Theo Debka, Nga và Mỹ đang trong quá trình tăng cường hiện diện quân sự tại các khu vực do người Kurd chiếm đóng ở phía bắc Syria, một dải lãnh thổ kéo dài 85 km từ Hassakeh ở phía đông tới thị trấn Qamishli của người Kurd tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên kia biên giới, Ankara cũng đang rục rịch điều xe tăng và binh sĩ ở thế sẵn sàng chiến đấu.
Sự tăng cường quân sự ở cùng thời điểm của 3 lực lượng ngoại bang "có máu mặt" tại một điểm nóng ở Syria đã được các nguồn tin tình báo chiến trường Dekba xác nhận. Tuy nhiên, họ vẫn chưa rõ liệu động thái này thể hiện sự hợp nhất hay mở màn cho một cuộc đối đầu.
Quân đội Mỹ
Theo các nguồn tin của Debka, đặc nhiệm Mỹ và các trực thăng tấn công của không lực Mỹ đã có mặt tại sân bay Remelan. Họ là những bộ binh đúng nghĩa đầu tiên của Mỹ hoạt động tại Syria.
Hiện nay, đường băng tại sân bay Remelan đã được mở rộng để phục vụ hoạt động của các chiến đấu cơ Mỹ.
Quân đội Nga
Về phía Nga, hôm 16/1 vừa qua, quân đội nước này đã thực hiện 2 đợt điều động quy mô lớn.
Nhóm thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của một sĩ quan cấp tướng, bao gồm các binh sĩ không quân và đặc nhiệm, đang chuẩn bị hoàn tất việc hạ trại tại một căn cứ bỏ hoang ở bắc Syria, chỉ cách sân bay Remelan do Mỹ kiểm soát 80 km.
Nhóm còn lại, bao gồm các nhân viên tình báo, trong đó có các chuyên viên thuộc Cục An ninh Liên bang (FSB). Điều này, theo Debka, cho thấy Moscow quyết tâm không để lộ các thông tin tuyệt mật về chiến dịch của họ tại Syria.
Căn cứ mới của Nga chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 3,5 km, và sẽ đóng vai trò một phòng tuyến của Nga ngăn cách quân Mỹ ở bắc Syria và quân Thổ Nhĩ Kỳ đóng ở biên giới giữa Syria - Thổ.
Phía bắc Syria dự kiến sẽ nóng lên trong thời gian tới. Ảnh: EPA
Đọc thêm: >> Nga điều hơn 100 quân đóng ngay sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ
Quân Thổ Nhĩ Kỳ
Theo Debka, việc Nga điều động quân áp sát biên giới mình đã khiến Ankara phải nâng cao cảnh giác, và quyết định đáp trả bằng đợt điều động thứ ba. Xe tăng và pháo tự hành đã xuất hiện tại khu vực biên giới giáp thị trấn Qamishli của Syria.
Cuối tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã tuyên bố: "Chúng tôi đã nói ngay từ đầu: chúng tôi sẽ không thể ngồi yên trước những đợt điều động như vậy (tại phía bắc Syria)".
Cùng lúc đó, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự chung chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, trong trường hợp đàm phán tại Geneva không đem lại kết quả.
Ông Biden và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu. Ảnh: AP
Tuy nhiên, theo Debka, quan điểm "chống khủng bố" của Ankara không chỉ ám chỉ IS, mà còn nhắm vào người Kurd, một lực lượng do chính Washington hậu thuẫn. Do đó, chưa rõ liệu liên minh Mỹ-Thổ sẽ hợp tác ra sao trên chiến trường.
Theo các nguồn tin quân sự và tình báo của Debka, lúc này Thổ Nhĩ Kỳ đang không có nhiều lựa chọn. Tướng lĩnh nước này thừa hiểu rằng một sai sót nhỏ thôi cũng có thể mở đường cho Nga trả đũa vụ bắn rơi Su-24 hồi cuối tháng 11 năm ngoái.
Đương nhiên, nhắc tới bắc Syria thì không thể không nhắc tới người Kurd, đặc biệt là lực lượng dân quân YPG đóng tại đây. Họ là nhóm bộ binh duy nhất được đánh giá là có thể đánh bại IS tại Syria.
Lúc này, có thể nói một "chảo lửa" đã hình thành tại bắc Syria. Hiện vẫn chưa rõ liệu Nga-Mỹ có đang liên thủ hay mỗi bên đều chỉ vờ hợp tác chống IS để phục vụ mục đích riêng, cũng như liệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trợ thủ đắc lực hay lại một lần nữa trở thành "kẻ phá bĩnh"?