Thoả thuận hạt nhân giữa Iran và phương Tây có một phần công sức không nhỏ của Nga. Không chỉ là một thành viên trên bàn đàm phán P5+1, Moscow là nhân tố chính tham gia vận động hành lang cho Tehran.
Bộ Ngoại giao Nga đã rất hài long khi công khai hoan nghênh thoả thuận lịch sử này, còn tập đoàn tài chính nhà nước Nga VEB thì tin rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho hoạt động xuất khẩu của Nga sang Iran.
Tuy nhiên, nhà tư vấn rủi ro chiến lược người Nga Yury Barmin cho rằng, vẫn còn nhiều hoài nghi quanh việc, liệu Nga có thực sự hưởng lợi khi Iran được phương Tây dỡ bỏ cấm vận.
Các cuộc đàm phán hạt nhân kéo dài và nội chiến ở Syria đã đẩy Iran và Nga tới gần nhau hơn. Sự hỗ trợ lẫn nhau của họ dành cho Tổng thổng Syria Bashar al-Assad được thế giới hiểu rằng cả 2 là đồng minh.
Dù thế, ông Barmin chỉ ra, ngoài vấn đề Syria, đàm phán hạt nhân và ở một mức độ nào đó, là cả vấn đề ở Yemen, thì Moscow và Tehran có nhiều quan điểm khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn nhau.
“Một Iran mạnh mẽ và quyết đoán đã mất dần quyền lực tại lục địa Á - Âu sau khi hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế năm 2006, thì nay, khi được "tái hoà nhập", đương nhiên sẽ cố gắng giành lại vị thế lãnh đạo.
Moscow sẽ cần phải lưu tâm, đặc biệt là chính sách của Iran tại Nam Caucasus, Biển Caspian và Trung Á” – những nơi Moscow cũng đang tích cực củng cố tầm ảnh hưởng của mình.
Giành vị trí trung gian từ tay Nga
Vùng Nam Caucasus (gồm Armenia, Azerbaijan và Gruzia) từ lâu đã nằm trong phạm vi quan tâm của Nga. Cuộc chiến tranh Nga - Gruzia năm 2008 - lần đầu tiên kể từ sau khi Xô - Viết sụp đổ, là một minh chứng cho lập luận này.
Nga cũng hỗ trợ vũ khí cho cả Armenia và Azerbaijan trong những cuộc tranh chấp chưa có hồi kết về Nagorno-Karabakh - một vùng đất của người dân tộc Armenia, do Yerevan kiểm soát, nằm trong lãnh thổ Azerbaijan.
Chính sách của Nga ở Nam Caucasus, đặt biệt là trong cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan, theo chuyên gia Nga, đã gây bất đồng giữa Tehran và Moscow.
“Điểm nóng” Nagorno-Karabakh nằm ngay bên phải biên giới phía bắc của Iran. Nước này và Armenia, Azerbaijan cũng có nhiều điểm tương đồng về lịch sử khi đều từng là một phần của Nam Tư.
Trên thực tế, khi vực Bắc Iran hiện vẫn là nhà của hàng triệu người dân tộc Azeris và khoảng 200.000 người dân tộc Armenia.
Chính vì vậy, Iran có lý do để lo ngại về một cuộc chiến toàn diện nổ ra tại Nagorno-Karabakh. Sự thống trị của Nga ở Nam Caucasus, theo nhận định của chuyên gia người Nga, cũng không mang lại lợi ích tốt nhất cho Iran.
“Sức nóng" của tranh chấp tại Nagorno-Karabakh đã tăng lên nhanh chóng trong năm 2014 - 2015, khiến nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa 2 quốc gia này cao hơn bao giờ hết.
Ông Barmin cho rằng, rõ ràng là so với Nga, Iran có nhiều điểm chung với 2 quốc gia này hơn và Tehran cũng quan tâm hơn tới việc họ cùng chung sống trong hoà bình.
“Tehran có thể tăng cường tiếp xúc với Yerevan và Baku nhằm giành lại vị trí trung gian từ tay Moscow và khiến 2 quốc gia này sẽ dần xa cách Moscow - điều mà giới lãnh đạo Nga không ngờ tới”.
Tăng hiện diện quân sự ở Biển Caspian
Kể từ sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Nga và Iran đều đã không ít lần tìm cách phân định Biển Caspian theo hướng có lợi cho mình.
Lý do, tất nhiên là vì nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các giếng dầu ở Caspian lớn tới mức, các quốc gia không thể nào đi tới quyết định được việc làm cách nào để lấy về mình phần hơn trong "chiếc bánh" này, khiến vùng biển này nhanh chóng bị quân sự hoá.
