Trong một cuộc họp của giới tình báo ở Washington D.C (Mỹ) ngày 19/9, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper thừa nhận rằng "nói về mối đe dọa đối với quê nhà, Khorasan cũng là mối nguy hiểm không kém gì IS". Mặc dù đây là lần đầu tiên nhóm khủng bố này được nhắc tới, song tình báo Mỹ được cho là đã theo dấu chúng suốt khoảng 1 thập kỷ.
Theo hãng tin Nga RT, có rất ít thông tin được giới tình báo Mỹ tiết lộ về tổ chức khủng bố Khorasan tại thời điểm này.
New York Times dẫn lời một số quan chức Mỹ cho hay, trong khi IS rõ ràng là khoe khoang lực lượng mạnh mẽ hơn ở Trung Đông, thì Khorasan thì lại học theo cách mà al-Qaeda thường sử dụng.
Nhóm này bao gồm các cựu thành viên al-Qaeda từ Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á, và nổi lên từ "đống tro tàn" của cuộc chiến ở Syria. RT dẫn lời một nguồn tin chính phủ cho biết, kẻ đứng đầu Khorasan tên là Muhsin al-Fadhli, 33 tuổi, cựu chiến binh cao cấp của al-Qaeda và có mối quan hệ khá thân thiết với Bin Laden. Hắn cũng là một trong số ít người biết trước về vụ khủng bố 11/9 gây chấn động nước Mỹ.
Khorasan được cho là có những kế hoạch cụ thể nhằm tấn công các mục tiêu ở Mỹ và Châu Âu với những thủ đoạn còn ghê gớm hơn IS.
Chuyên gia về Trung Đông tại Quỹ The Heritage, ông James Philips, nhận định: "Khorasan muốn tuyển dụng và huấn luyện những người có hộ chiếu Mỹ và châu Âu để tấn công các mục tiêu phương Tây". Theo ông này, Khorasan là cánh tay mới của al-Qaeda trong nhiệm vụ tấn công nước Mỹ, và dù là đồng minh của Al Nusra tại Syria, song vai trò của nhóm này được cho là tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ngoài nước.
Khorasan được cho là đã tuyển mộ kẻ chế tạo bom rất xuất sắc của al-Qaeda, Ibrahim al-Asiri, một kẻ đi tiên phong thực sự trong việc tạo ra những quả bom khó bị phát hiện. Ông Phillips tin rằng bước tiếp theo của Khorasan sẽ là đưa những quả bom này, cùng các chiến binh thánh chiến từ Mỹ và nhiều quốc gia nước ngoài khác, quay trở về quê hương.
Về mặt này, chuyên gia Phillips đánh giá, so với những tham vọng trong khu vực của IS, thì Khorasan là mối đe dọa trực tiếp hơn tới Mỹ. Đó là chưa kể tới việc, khi mà chiến dịch chống IS sắp tới của Tổng thống Obama được cho là không bao gồm mục tiêu Al Nusra, thì dường như Khorasan lại cảng "rảnh tay".
Một quan chức thực thi luật pháp cấp cao giấu tên trả lời phỏng vấn New York Times rằng: "Điều mà bạn đang có là một số lượng nhất định những kẻ cực đoan đang gia tăng trên khắp thế giới, những kẻ tới, lợi dụng các vùng đất không được kiểm soát và tại ra các nhóm khủng bố đặc biệt, không chính thức và không có liên hệ trực tiếp với IS hay Nusra".
Nếu theo như vậy, chiến dịch không kích Mỹ và các hành động sắp tới của liên minh chống IS có thể sẽ chỉ khiến cho tổ chức khủng bố này thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn hơn nhằm vào Mỹ và châu Âu - về bản chất, đó cũng là những gì mà Khorasan hướng tới.
Theo RT, điều này đã đặt ra một vấn đề khác trong lập trường hiện nay của phương Tây về khủng bố: Quá tập trung vào hành động khủng bố lan rộng của IS mà bắt đầu lãng quên thực tế rằng, sự tàn phá tình trạng lộn xộn do cuộc nội chiến ở khắp Trung Đông gây ra đang sản sinh ra những nhóm khủng bố khó lần được dấu vết, mỗi nhóm lại có những sứ mệnh riêng biệt.
Về phần mình, Nhà Trắng và CIA từ chối đưa ra bất cứ bình luận nào.