Đối đầu
Đầu tháng 7 vừa qua, Quỹ đầu tư công (PIF), tổ chức nắm giữ số lượng lớn cổ phần trong các công ty phi dầu mỏ lớn nhất Ả Rập Xê-út đã kí với Quỹ Đầu tư Trực tiếp (RDIF) của Nga một thỏa thuận đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 10 tỉ USD.
Đây là thỏa thuận hợp tác lớn chưa từng có tại Nga, tập trung vào các lĩnh vực là nông nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, bán lẻ, giao thông vận tải và bất động sản. Theo Giám đốc điều hành RDIF Kirill Dmitriev, 7 dự án đã được phê duyệt.
Thoả thuận hợp tác nói trên được kí kết sau chuyến công du của Hoàng tử Mohammed bin Salman al-Saud, cũng là Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Xê-út, tới Nga trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế St.Peterburg.
Các quan chức Nga và Ả Rập Xê-út rất hiếm khi gặp mặt trực tiếp - Ả Rập Xê-út từng là đối thủ cạnh tranh chính của Nga trong thị trường kinh doanh dầu mỏ.
Theo bài viết của nhà phân tích Leonid Bershidsky trên báo Mỹ Bloomberg, trong các cuộc chiến ở Trung Đông, 2 nước này đã đứng về phía các quốc gia ở 2 chiến tuyến đối lập.
Ả Rập Xê-út cũng rất nỗ lực nhằm tiêu diệt chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - một nhân vật có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Putin.
Ả Rập Xê-út coi Iran là kẻ thù, trong khi đó, Moscow lại vừa nhất trí cho hồi sinh thỏa thuận cung cấp tên lửa S-300 cho Tehran - vốn không thể thực hiện được do các lệnh trừng phạt quốc tế.
Thêm nữa, Ả Rập Xê-út là nhà thu mua vũ khí lớn thứ 2 thế giới - chủ yếu là của Mỹ, song lại chưa từng bao giờ làm việc với Nga - nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 thế giới.
Hoàng tử Mohammed bin Salman al-Saud và Tổng thống Nga Putin
Cảnh báo ngầm
Ông Bershidsky cho rằng, lý do khiến quan hệ giữa Nga và Ả Rập Xê-út trở lên nồng ấm hơn là bởi quốc gia Trung Đông này muốn Moscow giúp đỡ xây dựng 16 nhà máy điện hạt nhân.
Trên thực tế, tại St.Peterburg, Hoàng tử Mohammed cũng đã kí một thỏa thuận mang tính thăm dò với nước chủ nhà.
Theo chuyên gia Bruce Riedel từ Viện Brookings, chuyến thăm Nga là cơ hội để Hoàng tử Mohammed thể hiện tâm thế cởi mở và linh hoạt hơn các thành viên khác trong hoàng tộc - những người có tư tưởng thân Mỹ, như Thái tử Mohammed bin Nayef hay Ngoại trưởng Adel Al-Jubeir.
Một trong các mục tiêu của chuyến đi Nga, rõ ràng là gửi đi cảnh báo ngầm mà đồng minh quan trọng ở Trung Đông của Mỹ tới chính quyền của Tổng thống Obama.
Ông Abdurahman Al-Rashed, giám đốc điều hành đài truyền hình nhà nước Ả Rập Al-Arabiya nhận định:
"Yếu tố quan trọng nhất trong chuyến thăm của Hoàng tử... là việc nó diễn ra trong thời điểm Mỹ cùng các đồng minh châu Âu của mình quyết định tẩy chay Nga về kinh tế và áp đặt các lệnh cấm vận lên nước này do các sự kiện diễn ra ở Ukraine.
Thời điểm này, chính phủ Ả Rập Xê-út đã có một bước đi bất thường theo chiều hướng ngược lại: khơi lại các mối quan hệ với Moscow, tăng cường hợp tác kinh tế, kí các thỏa thuận trong các lĩnh vực quan trọng như khí đốt, hạt nhân và công nghệ quân sự.
Đây là một trong những thời điểm hiếm hoi Riyadh hành động trái ngược với Washington.
Tuy nhiên, lý do rất rõ ràng: Ả Rập Xê-út - quốc gia từng ủng hộ lập trường tẩy chay Iran của phương Tây trong suốt 20 năm qua nhận ra rằng, Washington đã phản bội họ khi quyết định hợp tác với Tehran mà không hề để ý tới các đối tác ngay từ đầu đã đồng lòng với quyết định tẩy chay".
Ông Bershidsky cho rằng, hẳn nhiên, cảm giác bị phản bội này đã khiến Ả Rập Xê-út phải tìm kiếm một sự cân bằng, một đối tác khác có cùng chung mối quan tâm là kiềm chế Iran, và có thể còn để ngăn chặn liên minh Nga - Iran.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan đã thăm Moscow hồi tháng Tư và cũng có những cuộc thảo luận với người đồng cấp Sergei Shoigu, nhằm tìm kiếm sự hợp tác sâu rộng hơn là chỉ có hợp đồng mua bán tên lửa S-300.
Còn với Putin, theo cây viết Bershidsky, ông chủ Điện Kremlin luôn sẵn sàng hợp tác với bất cứ ai nhằm chứng tỏ cho Mỹ thấy rằng thế giới này đã không còn đơn cực, và rằng Nga là một nhân tố không thể xem thường.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, mối quan hệ hợp tác Nga - Ả Rập Xê-út sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và sẽ kết thúc sau khi các bên đạt được mục tiêu của mình.
Chuyên gia về Trung Đông ở Viện Nghiên cứu Phương Đông (Nga), bà Irina Zvyagelskaya bày tỏ:
"Tôi sẽ không phóng đại hay kỳ vọng quá nhiều vào mối quan hệ đó. Tất cả đều đang tìm cách có được một vị trí tốt hơn, có thêm lợi thế, nhưng sẽ không có sự thay đổi về căn bản, gây chấn động".