Trang Defense News (Mỹ) hôm 8/11 cho biết, Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu hiện đại J-11B lên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo đó, động thái này của quân đội Trung Quốc có thể gây ra những phiền phức đối với việc chấp hành nhiệm vụ tuần tra theo thông lệ của các loại máy bay EP-3, P-8 của Mỹ.
Hồi năm 2001, máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ đã có vụ va chạm với phía Trung Quốc ở gần đảo Hải Nam. Năm 2014, một chiến đấu cơ Trung Quốc đã quấy nhiễu máy bay P-8 của Mỹ ở gần khu vực đảo Phú Lâm, dẫn đến phản ứng quyết liệt của Lầu Năm Góc.
Điều trùng hợp là, những máy bay Trung Quốc tham gia đợt diễn tập này thuộc cùng đơn vị với phi công Vương Vĩ - người đã thiệt mạng trong sự kiện năm 2001, theo Defense News.
Đảo Phú Lâm là một trong hai đảo lớn nhất thuộc nhóm đảo An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Bắc Kinh cũng lập nên cái gọi là "thành phố Tam Sa" - trung tâm hành chính phi pháp và vô giá trị - trên đảo Phú Lâm vào năm 2012, đồng thời xây dựng trái phép một sân bay cách vị trí đảo Hải Nam khoảng 350 km.
Tờ Takungpao (Hồng Kông) cho hay, quân đội Trung Quốc lợi dụng sân bay này như một căn cứ trung chuyển trái phép nhằm gia tăng thời gian lưu thông hàng hải, hàng không của tàu chiến và máy bay nước này tại biển Đông, qua đó tăng cường kiểm soát biển Đông.
Trong lần cải tạo mở rộng phi pháp gần đây nhất (2014), Trung Quốc đã xây đường băng trên đảo Phú Lâm dài 3.000m, sẵn sàng tiếp nhận các loại máy bay cỡ lớn với ý đồ biến đây thành sân bay quân dụng.
Sau khi các sân bay (phi pháp) khác mà Trung Quốc đang xây dựng tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam-PV) được đưa vào sử dụng, khả năng bành trướng cũng như yêu sách trên biển của Bắc Kinh cũng sẽ gia tăng.
Trung Quốc cải tạo, xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm của Việt Nam.
Chuyên gia không quân Trung Quốc Phó Tiền Tiêu nói với Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) hôm 9/11: "Về lý thuyết, chỉ cần bán kính tác chiến đạt tới 1.500 km, chiến đấu cơ Trung Quốc có thể tới được quần đảo Trường Sa..
Trước đây, máy bay phải xuất phát từ các sân bay ở Quảng Đông, Hải Nam. Nếu chiến đấu cơ cất cánh từ đảo Phú Lâm thì khoảng cách sẽ gần hơn, thời gian hoạt động trên biển Đông được kéo dài."
Phó Tiền Tiêu khẳng định, máy bay chiến đấu của Hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ gia tăng hoạt động tuần tra biển Đông.
Ông này ngông cuồng tuyên bố: "Máy bay Trung Quốc bay trên vùng trời của chính mình, bất cứ nước nào cũng đừng mong nói ra nói vào."
Báo Mỹ: Cần cảnh giác mưu đồ của Trung Quốc?
Trong khi đó, Defense News cũng tỏ ra quan ngại về khả năng Trung Quốc đưa máy bay quân sự vào quần đảo Trường Sa.
Theo trang này, Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng một cách phi pháp căn cứ không quân cũng như cơ sở hạ tầng các cảng khẩu ở quần đảo Trường Sa, cụ thể là tại đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn của Việt Nam.
Paul Giarra - Tổng giám đốc Công ty Chiến lược toàn cầu & chuyển đổi (GS&T), Mỹ - nhận định: "Tàu chiến, tên lửa của Trung Quốc nếu 'tung hoàng' ở biển Đông sẽ phát huy nhiều tác dụng, trong đó tất cả đều bất lợi đối với Mỹ và đồng minh."
Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ thì cho rằng việc Bắc Kinh bố trí máy bay chiến đấu ở biển Đông chỉ là ngắn hạn, bởi máy bay chịu ảnh hưởng lớn từ độ ẩm, mặn của không khí.
Binh lính Trung Quốc đồn trú trái phép trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: 81.cn
Tạp chí National Interest của Mỹ hôm 9/11 bình luận rằng Washington đang "đọc nhầm" những mưu đồ của Trung Quốc ở biển Đông.
Theo tờ này, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp trong năm 2015 và được thế giới chú ý không chỉ bởi khả năng dẫn đến xung đột giữa các nước lớn, mà còn tiết lộ tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trừ khi Mỹ, đồng minh và đối tác nhận thức được những yêu sách của Trung Quốc và có chiến lược đối phó thích đáng, nếu không Bắc Kinh sẽ tiếp tục hành động theo lối "biển Đông là của ta", NI chỉ ra.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á Daniel Russel gần đây phát biểu tại Hiệp hội châu Á (Mỹ) đã tái khẳng định, Mỹ không thừa nhận chủ trương lãnh thổ cũng như yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh đưa ra ở biển Đông.
Ông cho hay, Mỹ đã mở nhiều cánh cửa hợp tác "chưa từng có tiền lệ" trong cuộc đối thoại với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn đòi hỏi được "bật đèn xanh" ở những vấn đề họ khăng khăng là "lợi ích cốt lõi".
"Đây là điều Mỹ không thể và sẽ không thỏa hiệp," ông Russel tuyên bố.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu đáp trả yếu ớt khi cho rằng "truyền thông và chính phủ Mỹ xuyên tạc vấn đề biển Đông dường như đã thành thông lệ". Tuy nhiên, tờ này không đưa ra được luận điểm phản bác nào.
Trước tuyên bố của Thứ trưởng Russel, Hoàn Cầu cũng chỉ "cãi cùn" rằng chính Mỹ mới là nước "đòi" hợp tác với Trung Quốc.