Muốn yên ổn, Mỹ phải "phá" âm mưu từ đồng minh của mình ở Syria

My Lan |

Các đồng minh của Mỹ - Ả Rập Xê-Út, Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia khác trong Liên minh Hồi giáo chống IS đang có những ưu tiên khác nhau ở Syria, khiến tình hình có thể trở nên phức tạp.

Những mối lo ngại

Chuyên viên nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ Alexander Decina tại tổ chức Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR) cho rằng, Ả Rập Xê-Út đang "hành động" ở Syria.

Ngày 9-10/12, quốc gia vùng Vịnh này đã tổ chức một hội nghị lớn, với sự tham gia của đại diện các nhóm đối lập để bàn về tương lai của Syria.

Vài ngày sau đó, Ả Rập Xê-Út tuyên bố thành lập liên minh Hồi giáo chống khủng bố gồm 34 nước, nhằm "phối hợp và ủng hộ các chiến dịch quân sự chống khủng bố".

Hai điều này - thống nhất các lực lượng nổi dậy và dẫn đầu thế giới Hồi giáo trong cuộc chiến chống khủng bố - chắc chắn là nhằm tái khẳng định vai trò đồng minh đáng tin cậy của Mỹ tại Syria và Trung Đông.

Tuy nhiên, theo ông Decina, cả 2 động thái nói trên đều chỉ là "khoa trương" và đã thất bại ngay cả trước khi được tiến hành. Trên thực tế, Ả Rập Xê-Út muốn chuyển hướng sự chú ý ra khỏi mục tiêu thực sự của mình và các đối tác - Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Decina cáo buộc, một số nhóm đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hỗ trợ - trong đó có Ahrar al-Sham, dù cố gắng chứng tỏ mình là "ôn hòa", song lại tán thành hệ tư tưởng cực đoan.

Các nhóm này đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động ở Syria, lập nên các thành trì mà từ đó, có thể tự trang bị vũ khí và tiến hành huấn luyện cho các chiến binh của mình nhằm tiến hành các cuộc tấn công ở cả trong và ngoài lãnh thổ Syria.

"Đây là điều mà Nga cũng như Iran đang lo ngại - và Mỹ, phương Tây cùng các quốc gia Trung Đông cũng nên như vậy.

Nhà nghiên cứu Decina nhận định, Ả Rập Xê-Út và Qatar chắc thừa hiểu rằng, việc ủng hộ cho các nhóm Hồi giáo bảo thủ cực đoan sẽ không thể giúp hình thành một chính phủ Syria ổn định, phù hợp với lợi ích của họ.

"Mục tiêu của họ thì hẹp hơn nhiều... nó rõ ràng đơn giản chỉ là tạo ra đủ bất ổn để quốc gia này trở thành gánh nặng với Syria. Về điều này thì Ả Rập Xê-Út và Qatar đã thành công.

Ankara lại có lợi ích hoàn toàn khác biệt trong việc kéo dài cuộc xung đột ở Syria.

Mối đe dọa không nằm ở Iran, mà nằm ở khả năng người Kurd thiết lập khu tự trị ở Syria giống như ở Iraq, bởi nó sẽ khiến người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ - vốn bị chính quyền trung ương coi là khủng bố, mở rộng thêm được "địa bàn".

Nhà nghiên cứu người Mỹ
Alexander Decina
Dù mục tiêu khác nhau, song các chính sách của vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ đều có 1 điểm chung, ngay cả khi đạt được các mục tiêu cuối cùng của mình, thì việc ngừng chiến cũng không nằm trong kế hoạch của họ ở Syria.

Các quốc gia vùng Vịnh sẽ tiếp tục cuộc chiến với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thì cố gắng giành lấy vùng tự trị của người Kurd mà không có chiến lược dài hạn, khiến cho cuộc xung đột ở Syria sẽ không thể kết thúc trong tương lai gần - Kịch bản khiến cả Nga và Iran đều lo sợ.

Mỹ nên làm gì?

Khi mà Washington đang cố gắng đưa các bên vào bàn đám phán lần thứ ba, nhằm tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh ở Syria, số phận của Assad và vị trí của các nhóm Hồi giáo bảo thủ cực đoan đều là những vấn đề gây bất đồng.

Hiện nay, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã tạm gác sang một bên chuyện ông Assad phải từ bỏ cương vị Tổng thống, song cuối cùng thì vẫn phải ra đi.

Tuy nhiên, theo ông Decina, Nga và Iran rồi sẽ không bao giờ "bỏ rơi" Assad, để đồng minh này phải đối mặt với sự hỗ trợ không hề suy giảm từ bên ngoài dành cho các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Dù Mỹ đã cố gắng kiểm duyệt các lực lượng đối lập ở Syria nhằm tránh việc đào tạo hoặc trang bị vũ khí cho các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan, song điều đó chưa đủ.

Nhà nghiên cứu người Mỹ
Alexander Decina
Nếu Mỹ không thể kiểm soát được các đồng minh của mình - đặc biệt Ả Rập Xê-Út, thì các nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh sẽ thất bại ngay từ đầu.

Washington cần phải công khai yêu cầu các đồng minh của mình - Ả Rập Xê-Út, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, dừng trang bị vũ khí cho các nhóm cực đoan, và còn cần phải làm nhiều hơn nữa để gây sức ép lên các đồng minh, nếu cần.

"Nếu các quốc gia này vẫn tiếp tục hành động đe dọa tới lợi ích lâu dài của Mỹ - đó chính là sự ổn định ở Syria - thì Washington cần có các biện pháp hạn chế cơ hội đầu tư và mua bán vũ khí mới của họ".

Chuyên gia Decina lưu ý: "Điều này tất nhiên sẽ gây phiền toái, khi mà Mỹ đang sử dụng căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đang phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê-Út để trang bị và huấn luyện một số nhóm đối lập chống IS.

Song, nếu Washington im lặng, thì các quốc gia này sẽ còn tiếp tục gây thêm bất ổn, đe dọa tới Syria và cả thế giới".

Chuyên viên nghiên cứu Mỹ Decina nêu 3 lý do cho thấy các bước đi mới đây của Ả Rập Xê-Út chỉ là để "khoa trương":

- Ả Rập Xê-Út đã loại người Kurd - lực lượng chiến đấu chống IS hiệu quả nhất trên bộ - khỏi hội nghị do mình tổ chức, song lại mời tới các thành phần cực đoan như Ahrar al-Sham và Jabhat al Nusra.

- Sự mập mờ của Ahrar al-Sham trong việc cùng một lúc ký vào tuyên bố chung - trong đó có yêu cầu là Tổng thống Assad phải ra đi trước khi quá trình chuyển tiếp diễn ra, và rút khỏi hội nghị đã cho thấy sự thiếu nghiêm túc của nó.

- Chỉ một ngày sau khi Liên minh Hồi giáo được thành lập, Ngoại trưởng Pakistan, Ngoại trưởng Lebanon, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đã bác bỏ sự tư cách thành viên của mình ở liên minh này. Chính phủ Pakistan và Lebanon còn khẳng định, họ chưa từng được hỏi ý kiến.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại