúc.
Các đồng minh NATO khác cũng đóng góp vào tiến trình ngăn chặn Nga với bản Kế hoạch Sẵn sàng Hành động, được thông qua trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Wales năm 2014.
Kể từ đó, số lượng binh sĩ NATO luyện tập tại Baltic cũng như tần suất thực hiện các nhiệm vụ tuần tra không phận Baltic đều tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, cả Estonia, Latvia, và Lithuania đều cần nhiều hơn thế. Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước, trong một tuyên bố chung, đã kêu gọi NATO bố trí đóng tại mỗi nước một lữ đoàn.
Tuần trước, 9 quốc gia NATO, trong đó có Lithuania, đã thông qua một tuyên bố cảnh báo NATO về những mối hiểm họa đến từ Nga, đồng thời kêu gọi tăng cường hiện diện để ngăn cản bước tiến của Moscow.
Trong khi đó, Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg cho biết việc tăng cường hiện diện của liên minh tại khu vực Baltic sẽ được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh năm 2016 tại Warsaw.