Các loại pho mát của Pháp và hoa quả vùng Địa Trung Hải đã không được nhập khẩu vào Nga trong một năm nay.
Trước đó, vào tháng 8/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và một số quốc gia khác.
Đây là đòn đáp trả trước hành động phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với Nga sau cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc chiến ở miền đông Urkaine.
Theo đó, lệnh cấm nhập các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, xúc xích, rau, hoa quả và ngũ cốc được Nga áp dụng với các nước trong khối EU, Mỹ, Canada, Australia và Na Uy.
Hồi tháng Bảy năm nay, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev còn ký sắc lệnh kéo dài thời hạn thi hành lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm tới ngày 5/8/2016.
Mới đây, Moscow còn soạn thảo đề xuất kéo dài thêm lệnh cấm nhập thực phẩm đối với 7 quốc gia là Albania, Montenegro, Na Uy, Iceland, Liechtenstein, Ukraine và Georgia. Đây là những nước đã ủng hộ việc EU gia tăng trừng phạt với Nga.
Hôm 6/8, hàng loạt mặt hàng thực phẩm từ EU và Mỹ bị xếp vào danh mục nhập khẩu trái phép vào Nga, đã bị tiêu hủy ngay tại khu vực biên giới nước này.
Tuy nhiên, nhiều người dân Nga đã không đồng tình với chính sách cấm nhập khẩu thực phẩm từ phương Tây.
Theo họ, lệnh cấm làm giá thực phẩm leo thang, buộc những người về hưu, gia đình đông người và người nghèo phải cắt giảm khẩu phần hàng ngày.
Theo RT, một nghị sĩ Nga còn đề nghị chuyển số hàng hóa bị gán nhãn cấm nhập khẩu vào Nga tới vùng Lugansk và Donetsk thuộc miền đông Ukraine, hai khu vực đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo.
Kể từ khi Nga áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm, nhiều quốc gia EU đã phải chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế. Người dân EU cũng nhiều lần tổ chức biểu tình bày tỏ sự phản đối lệnh cấm của Nga.
Vào tháng 8/2014, nông dân Tây Ban Nha ở Granada đã đổ hàng ngàn củ khoai tây ngay trước chuỗi siêu thị lớn mang tên Carrefour.
Tới tháng Chín cùng năm, người dân ở Amsterdam còn tổ chức lễ hội ném khoảng 200.000 quả cà chua, một trong những mặt hàng bị Nga cấm nhập khẩu.
Hồi đầu tháng này, Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp ở Italia, ông Dino Scanavino thừa nhận rằng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Nga đã khiến nước này thiệt hại hơn 1,2 tỷ euro.
Trong tháng Bảy, cựu Bộ trưởng Pháp Nadine Morano cho biết EU đã thiệt hại mất 21 tỷ euro và có thể mất tới 81 tỷ euro nếu như Nga tiếp tục thi hành lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm.
Trong khi đó, Viện Kinh tế ở Áo đã cho công bố bản nghiên cứu về mức độ thiệt hại nặng nề nhất đối với EU trong năm 2015.
Theo đó, lệnh trừng phạt từ Nga có thể khiến Đức tổn thất 29,9 tỷ euro, Italy là 16,3 tỷ euro, Pháp 11,1 tỷ euro, Anh 9 tỷ euro và Tây Ban Nha 8,5 tỷ euro.
Tuy nhiên, việc Nga áp đặt lệnh trừng phạt với các nước phương Tây cũng đã mở ra cơ hội làm ăn cho một số nước như New Zealand, Serbia, Iran và Nam Phi.