Ông Barmin đánh giá, ngày nay, hạm đội tàu Nga tại Biển Caspian là hạm đội mạnh nhất trong khu vực. Quốc gia xếp thứ 2 là Iran thời gian gần đây cũng tăng cường sự hiện diện của mình trong vùng biển này.
Đa phần các tàu tại Caspian đều là tàu tuần tra hoặc tàu trang bị tên lửa loại nhỏ, song mọi thứ đã thay đổi hồi tháng 10 năm ngoái, khi Nga triển khai các tàu mang tên lửa hành trình tới đây để bắn vào các mục tiêu ở Syria.
“Việc Nga gia tăng hoạt động tại Biển Caspian diễn ra trong thời điểm phương Tây đang mất cảnh giác, song điều này nhiều khả năng cũng là lời cảnh báo cho giới lãnh đạo Iran".
Chuyên gia Nga dự đoán, khi mà 5 quốc gia ven biển này vẫn chưa đạt được thoả thuận về tư cách pháp lý tại đây, thì Iran hi vọng sẽ tăng yêu sách lãnh thổ trên Biển Caspian, từ 13 hải lý ngoài khơi bờ biển lên thành 20% diện tích toàn bộ vùng biển này.
Năm 2013, Tehran đã điều tàu khu trục Jamaran-2 tới biển Caspian và đang chế tạo tàu ngầm lớp Fateh để đưa tới đây.
Tới đây, Iran nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng hiện diện quân sự của mình trong khu vực này nhằm nâng cao năng lực đàm phán của mình trong các cuộc đàm phán về tư cách pháp lý.
"Hất cẳng" Nga tại Trung Á
Mối liên hệ về chính trị và văn hoá giữa Iran và Trung Á đã từng luôn rất mạnh mẽ, song trong vòng 10 năm trở lại đây, Tehran gần như “biến mất” tại khu vực này do vấn đề tài chính đã ngăn cản họ có ảnh hưởng về chính trị.
Chính nhờ vậy mà Trung Quốc có cơ hội trở thành cường quốc dẫn đầu trong khu vực - điều mà ở một mức độ nào đó, đều khiến Iran và Nga phải thận trọng.
Giờ đây, khi Iran được hoà nhập nền kinh tế thế giới, nước này sẽ sớm tái khẳng định vị trí của mình ở Trung Á.
Hàng loạt các cuộc gặp gỡ giữa các quan chức Iran, Turkmenistan, Uzbekistan trong năm qua đã chứng minh rằng, các bên đều dự đoán đây sẽ là một kỷ nguyên hợp tác mới.
Iran hiện đang sở hữu tuyến đường vận chuyển dầu và khí đốt tới châu Âu không đi qua Nga.
Hệ thống giao thông vận tải của Iran cũng sẽ giúp kết nối các quốc gia không giáp biển ở Trung Á với các quốc gia tại vùng Vịnh và Bắc Phi, như vậy nghĩa là "hất cẳng" Nga khỏi "cán cân" giao thông ở Trung Á.
Ông Barmin nhận định, dù Nga không hoàn toàn tin tưởng dự định của Tehran ở Trung Á, song nhiều khả năng cũng sẽ không tìm cách ngăn cản nỗ lực của Tehran nhằm giành lại một phần ảnh hưởng trong khu vực, bởi nó sẽ là đối trọng với vị thế của Trung Quốc tại đó.
Iran đang nỗ lực ngăn chặn "dòng chảy" của các ma tuý từ Afghanistan và đàn áp hoạt động của các nhóm cực đoan người Sunni ở đó. Trước đây, Tehran phần lớn làm việc này thông qua các nhóm người Tajik sống dọc biên giới phía tây Afghanistan.
Tuy nhiên, kể từ khi biên giới giữa Afghanistan và khu vực Trung Á trở nên lỏng lẻo, cuộc chiến chống các nhóm phiến quân tại đó không thể nào thực hiện được nếu thiếu sự ủng hộ từ Turkmenistan, Tajikistan và Uzbekistan.
Về phần mình, Nga cố gắng kiềm chế những kẻ khủng bố tới Trung Á bằng Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), qua đó tăng tầm ảnh hưởng của mình với giới chính trị địa phương.
“Chiến lược của Iran rõ ràng là gây ra những rủi ro nhất định với Nga, bởi nó có thể giảm tới mức tối đa ảnh hưởng của Moscow và CSTO tại khu vực này”.