Chuyên gia dự đoán động thái của Nga-TQ làm Mỹ bẽ bàng ở châu Á

My Lan |

Trung Quốc và Nga chưa cần đợi tới lúc trở thành bạn bè thân thiết thì đã có thể đe doạ tới vị trí dẫn đầu của Mỹ tại Đông Bắc Á và một khu vực rộng lớn hơn, theo học giả người Mỹ.

Lợi ích chiến lược “gặp gỡ” đúng thời điểm

Trong phần đầu bài viết trên tờ National Interest, học giả người Mỹ Peter Harris đánh giá, dù rằng câu hỏi quan hệ Nga - Trung thân thiết tới mức nào vẫn chưa có lời giải, song sự hợp tác quân sự giữa 2 nước này, bất kể ở mức độ nào, với Mỹ đều chẳng hay ho gì.

Peter Harris là giảng viên, trợ lý giáo sư chuyên ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Bang Colorado, Mỹ.

Mới đây nhất, Moscow và Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho cuộc tập trận quân sự chung tại Biển Nhật Bản, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng Tám tới đây.

Một vài người hi vọng rằng quan hệ Nga - Mỹ sẽ được cải thiện sau khi thoả thuận hạt nhân Iran được thông qua.

Tuy nhiên, theo ông Harris, “các động thái của Nga ở Ukraine, Gruzia và một vài nơi khác nữa cho thấy Nga vẫn có khả năng là một đối thủ ‘nặng ký’ trong tương lai gần”.

Trong khi quan hệ Mỹ - Trung đang tồn tại dựa trên nền tảng vững chắc hơn trước - ít nhất thì chiến tranh uỷ nhiệm cũng không nổ ra, Mỹ rõ ràng vẫn đang lo lắng về sự trỗi dậy, nhằm khẳng định mình ở Đông Á, của Trung Quốc.

Việc Nga - Trung tái lập quan hệ là tin xấu đối với Mỹ.

Ngay cả nếu các hạm đội chung của 2 quốc gia không phải là đối thủ với Mỹ, thì việc họ tập trung lực lượng hải quân tại một số vùng biển cũng đủ gây phiền phức cho khả năng thể hiện sức mạnh của Mỹ trong khủng hoảng ngoại giao hay tranh chấp phải viện tới quân sự.

Học giả người Mỹ
Peter Harris
Khi Trung Quốc và Nga cùng nhau hành động, thay vì hành động riêng lẻ, họ đang có một vị thế tốt hơn trong việc ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ ở Đông Á.

"Bắc Kinh và Moscow không cần trở thành bạn bè thân thiết để có thể đe doạ vị trí đứng đầu của Mỹ ở Đông Bắc Á và khu vực rộng lớn hơn.

Tất cả những gì hai quốc gia này cần là sự gặp gỡ về lợi ích chiến lược tại đúng thời điểm Mỹ đang cố gắng thể hiện sự tự tin hoặc bảo vệ một đồng minh trong khu vực”.

Liên minh tấn công chưa phải tồi tệ nhất

Bài viết thẳng thắn nhận định, không thể loại trừ khả năng xuất hiện liên minh Nga - Trung nhân lúc quan hệ giữa Mỹ với 2 quốc gia này đang phức tạp. Liên minh tạm thời này là tình huống bất ngờ mà các chuyên gia Mỹ cần phải nghiêm túc xem xét một cách khôn ngoan.

Học giả Harris đánh giá, trong thời điểm căng thẳng vẫn đang gia tăng giữa Nga và NATO tại Đông Âu, Moscow có động cơ nhất định để gia tăng áp lực lên Mỹ ở Viễn Đông.

Lý do được ông này đưa ra là bởi, việc buộc Lầu Năm Góc thực hiện một cách sâu rộng hơn "trục châu Á" cuối cùng sẽ khiến Mỹ giảm sự hiện diện quân sự dọc mặt trận phía tây của Nga.

Tất nhiên, Bắc Kinh không hề mong muốn Mỹ thực hiện thành công trục châu Á, nhưng vẫn sẽ trân trọng sự ủng hộ từ Moscow trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Washington hoặc một đồng minh của họ.

Học giả người Mỹ
Peter Harris
Trên thực tế, tại một khu vực mà mạng lưới các thoả thuận an ninh của Mỹ vẫn đang "thống trị", thì ngay cả một người bạn "đồng cam nhưng không cộng khổ" vẫn được Trung Quốc chào đón.

Với Mỹ, việc Trung Quốc và Nga thành lập một liên minh tấn công nhằm giáng đòn vào các vùng đất nằm dưới quyền bảo trợ của Mỹ và các đồng minh không phải là một nguy cơ lớn.

Theo ông Harris, điều nguy hiểm hơn nhiều là sự hợp lực quân sự giữa Nga-Trung, bởi điều này sẽ buộc Mỹ phải tăng cường sự hiện diện của mình tại Đông Á, vượt trên mức cần thiết - theo đánh giá của các nhà hoạch định chiến lược.

Nó cũng có thể khiến Mỹ buộc phải chấp nhận sự thật cay đắng rằng nền hoà bình kiểu Mỹ không thể chạm tới những khu vực mà Nga - Trung đang triển khai vững chắc các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, vị trí dẫn đầu của Trung Quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương đã được củng cố bởi ưu thế quân sự vượt trội tương đối rõ rệt, đặc biệt là sức mạnh trên biển.

Nó đã giúp Washington duy trì các liên minh và ngăn ngừa sự hình thành đối trọng mạnh mẽ chống lại quốc gia mình.

Tuy nhiên, mọi chuyện đang thay đổi. “Tình hình địa chính trị trong tương lai ở Đông Á xem chừng sẽ ít nghiêng hơn về phía có lợi cho Mỹ”.

Vị chuyên gia này nhận định, các cường quốc hồi sinh và đang trỗi dậy, giống như Trung Quốc và Nga, chưa phải là đối thủ cạnh tranh ngang hàng thực sự của Mỹ, nhưng đang ngày càng trở thành một thách thức, đe doạ tới vị trí đứng đầu của Mỹ ở khu vực.

“Dù rằng trong mắt Mỹ, đó là kịch bản tồi tệ nhất khi mà quan hệ Nga - Trung mới đang bắt đầu được tái thiết lập trở lại, thì vẫn còn một kịch bản nữa không thể dễ dàng bỏ qua”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại