TQ đang tự tay "vẽ đường" cho Putin "về" với Nhật-Mỹ-EU?

Hải Võ |

Moscow và Tokyo đang bỏ qua mâu thuẫn để nỗ lực hiện thực hóa chuyến thăm Nhật chính thức của Tổng thống Nga Vladmir Putin. Điều này khiến truyền thông Trung Quốc không vui.

Bài viết "Nga-Nhật không thể thật sự đứng cạnh nhau" được đăng tải trên Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mới đây tỏ ra cay cú với thực tế quan hệ Moscow-Tokyo gần đây đang ấm dần lên và cho rằng "2 nước sẽ chẳng đi đến đâu".

Nga và Nhật Bản gần đây đã đi đến nhiều thỏa thuận giải quyết tranh chấp quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc bằng biện pháp hòa bình, trong khi song phương cũng tái khởi động lịch trình thực hiện chuyến thăm Nhật chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước những động thái này, Thiếu tướng Trung Quốc Vương Hải Vận cho rằng, lợi ích chiến lược của Nga-Nhật vẫn là đối lập.

Theo ông Vương, Nga bị phương Tây cho là "mối đe dọa lớn nhất" đối với các liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu, trong khi Nhật Bản thường đóng vai trò tích cực trong hoạt động của các liên minh này.

"Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát, Tokyo đã theo bước Mỹ để trừng phạt Nga. Chính điều này khiến quan hệ Nga-Nhật trở nên tồi tệ mà cho đến nay 2 nước mới trở lại hàn gắn." - Vương Hải Vận bình luận.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương hậu Chiến tranh Lạnh, Nga-Nhật cùng trở thành những nước bị suy giảm sức mạnh cả về kinh tế, chính trị, quân sự và lép vế trước Mỹ, thậm chí là cả Trung Quốc "đang lên".

Đồng thời, sự toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt ở châu Âu với vai trò chủ đạo của Anh, Pháp, Đức cũng như sự điều chỉnh quan hệ thân cận hơn của liên minh châu Âu (EU) với Mỹ đã buộc Nga, Nhật phải thắt chặt quan hệ nếu không muốn trở thành "người ngoài".

Không chỉ "không thiếu được nhau" trong vấn đề địa chính trị, giữa Tokyo và Moscow cũng tồn tại mối quan hệ cộng sinh trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng.

Môi trường khu vực tương đồng, đặc biệt với sự "trỗi dậy" của Trung Quốc, đã thúc đẩy mạnh hơn mong muốn chung "xích lại gần nhau" từ cả 2 nước, bất chấp những mâu thuẫn lịch sử và tranh chấp lãnh thổ.

Thậm chí, hồi tháng 6 năm nay, khi mà Trung Quốc khiến toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải lo ngại trước sự bành trướng trắng trợn trên Biển Đông, nhu cầu "lôi kéo" Nga trở nên cấp thiết hơn đối với Tokyo.

Thậm chí, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã không ngần ngại tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh G7 rằng ông sẽ tìm mọi cách để đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin trở lại với nhóm này.

Tokyo đã thể hiện rất rõ nguyện vọng đạt được đột phá trong quan hệ với Nga.

Dù quan hệ song phương đang rất tốt đẹp, nhưng Nga cũng không thể đứng ra "chống lưng" cho tham vọng bành trướng khu vực của Bắc Kinh.

Dù quan hệ song phương đang rất tốt đẹp, nhưng Nga cũng không thể đứng ra "chống lưng" cho tham vọng bành trướng khu vực của Bắc Kinh.

"Nhân tố Trung Quốc" giúp Nga-Nhật xích lại gần nhau

Trang Đa Chiều cho hay, những năm gần đây, "nhân tố Trung Quốc" xuất hiện ngày càng nhiều trong mối quan hệ Nga-Nhật.

Điều này được đánh giá là mâu thuẫn chung của Nhật Bản và nhiều nước phương Tây, bởi mỗi khi xảy ra các biến động địa chính trị liên quan đến Nga hoặc Trung Quốc, 2 nước này lại tìm cách dựa vào nhau để gây áp lực lại với Mỹ và đồng minh.

Chính vì vậy, đối với Nga, Mỹ, Nhật và EU dường như có cùng quan điểm, đó là phải nhượng bộ là tìm cách đưa nước này về gần với châu Âu, nếu không muốn Moscow bị Trung Quốc lợi dụng làm chỗ dựa, thực hiện dã tâm bành trướng ở khu vực.

Trong bối cảnh Nga-phương Tây vẫn ở thế đối đầu do cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ vẫn chưa chịu xuống nước thừa nhận vị thế quan trọng của Nga. Tuy nhiên, chính sự ngoan cố trong chiến lược của Trung Quốc đã cho Washington thấy được điều này.

Chính Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 5/8 đã khẳng định Nga ủng hộ việc giải quyết mâu thuẫn ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế và tuyên bố các cuộc tập trận chung giữa Nga với Trung Quốc "không đồng nghĩa với việc Moscow ủng hộ Bắc Kinh ở Biển Đông".

Ông Vương Hải Vận bình luận, quan hệ Nga-Nhật là điển hình của quan điểm "lợi ích vĩnh viễn giữa các quốc gia" và song phương xích lại gần nhau chính nhờ những lợi ích chiến lược chung như vậy.

Mặc dù truyền thông Trung Quốc thường đào sâu vào các mẫu thuẫn lịch sử cũng như tranh chấp chủ quyền giữa Nga và Nhật Bản, nhưng trên thực tế động thái "châm chích" này không đủ để che mắt Moscow và Tokyo trước ý đồ của Bắc Kinh.

Theo Đa Chiều, do quan hệ Trung-Nhật luôn là đề tài nhạy cảm nên Trung Quốc hầu như không tính đến chuyện phải "ve vuốt" một thế lực lớn ở châu Á là Tokyo, do vậy mục tiêu chính của nước này chỉ có Nga.

Hãng tin TASS của Nga cho hay, các ông Putin và Abe rất có thể sẽ tổ chức hội đàm song phương trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 tới để "tạo đà" cho chuyến thăm Nhật của Putin. Tổng thống Nga đã vui vẻ nhận lời ông Abe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại