Vì sao cuộc "hiện đại hóa quân đội TQ" đã thất bại từ trứng nước?

Hải Võ |

Tạp chí National Interest (Mỹ) hôm 5/8 phân tích đánh giá, sự tăng cường quân bị của Trung Quốc "đã định sẵn cái kết thất bại" và "quân đội Mỹ sẽ bày tỏ 'thông cảm' đối với PLA".

Trung Quốc đang chi tiêu không suy nghĩ cho quốc phòng?

Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3/2015, các đại biểu quốc hội nước này cho biết dự toán ngân sách quốc phòng 2015 dành cho Quân giải phóng Trung Quốc (PLA) sẽ tăng khoảng 10% so với 2014.

NI cho hay, trong bối cảnh khả năng xung đột quân sự trên Biển Đông gia tăng, mọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đều tập trung vào các hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là động thái xây dựng bến tàu sân bay ở đảo Hải Nam.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân trả lời Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) hồi cuối tháng 7 cho biết, bến tàu sân bay này là một căn cứ gồm nhiều cầu cảng cho tàu sân bay, sân bay cho máy bay dùng trên tàu sân bay...

Như vậy, sau căn cứ tàu sân bay đầu tiên ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, nước này đã hoàn thành căn cứ tàu sân bay với quy mô lớn hơn ở Biển Đông.

Theo NI, điều này thể hiện một thông điệp rõ ràng từ Bắc Kinh: Sau hơn 200 năm phương Tây kiểm soát các tuyến đường hàng hải quốc tế, Trung Quốc đang trở lại "đòi chia phần".

Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đang bị suy giảm, nhưng tình trạng nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung là "khỏe mạnh", NI cho hay. Tuy nhiên, nói rằng Trung Quốc đang đóng vai trò dẫn dắt toàn cầu chỉ là sự thổi phồng quá đáng.

Các nhà nghiên cứu kinh tế chỉ ra, sự tăng trưởng ngân sách quốc phòng 10% mà Bắc Kinh đề ra hoàn toàn không được điều chỉnh dựa trên mục tiêu tăng trưởng lưu thông hàng hóa của nền kinh tế.

Điều tồi tệ hơn là, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thậm chí không xem xét tới tốc độ tăng chi ngân sách quốc phòng nhanh hơn nhiều so với tốc độ phát triển của kinh tế nước này.

Thêm vào đó, vấn đề tham nhũng trong quân đội đã kéo dài suốt hàng chục năm qua và đang khiến PLA trả giá bằng chính sự yếu kém của mình trong cuộc đối đầu với phương Tây.

Hồi tháng 1 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố 16 tướng lĩnh PLA bị điều tra do cáo buộc tham nhũng. Ngay sau đó, truyền thông quốc tế cũng bùng nổ các thông tin về thực trạng mua quan bán chức trong quân đội nước này với "bảng giá" kinh hoàng.

Không cần nói xa, chỉ trong vòng 1, 2 cựu "quyền lực số 2" PLA là các cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng đã lần lượt "ngã ngựa" vào tháng 6/2014 và tháng 7/2015.

Từ và Quách được cho là những tác nhân trực tiếp làm suy yếu sức mạnh của PLA.

Trung Quốc cố duy trì tốc độ tăng trưởng ngân sách quốc phòng, tuy nhiên nền kinh tế nước này không gánh nổi mức tăng đó.

Trung Quốc cố duy trì tốc độ tăng trưởng ngân sách quốc phòng, tuy nhiên nền kinh tế nước này không "gánh" nổi mức tăng đó.

"Cái bẫy" tăng trưởng GDP sẽ đánh đổ tham vọng hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc?

NI cho biết, hiện tại Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng ngân sách quân sự chiếm khoảng 1.3% mức tăng trưởng GDP. Bắc Kinh cũng thừa nhận đã chi khoảng 1.4% GDP vào lĩnh vực an ninh quốc nội.

Các nhà phân tích phương Tây thường đặt 2 con số này với nhau và rút ra kết luận, Trung Quốc phải bỏ khoảng 3% GDP cho quân sự.

Điều này được cho là "rất không hợp lý". Theo đó, hơn 80% dự toán ngân sách an ninh quốc nội của Trung Quốc đều do chính quyền địa phương chi tiêu.

Hiện tượng này không thể xảy ra ở Mỹ và Washington cũng sẽ không chi tới 3% GDP của mình cho quân sự.

Xét tới thực tế Mỹ đang là siêu cường quân sự và nền kinh tế số 1 thế giới hiện nay, nước này không cần thiết phải e ngại Trung Quốc, NI chỉ ra.

Trong khi Trung Quốc bước vào giai đoạn "trung lưu", các khoản chi của nước này buộc phải tăng nhanh so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Chính phủ phải mở rộng giáo dục về địa phương, đồng thời xây dựng và phát triển hệ thống phúc lợi hợp lý cho toàn bộ cư dân thành thị.

Là một nước phát triển, Mỹ phải đối diện với vấn đề ngân sách và quân sự căng thẳng. Trung Quốc cũng như vậy. Nhưng điều khác biệt là Mỹ "tương đối giàu" và có hệ thống thu thuế tiến bộ, còn Trung Quốc không được như vậy.

Ở vị thế một quốc gia có thu nhập trung bình, Trung Quốc phụ thuộc vào thuế tiêu thụ, thị trường bất động sản... để duy trì sự cân bằng thu nhập.

Tuy nhiên, hình thức thu thuế như trên chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng thu nhập. Vì vậy, khi nền kinh tế nước này phát triển, thu nhập của chính phủ vẫn không được đẩy nhanh.

Do đó, chi tiêu quân sự của Trung Quốc bị rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

PLA có thể thông qua việc nâng cao hiệu quả chi tiêu và chống tham nhũng để duy trì tình trạng tài chính của mình.

Tuy nhiên, thời kỳ tiêu xài "thả ga" của PLA cũng không còn như trước khi chính phủ yêu cầu quân đội "tiêu ít, làm nhiều".

Theo NI, "vũ khí" tiến bộ nhất mà quân đội Mỹ, Nhật Bản, Australia có được chính là năng lực quản lý và sử dụng tài chính hiệu quả của bọn họ.

"Đó là lý do tại sao Trung Quốc có thể cho thấy sự tăng trưởng quân sự ấn tượng trong thời gian ngắn, nhưng hoàn toàn không có 'sức bền' duy trì trạng thái đó trong 'cuộc chơi dài hạn' với Mỹ và đồng minh." - NI kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại