Báo Mỹ: Nga mở rộng chiến dịch quân sự ở Syria sau tai nạn máy bay tại Ai Cập

Minh Thu |

Nếu IS được xác định là thủ phạm làm rơi chiếc máy bay Airbus A321 của Nga ở bán đảo Siani, Ai Cập hôm 31/10, chắc chắn Moscow sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn như mở rộng hoạt động quân sự ở Syria để tiêu diệt tận gốc IS.

Hôm 8/11, chiếc chuông tại nhà thờ chính Tòa thánh Isaac ở St. Petersburg đã rung 224 hồi chuông nhằm tưởng nhớ tới 224 nạn nhân thiệt mạng trên chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Kogalymavia, Nga bị rơi ở bán đảo Sinai, Ai Cập hôm 31/10.

Mặc dù Tổng thống Vladimir V. Putin và giới chức Nga phủ nhận thông tin chiếc máy bay bị tấn công khủng bố nhưng nhiều bằng chứng cho thấy 90% khả năng chiếc A321 đã bị gài bom và phát nổ trên không trung.

Đây có thể là một phần lý lo cuối ngày 6/11, chính phủ Nga ban hành lệnh hoãn tất cả các chuyến bay tới Ai Cập đồng thời đưa 11.000 công dân Nga về nước.


Các nhà điều tra làm việc tại hiện trường chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Kogalymavia, Nga bị rơi ở bán đảo Sinai, Ai Cập hôm 31/10.

Các nhà điều tra làm việc tại hiện trường chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Kogalymavia, Nga bị rơi ở bán đảo Sinai, Ai Cập hôm 31/10.

Tờ The New York Times dẫn lời giới chuyên gia cho rằng nếu chiếc máy bay gặp nạn được xác định là một vụ tấn công khủng bố do lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tiến hành nhằm trả thù Moscow không kích ở Syria, điều chắc chắn, Tổng thống Putin sẽ có những chính sách mạnh tay hơn can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Trung Đông này.

Như tuyên bố ban đầu của Tổng thống Putin, chiến dịch không kích tại Syria của Không quân Nga là nhằm tiêu diệt IS trong bối cảnh 7.000 tay súng từ Nga và các nước thuộc khối Liên Xô cũ đầu quân cho lực lượng khủng bố này.

Giới chức Nga cũng bày tỏ mối lo ngại về khả năng sau thời gian tham chiến ở nước ngoài, những tay súng cực đoan sẽ trở về quê hương để thực hiện khủng bố.

Do đó, nếu như IS được xác định là thủ phạm gây ra thảm họa cho chiếc Airbus A321, rõ ràng, lợi ích nước Nga đang bị đe dọa và Moscow sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để tiêu diệt tận gốc IS.

Ngoài ra, quyết định can thiệp vào chiến sự ở Syria cho thấy nước Nga đang nỗ lực giành lại vị thế cường quốc hàng đầu thế giới trong việc giải quyết những vấn đề nóng mang tính toàn cầu.

Lâu nay, Tổng thống Putin cũng đã lên tiếng chỉ trích phương Tây mà cụ thể là Mỹ nhanh chóng bỏ rơi các quốc gia đồng minh Ả Rập kể từ khi cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập năm 2011 bùng nổ và cả giai đoạn về sau.

Mặc dù trong hàng thập niên qua, Syria được xem là đồng minh duy nhất của Nga trong thế giới Ả Rập nhưng nay ông Putin cũng đã coi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi là đồng minh thân thiết.

Do đó, Nga sẽ còn có những chính sách giúp tiêu diệt kẻ thù của chính phủ Ai Cập.

Kể từ hôm 30/9, thời điểm Không quân Nga bắt đầu triển khai chiến dịch không kích, ném bom nhằm vào các mục tiêu khủng bố trên lãnh thổ Syria, Tổng thống Putin đã nhiều lần nhấn mạnh "cuộc chiến chống khủng bố tốt hơn hết là được tiến hành ngay trên lãnh địa của chúng".

Tuy nhiên, ông Putin bỏ ngỏ khả năng điều động bộ binh tới chiến đấu cùng quân chính phủ Syria.

"Nếu tai nạn máy bay là một vụ tấn công khủng bố, chi phí cho hoạt động quân sự tại Syria sẽ còn gia tăng.

Điều này chứng minh cho quan điểm lực lượng khủng bố cần bị tiêu diệt trước khi chúng xuất hiện trên lãnh thổ Nga", nhà phân tích chính trị Vladimir Frolov.

Song ông Frolov nhận định: "Chiến lược hiện nay của Nga không thể đánh bại IS".

Bởi Nga cho triển khai hơn 50 chiến đấu cơ tới Syria cùng khoảng 4.000 binh sĩ. Nhưng một nửa số binh sĩ này làm nhiệm vụ cố vấn và nhân viên kỹ thuật trong khi số còn lại đảm nhận trọng trách bảo vệ các phi công và căn cứ quân sự.

Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh Không quân Nga sẽ tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng quân sự yếu kém ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad.

