Cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Ngoại trưởng nước này Hor Namhong ngày 26/1 tại Phnom Penh được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mô tả là "thẳng thắn và mang tính xây dựng".
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ cho hay, ông Hor Namhong nói rằng, lập trường của Campuchia về Biển Đông không thay đổi. Campuchia vẫn cho rằng, các quốc gia nên tự mình giải quyết các tranh chấp, ASEAN không nên can thiệp.
"Chúng tôi muốn tổ chức các cuộc đàm phán trong tương lai giữa những quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông", ông Hor Namhong khẳng định.
"Campuchia không phải là tòa án để có thể phán quyết một quần đảo thuộc về quốc gia này hay quốc gia kia".
Trong tuyên bố của mình sau các cuộc gặp, ông Kerry không hề nhắc tới vấn đề Biển Đông mà chỉ nhấn mạnh, Mỹ và ASEAN có mối quan hệ đối tác chiến lược, và "Campuchia đóng một vai trò nhất định trong việc xác lập quan hệ đối tác đó một cách toàn diện".
Trước đó, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đã tuyên bố Vientiane, với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2016, hi vọng quyền tự do hàng hải được tôn trọng và không để xảy ra tình trạng quân sự hóa trên Biển Đông.
"Ông ấy thể hiện rõ mong muốn một ASEAN đoàn kết và quyền tự do hàng hải được tôn trọng. Ông ấy cũng muốn tránh xung đột và quân sự hóa”, Ngoại trưởng Kerry nhắc lại.
Chuyến công du lần này của ông Kerry tới châu Á nhằm thúc đẩy sự đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên ASEAN trước cuộc họp thượng đỉnh của khối này với Tổng thống Mỹ Obama, dự kiến diễn ra tại Sunnylands, California vào tháng sau.
Điểm dừng chân tiếp theo của ông Kerry, sau Lào và Campuchia, sẽ là Trung Quốc. Theo Reuters, ông Kerry được cho là sẽ gây áp lực lên Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên và tiếp tục bày tỏ sự quan ngại của Mỹ trước các động thái hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.