Cùng với quân đội Syria và các lực lượng đồng minh của nước này, Nga sẽ giúp chính phủ Syria bảo vệ những vùng đất mà họ đang nắm giữ cũng như giành lại quyền kiểm soát các khu vực bị IS chiếm đóng ở phía tây Syria.

Trong khi đó, chuyên gia Alexei Makarkin tại Trung tâm Công nghệ chính trị nhận định hiện có 2 phương án cho Nga lựa chọn.

Thứ nhất, "Nga có thể tăng cường chiến dịch quân sự ở Syria như gửi thêm quân và lính tình nguyện tới hỗ trợ Tổng thống Assad".

Song theo ông Makarkin, động thái này sẽ chỉ làm xấu đi mối quan hệ vốn đang trong giai đoạn căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Phương án thứ hai, "Nga có thể xem cuộc chiến chống IS là mối ưu tiên còn quan trọng hơn ủng hộ Tổng thống Assad. Trong tình huống này, Moscow sẽ gây áp lực buộc Tổng thống Assad chuyển sang thời kỳ chính phủ quá độ".

Phản ứng trái chiều

Chuyên gia phân tích chính trị Stanislav Belkovsky lại có quan điểm trái ngược.

Ông này cáo buộc quyết định can thiệp quân sự tại Syria của Tổng thống Putin đã chứng minh tham vọng chính trị của nhà lãnh đạo Nga nhưng lại phớt lờ cái giá mà người dân nước này sẽ phải trả.

"Giới chính trị Nga không muốn đề cập tới bất cứ mối liên hệ nào giữa vụ tai nạn máy bay với chiến dịch ở Syria bởi người dân Nga sẽ đặt ra câu hỏi 'Tại sao Nga lại tham chiến ở Syria?

Hành động này có phục vụ lợi ích quốc gia của Nga?'", ông Belkovsky phát biểu trên kênh truyền hình Dozhd.


Khả năng Nga sẽ có thêm những biện pháp can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Syria trong thời gian tới ngoài chiến dịch không kích.

Khả năng Nga sẽ có thêm những biện pháp can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Syria trong thời gian tới ngoài chiến dịch không kích.

Tuy nhiên, Chủ tịch Uỷ ban các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga, ông Konstantin Kosachev cho rằng: "Hành động của Nga ở Syria đang chịu những sức ép địa chính trị".

"Nhiều người dù không nắm bằng chứng trong tay nhưng vẫn đổ tội cho vụ tai nạn máy bay là phản ứng của các phần tử cực đoan trước hành động của Nga ở Syria", RIA Novosti dẫn lời ông Kosachev.

Thậm chí, hãng tin Sputnik News còn đăng bài bình luận cho rằng tình báo Anh đang cố tình thổi phồng nhiều tình tiết liên quan tới vụ máy bay Airbus A321 rơi.

"Khả năng, họ muốn Tổng thống Putin chịu sự chỉ trích từ dư luận trong nước sau thảm họa máy bay.

Liệu đây là một vụ tấn công khủng bố hay cơ quan tình báo MI-6 của Anh chỉ muốn đánh lừa dư luận và đổ lỗi cho các tay súng khủng bố", theo Sputnik News.

Nhiều chuyên gia thì nhận định phản ứng có phần chậm chạp của điện Kremlin so với chính phủ các nước cho thấy ông Putin đang có những bước đi hết sức thận trọng và hạn chế tác động xấu tới quan hệ với Ai Cập bởi người dân Nga hiện chiếm 1/3 trong tổng số 9 triệu khách du lịch tới Ai Cập hàng năm.

Ai Cập từng là đồng minh quan trọng nhất của Liên Xô cũ trong khu vực cho tới khi cựu Tổng thống Anwar Sadat trục xuất toàn bộ cố vấn quân sự Nga về nước năm 1972.

Và giờ đây, ông Putin đang cố gắng gây dựng lại mối quan hệ Nga – Ai Cập.

Không chỉ kiềm chế việc Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng, chính sách thắt chặt quan hệ với Ai Cập còn mang ý nghĩa quan trọng đối với Nga trong việc gây dựng liên minh với người Hồi giáo dòng Sunni.

Theo ước tính, khoảng 20 triệu người Hồi giáo đang sinh sống ở Nga mà trong đó đa phần là người Hồi giáo dòng Sunni.

Nhưng trên hết, nhiều chuyên gia cho rằng Nga sẽ còn có những phản ứng mạnh mẽ hơn ở Syria nếu như IS được xác định là thủ phạm gây ra vụ tai nạn của chiếc máy bay Airbus A321.

"Vụ tấn công nhằm vào công dân Nga đồng nghĩa với việc tuyên chiến với toàn nước Nga.

Chiến dịch không kích ở Syria sẽ không chỉ còn phục vụ tham vọng của riêng Tổng thống Putin mà sẽ là một cuộc báo thù quốc gia", nhà phân tích Tatiana Stanovaya chia sẻ trên trang web Slon.ru.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại